ClockThứ Bảy, 18/06/2016 14:01

Trách nhiệm thông tin

TTH - Ứng xử khi tác nghiệp, chọn góc độ để phản ánh, xây dựng hình ảnh như thế nào trong mắt công chúng và đồng nghiệp … là điều khiến người làm báo luôn trăn trở, lựa chọn. Thừa Thiên Huế Cuối tuần đã ghi lại những ý kiến của các nhà báo, người làm công tác quản lý báo chí xung quanh về vấn đề này…

Phỏng vấn nghệ sĩ nước ngoài trong triển lãm “Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh” tại Huế. Ảnh: Đ.Từ

Ông Lê Viết Xuân, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Tạo môi trường, hành lang pháp lý cho nhà báo tác nghiệp

Hiện nay, đại bộ phận nhà báo là người có trách nhiệm, là những nhà báo tốt. Tuy nhiên, không phải nhà báo nào cũng ý thức đầy đủ được trách nhiệm, vị trí của bản thân nên trong tác nghiệp đôi lúc thể hiện chưa đúng vai trò của người làm báo và ý thức công dân. Một số khác còn thể hiện cái tôi hơi quá. Cộng với việc giao tiếp, điều tra, tìm hiểu khi tác nghiệp có “vấn đề” ít nhiều ảnh hưởng đến sự tin tưởng, yêu mến của độc giả dành cho những người làm báo.

Ông Lê Viết Xuân

Thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc phóng viên bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Điều này cho thấy công cụ pháp luật để bảo vệ nhà báo chưa tương xứng. Vì vậy, cần tiếp tục cụ thể hóa để tạo môi trường, hành lang pháp lý cho những người làm báo cũng như có một chế tài đủ mạnh để xử lý, răn đe những hành vi hành hung, cản trở phóng viên tác nghiệp.

Nhà báo Đoàn Thị Vĩnh Yên, Phó Trưởng phòng Tin VTV8 tại Huế (thuộc Ban Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam): Cân đối trách nhiệm xã hội với trách nhiệm thông tin

Nhà báo Vĩnh Yên

Nghề báo từ xưa đến nay vẫn có một vị trí tôn trọng nhất định trong xã hội. Tuy nhiên, khi các loại hình báo chí, các tờ báo xuất hiện “dày đặc” thời gian gần đây, sự thật có một đội ngũ phóng viên báo chí đang làm “tầm thường hóa” nghề nghiệp vốn được xã hội trọng thị.

Trong đó, có một số những người làm báo trẻ, những người hiện đang chạy đua với việc đưa thông tin bằng mọi giá. Sẽ rất khó để họ nhận thức đầy đủ và cân đối hài hòa giữa trách nhiệm xã hội với trách nhiệm thông tin. Vì vậy, khi đào tạo những người làm báo, nhà trường cần chú trọng hơn đến giáo dục đạo đức nghề nghiệp. Nếu không, sẽ có lúc, xã hội sẽ xem những người làm báo như công cụ để “đánh hơi”, để “mách” với thiên hạ, chứ không mang tính định hướng, tính thẩm mỹ và hướng công chúng, độc giả đến một giá trị tốt đẹp. Đến một lúc nào đó, công tác quản lý báo chí được chấn chỉnh tốt hơn thì tình trạng đó sẽ được cải thiện dần.

Nhà báo Trương Diên Thống, Phó Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế: Lương tâm và lòng tự trọng

Nhà báo Trương Diên Thống

Làm bất cứ nghề nào cũng đòi hỏi phải có lương tâm, lòng tự trọng nghề nghiệp. Làm báo lại càng phải như thế, bởi hoạt động báo chí là hoạt động rất đặc thù. Một bài viết, một thông tin được đăng tải, lập tức sẽ lan tỏa nhanh và có tác động rất mạnh mẽ trong xã hội. Cho nên, làm báo không phải là “chuyện chơi”. Anh đã chọn nghề, chọn một cơ quan báo chí để làm việc thì phải xác định rất rõ chỗ đứng, vai trò của mình để thực hiện cho tốt chức năng, nhiệm vụ mà anh đã tự nguyện gánh vác. Hay nói khái quát hơn, anh phải có trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của một nhà báo. Tiếng nói tác phẩm không gì khác ngoài hướng đến mục tiêu chung “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Không có lòng tự trọng nghề nghiệp, cẩu thả với sản phẩm của mình, coi thường độc giả, hoặc vì tư lợi, vì “khuất tất” mà bóp méo thông tin thì hình ảnh của anh/chị nhà báo ấy trong lòng công chúng cũng “méo mó” là lẽ đương nhiên. May thay, đó chỉ là sự cá biệt. Cá biệt song rất cần quan tâm để ngăn chặn “lây lan” và làm thương tổn hình ảnh của làng báo nước nhà.

Nhà báo Dương Phước Thu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh: Đừng vì lợi ích...

Nhà báo Dương Phước Thu

Báo chí luôn có vị trí đích thực trong đời sống xã hội. Và rõ ràng, đa phần công chúng, độc giả vẫn có cái nhìn thiện cảm, tin tưởng với đội ngũ những người làm báo - vì những đóng góp tích cực của họ. Song, không phải nhà báo, tờ báo nào cũng làm được điều đó. Áp lực cạnh tranh thông tin, sự dễ dãi về nghiệp vụ, thậm chí cố tình phớt lờ những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, đã góp phần làm xấu đi hình ảnh người làm báo trong mắt công chúng. Chính vì vậy, vai trò nhà báo trong thời đại kỷ nguyên số càng lớn. vấn đề trách nhiệm xã hội và đạo đức của người làm báo càng được đặt lên hàng đầu. Nhưng có một điều mà công chúng luôn đòi hỏi ở những người làm báo nói riêng và cơ quan báo chí nói chung là phải có trách nhiệm trước thông tin mà mình đưa ra. Độc giả cũng mong muốn những nhà báo đích thực không vì lợi ích trước mắt mà làm giảm sút lòng tin của bạn đọc, tự đánh mất vai trò định hướng dư luận của báo chí trước công luận.

Nhà báo Thanh Thuận, Báo Thừa Thiên Huế: Cần điềm tĩnh, biết bảo vệ mình

Nhà báo Thanh Thuận

Vào nghề đến nay gần 15 năm, để có thông tin cho bài viết, tôi cũng gặp không ít khăn trong tác nghiệp. Ở đâu xảy ra sự kiện, vụ việc, tôi đều có mặt kịp thời để nắm thông tin. Không ít lần tôi bị cản trở và gặp nguy hiểm khi tác nghiệp.

Mới đây, trong lúc tác nghiệp ở Công ty cổ phần Xe khách Thừa Thiên Huế, tôi bất ngờ gặp sự cản trở từ người của đơn vị này, thậm chí tôi bị họ xúc phạm. Vì không kiềm chế được bản thân, tôi đã đối đáp lại nên xảy ra sự việc ngoài mong muốn. Qua đây, tôi rút kinh nghiệm, dù tác nghiệp ở đâu, trong trường hợp nào, nhà báo cần điềm tĩnh, biết bảo vệ mình, đừng “giận quá mất khôn”.

PV TTXVN tại Huế tác nghiệp ở vùng cao. Ảnh: Q.Viên

LIÊN MINH (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa Giải chạy VnExpress Marathon Imperial Huế 2024

Từ mờ sáng 21/4, Giải chạy VnExpress Marathon Imperial Huế 2024 do Báo VnExpress phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Công ty Cổ phần dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online) tổ chức, được chính thức khởi tranh tại TP Huế thơ mộng.

Lan tỏa Giải chạy VnExpress Marathon Imperial Huế 2024
Quốc lộ 1A qua Thừa Thiên Huế đang quá tải

Tuyến Quốc lộ (QL) 1A đi qua địa bàn Thừa Thiên Huế hiện đang quá tải trước sự gia tăng của các phương tiện tham gia giao thông. Áp lực này càng gia tăng hơn kể từ ngày 4/4 vừa qua, cao tốc Cam Lộ - La Sơn phân luồng không cho xe khách trên 30 chỗ và xe tải từ 6 trục trở lên, xe rơ-mooc, sơ mi rơ-mooc vào.

Quốc lộ 1A qua Thừa Thiên Huế đang quá tải
Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

Đó là yêu cầu của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình tại phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh nhằm đánh giá kết quả hoạt động quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2024, tổ chức chiều 17/4.

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội
Return to top