ClockThứ Sáu, 08/03/2019 15:18

Trên đôi vai gầy

TTH - Tháng của những người phụ nữ, khắp các nẻo đường hoa tràn khắp lối. Nhắc đến hoa, người ta thường nghĩ nó đại diện cho phái yếu, mỏng mềm, khoe sắc, tinh khôi và tỏa hương. Tháng 3 của những người mẹ, người chị và cả các cô gái độ xuân thì sẽ có một ngày khác với thường nhật…

Những “bông hoa” tiêu biểu

Vất vả mưu sinh. Ảnh: ĐĂNG TUYÊN

1. Trong quá trình đi tìm mạch nguồn cho câu chuyện của ngày tháng 3 đặc biệt, điều tôi nhớ đầu tiên là những phụ nữ làng biển. Họ chịu thương, chịu khó và vô tư.

Bây giờ, những túp lều tranh xiêu vẹo dọc theo các bãi biển dần biến mất, và cũng không còn hình ảnh người phụ nữ oằn mình trên đôi quang gánh vượt cát mưu sinh. Những làng biển đổi thay và người phụ nữ đã đỡ cơ cực hơn ngày xưa.

Bà Nguyễn Thị Huệ (63 tuổi, huyện Phong Điền), bằng lời nói “vẽ” cho tôi hình ảnh phụ nữ làng biển thời trước trông như một vòng tròn. Ý bà nôm na thế này: “Mỗi tối, nghe tiếng máy nổ (thuyền cập bờ - PV), đàn bà tất tưởi triêng gióng, cứ rứa mà chạy xuống bãi, rồi vội vàng gánh cá vượt hàng cây số gõ cửa từng nhà để bán. Cá bán không hết, thức đêm đổ lu làm mắm, rồi chuẩn bị cơm nước cho chồng đi biển sớm. 4 giờ sáng hôm sau thức dậy chuẩn bị đồ đạc, phụ giúp chồng ra khơi. Thuyền cập bờ buổi sáng, lại vội vàng với bộ “đồ nghề” là triêng gióng…”. “Đàn ông làm việc chi?”, tôi hỏi. “Đi biển vô, tụ nhau nhậu rồi ngủ chứ làm chi. Mọi việc khác trong nhà, từ con cái đến cơm nước đều đàn bà lo, thậm chí lúc ra khơi đàn bà cũng phụ giúp chồng gánh ghe, đan lưới. Rứa mà lúc giận nhau, họ lại chì chiết rằng, tụi tui có làm chi ra tiền mô?!”, bà cười.

.Các bạn sinh viên tặng hoa cho phụ nữ nghèo nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm ngoái.Ảnh: ĐỘI CTXH TRƯỜNG ĐHKH HUẾ

Bà Huệ là hình ảnh của những phụ nữ ôm trọn gian lao, chắt chiu từng hạt gạo cho con cái đủ đầy. Một ngày đông, chồng bị bệnh nặng, mất sức lao động, cơm áo 7 đứa con đè nặng lên đôi vai gầy. Ấy thế mà một tay bà chèo chống, những đứa con bà bây giờ đã nên đôi nên đũa, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Thời buổi hiện đại, khắp các nẻo đường phố thị, hình ảnh hàng trăm phụ nữ quê mùa lăn lộn mưu sinh cứ phóng qua tầm mắt. Đâu đó, có những người vội vã với quang gánh, mệt nhoài, tựa vào gốc cây, mồ hôi đẫm lưng áo, giấu đi nỗi buồn và cả mỏi mệt. Đó có thể là gánh bún, gánh xôi hay chỉ dung dị như là đậu hũ nhưng đằng sau là cả một cuộc đời của người phụ nữ, nó khi oằn khi duỗi như chiếc đòn gánh trên đôi vai gầy. “Ở quê khó bán quá nên tôi phải gánh đi khắp nơi mời chào, mỗi ngày đi bộ hơn 20 cây số từ 5 giờ sáng, đến trưa mới trở về nhà. Từ gánh bún, mỗi ngày kiếm được đôi ba trăm ngàn đồng. Dù vất vả thật nhưng khi cầm được đồng tiền bằng mồ hôi, sức lực của mình lo cho gia đình là mãn nguyện rồi”, chị Lê Thị Thúy (xã Thủy Thanh, Hương Thủy) thổ lộ.

Cuộc đời có lắm nỗi lo, bước chân của người phụ nữ thầm lặng, chầm chậm, chịu khó. Đôi khi có người làm thay phần việc của những người đàn ông cho gia đình phần nào tròn trịa. “Gần 10 năm rồi, khi ba mấy đứa đi lấy vợ khác, tui một mình nuôi con. Nhà vắng đàn ông, từng cái bóng đèn điện, vòi nước tui phải tự tay thay. Hàng ngày, tích cóp từng đồng tiền lẻ để nuôi con. Thấy con lớn khôn, mọi lo toan, cực nhọc dường như vơi hết”, bà Nguyễn Thị T. (Hương Thủy) tâm sự.

2. “Tinh thần”. Bà Đặng Thùy Dương- Giám đốc Công ty TNHH Volga Việt - Nga, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân Huế trả lời như vậy khi được hỏi phụ nữ cần gì trong thời buổi hiện đại?

Ngày trước, người phụ nữ thường chỉ thu mình trong gian bếp. Công, dung, ngôn, hạnh là câu sửa mình của họ. Nay thì phụ nữ đã khác, họ đã vươn lên khẳng định mình với nam giới và cả xã hội. Bà Dương chỉ ra sự khác biệt của phụ nữ hiện đại mà tôi chắc rằng trong số đấng mày râu thời buổi này không phải ai cũng làm được. “Cùng một lúc người phụ nữ giữ thiên chức làm mẹ, làm dâu, chăm lo gia đình và cả kinh doanh thì nếu đổi lại là đàn ông thì mấy ai có thể làm được?!”, bà Dương cắc cớ.

Tổ ấm của mỗi gia đình luôn có bàn tay của phụ nữ, truyền thống ấy từ ngàn xưa đến nay vẫn không đổi. Nhưng nay, vị trí của họ trong xã hội đã đổi thay, không còn chỉ là chuyện bếp núc, gia đình và con cái. Trước khi đóng vai trò tề gia nội trợ, người phụ nữ hiện đại được trang bị nền tảng kiến thức đủ để đáp ứng nhu cầu xã hội. Với nỗi lo cơm áo gạo tiền, nếu không có sự chi ly từ bàn tay của người phụ nữ thì e rằng cuộc sống sẽ không trọn vẹn. “Thu nhập mỗi tháng của vợ chồng tôi gần 8 triệu đồng. Gia đình có 2 đứa con nhỏ và phải thuê nhà để ở nên phải chi ly từng đồng để “phân chia” cho cuộc sống. Từ tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền học cho con, điện nước… phải kỹ lưỡng. Chồng bận làm suốt ngày nên những công việc đó do tôi…phụ trách. Nếu không tính toán thật kỹ thì thiếu trước hụt sau”, chị Đỗ Thị Hồng, một nhân viên văn phòng ở TP. Huế chia sẻ.

Nếp nghĩ và truyền thống của người phụ nữ xưa vẫn còn được giữ nhưng họ đã mạnh mẽ và khát vọng hơn trước. Nhiều phụ nữ tự chủ về tài chính mà chẳng cần phụ thuộc vào chồng, con. Nói về điều này, bà Dương đưa ra một ví dụ thực tế: “Thời hiện đại, rất ít đàn ông hàng ngày phát tiền cho vợ đi chợ và đa số phụ nữ được xem như là giám đốc tài chính của gia đình. Người đàn ông kiếm tiền đã khó, người phụ nữ tính toán, phân bổ sử dụng đồng tiền đó thế nào cho hợp lý trong gia đình lại càng khó hơn, đặc biệt đối với những gia đình có thu nhập không cao”.

Tại một báo cáo của Tập đoàn tư vấn Boston, trong giới kinh doanh, tỉ lệ phụ nữ giữ vai trò giám đốc, điều hành, công ty doanh nghiệp ở Việt Nam là 25%. Con số này vượt xa các nước trong cùng khu vực như Malaysia, Singapore, Indonesia. Nói thế để thấy rằng, vai trò, hình mẫu của người phụ nữ Việt Nam đã khác, tích cực và đa dạng hơn. “Phụ nữ dù nhỏ nhắn, xinh xắn nhưng độ “rắn” trong kinh doanh rất cao. Tại Huế có không ít phụ nữ thành công nhờ kinh doanh, mở doanh nghiệp. So với đàn ông, họ chắc chắn hơn, đàm phán ngoại giao cũng kỹ lưỡng hơn. Bởi vậy, theo thống kê tỉ lệ doanh nghiệp nữ điều hành ít phá sản hơn hẳn so với đàn ông.

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, một gia đình trọn vẹn phải có bàn tay của người phụ nữ. “Dẫu phụ nữ có làm công việc gì thì mái ấm gia đình vẫn là số một, sẽ không nên nếu đánh đổi mái ấm gia đình lấy sự thành công của bản thân”, bà Dương đúc rút.

Trong ngày tôn vinh người phụ nữ, hẳn nhiều người nghĩ họ cần gì, hoa hay quà?! Điều đó chỉ là tức thời, không còn quan trọng. Và phụ nữ họ rất cần tinh thần, đó đơn giản là sự quan tâm của gia đình, chồng con, hội đoàn, như tiếp lửa cho những ngày tiếp theo, để đôi vai gầy càng thêm vững chãi.

Quỳnh Viên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị

Ngày 25/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng “Mái ấm tình thương” trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tổng trị giá hơn 600 triệu đồng.

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị
Tránh mắc vào cạm bẫy

Để mỗi phụ nữ, trẻ em, nhất là phụ nữ vùng cao, biên giới không là nạn nhân của vấn nạn buôn bán người, bóc lột sức lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để phụ nữ tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, vấn nạn đó.

Tránh mắc vào cạm bẫy
Làm giàu từ ruộng vườn

Mảnh vườn xanh tốt, cây trái trĩu quả; vườn lá dong ngút ngàn... đó là thành quả của chị Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1965, hội viên phụ nữ xã Hương Toàn, TX. Hương Trà có được để kinh tế gia đình ổn định, nuôi con cái ăn học tới nơi tới chốn.

Làm giàu từ ruộng vườn
Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý

UBND TP. Huế vừa ban hành kế hoạch về thực hiện Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và bình đẳng giới.

Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý
Return to top