|
Tuyên truyền, trang bị kiến thức cho phụ nữ về bình đẳng giới, nạn mua bán phụ nữ, trẻ em... |
Biết để bảo vệ mình
Nghe lời “ngon ngọt” từ một chủ xưởng may tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số gia đình ở huyện Phú Lộc đã cho con của mình theo làm thuê dù các cháu còn khá nhỏ, chưa đủ tuổi lao động. Cũng chính vì tuyển những “công nhân nhí” với mức lương thấp, khi vào làm, chủ cơ sở may sợ chính quyền phát hiện nên đã “giam lỏng” các cháu trong nhà. Nhận được thông tin, Hội LHPN tỉnh và Tổ chức Rồng Xanh (Tổ chức hỗ trợ trẻ em gặp khủng hoảng trên khắp Việt Nam) đã tiến hành tiếp cận và “giải cứu”, đưa các em trở về với gia đình.
Chị H.A., ở TP. Huế, nghe bạn bè dụ dỗ nên đã tìm đường qua Campuchia làm việc. Khi qua đến nơi, chị mới bắt đầu “vỡ mộng”. Lương cao, việc nhẹ đâu không thấy, chỉ thấy suốt ngày làm việc dưới sự giám sát, quản thúc nghiêm ngặt. Chưa kể phải thường xuyên tăng ca, làm ngày làm đêm. Làm vài tháng, thấy đuối, không đủ sức tiếp tục làm việc nên chị đã ngỏ ý xin về. Nhưng khi xin về chị lại bị yêu cầu nộp 50 triệu đồng mới được về. Biết là bị lừa, nên chị gọi điện cầu cứu người nhà gửi tiền sang “chuộc” để được về.
Chị H.A. cho biết: Cũng có nghe sơ sơ về nạn lừa đảo người qua làm việc ở Campuchia nhưng cũng vì tin người, nhẹ dạ và không có việc nên tôi cũng “liều” đi theo. Nhưng đúng như những gì được nghe, qua đó làm việc tôi bị bóc lột sức lao động nặng nề. Khi muốn về thì phải nộp tiền chuộc cho chủ mới được về.
Không riêng chị H.A., thời gian gần đây có rất nhiều phụ nữ, nhất là phụ nữ trẻ đã nhẹ dạ, cả tin vào mức lương cao, công việc nhàn để vô tình là nạn nhân của tệ nạn lừa đảo, buôn bán người qua làm việc ở Campuchia.
Trước những vấn nạn đó, Hội LHPN tỉnh đã tăng cường triển khai dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2024 . Bằng các hoạt tuyên truyền sinh động, dễ hiểu để nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, tăng cường kiến thức cho phụ nữ và trẻ em, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm đạt được các chỉ tiêu đề ra trong năm 2024.
Bà Hồ Thị Sương, Chủ tịch Hội LHPN xã A Ngo, huyện A Lưới cho biết: Vì điều kiện kinh tế khó khăn, cũng như hạn chế về kiến thức, nhiều gia đình đã “vô tình” bóc lột sức lao động của con em mình, để trẻ làm những việc nặng nhọc, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ. Chính vì thế, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên. Để hội viên chịu lắng nghe, chúng tôi đã đổi mới cách tuyên truyền bằng những tiểu phẩm, những ví dụ thực tế... và phát huy năng lực của các tổ truyền thông cộng đồng ở các cơ sở hội. Nhất là trang bị kiến thức về pháp luật để phụ nữ, trẻ em bảo vệ bản thân trước những vấn nạn như buôn bán người, bạo lực gia đình, học đường...
|
Tập huấn nâng cao kiến thức về bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi phụ nữ cho phụ nữ vùng cao |
Cần sự chung tay
Để nâng cao cảnh giác trước nạn buôn bán người, lừa đảo việc làm... Hội LHPN tỉnh cùng các cấp hội tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền giúp hội viên nâng cao cảnh giác, kiến thức để bảo vệ bản thân trước những cám dỗ và nạn mua bán người, lừa đảo việc làm...
Trong đó, các các tổ truyền thông cộng đồng ngày càng được nâng cao về chất lượng, phổ cập kiến thức mới về pháp luật, những thủ đoạn lừa đảo, mua bán tinh vi và được trang bị các trang thiết bị phục vụ hoạt động. Các tổ tuyên truyền cộng đồng cũng thường xuyên được giao lưu để chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau về cách tuyên truyền hiệu quả. Nhất là tập trung tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng. Đồng thời, triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ các tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ ứng dụng khoa học công nghệ. Tổ chức hội thi, liên hoan các mô hình sáng tạo, hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ, trẻ em; tư liệu hóa các sáng kiến, mô hình, giải pháp hiệu quả từ cuộc thi liên hoan để tổ chức tuyên truyền, nhân rộng.
Tham gia các buổi tập huấn, tuyên truyền do Hội LHPN tỉnh tổ chức, chị Hồ Thị Tệ, hội viên Hội LHPN xã Quảng Nhâm, A Lưới cho biết: Khi tham gia tôi được nghe rất nhiều câu chuyện từ thực tế, từ đó tôi cũng có thêm nhiều kiến thức để bảo vệ bản thân cũng như con cái của mình trước vấn nạn buôn bán người hay bạo lực gia đình...
Bà Đặng Đỗ Liên Chi, Chánh Văn phòng Hội LHPN tỉnh cho biết: Bên cạnh việc thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho cán bộ hội, chúng tôi yêu cầu các cơ sở hội trang bị kiến thức về bình đẳng giới, thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản và người có uy tín trong cộng đồng để họ là cánh tay nối dài, đưa kiến thức đến với từng hội viên, cũng như tăng cường tuyên truyền về nạn mua bán người, bóc lột sức lao động trẻ em để mỗi người dân, nhất là phụ nữ phải luôn đề cao cảnh giác, tự bảo vệ bản thân mình. Điều đáng mừng là trong những buổi tuyên truyền mà Hội LHPN tỉnh tổ chức, nhất là ở địa bàn A Lưới, hội viên tham gia rất đông. Họ sẵn sàng chia sẻ những tình huống mà mình gặp phải, hay những trường hợp mình biết; từ đó, thảo luận đưa ra những cách ứng biến phù hợp, trang bị thêm những kỹ năng, kiến thức cần thiết cho hội viên phụ nữ...