ClockThứ Ba, 19/05/2015 08:20

Xứ Huế - nơi góp phần quan trọng hình thành nhân cách Hồ Chí Minh

TTH - Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành và sau này trở thành Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đến và ở Huế hai lần. Lần thứ nhất, từ cuối năm 1895 đến khoảng tháng 2-1901. Lần thứ hai, từ giữa năm 1906 đến tháng 6-1909. Mảnh đất Huế, con người Huế, và rộng hơn là văn hoá Huế đã góp phần quan trọng hun đúc nên những giá trị tâm hồn và tính cách của một con người vĩ đại - Hồ Chí Minh.

1. Lần đầu tiên Nguyễn Sinh Cung đặt chân tới đất “thần kinh” khoảng cuối năm 1895. Sau khi đỗ cử nhân tại trường thi Nghệ An, người cha Nguyễn Sinh Sắc đưa vợ và hai con trai Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung vào Huế để ôn và dự thi Hội. Quãng đường dài với bao điều mới lạ đã hấp dẫn cậu bé Cung. Kinh thành Huế mở ra trước mắt cậu với nhiều võng lọng, ngựa xe như một thế giới khác hẳn làng quê Hoàng Trù xứ Nghệ. Cậu Cung được học những buổi đầu tiên tại một căn nhà ở làng Dương Nổ (xã Phú Dương, Phú Vang, Thừa Thiên Huế). Bạn học của cậu là những cậu bé trong làng, thầy giáo chính là người cha thân yêu.

Du khách thăm Nhà lưu niệm Bác Hồ trên đường Mai Thúc Loan, TP Huế. Ảnh: Đức Quang
Những bài học vỡ lòng, khai tâm thấm vào cậu Cung cùng với những trò chơi thơ trẻ quanh bến sông Phổ Lợi, dưới mái đình Dương Nổ. Nguyễn Sinh Cung bắt đầu bộc lộ tư chất thông minh của mình. Tấm gương quyết chí vượt mọi khó khăn để học hành của người cha và tấm lòng diụ hiền của người mẹ tần tảo, chịu thương chịu khó, rất mực thương chồng, thương con, ăn ở nhân đức với mọi người cũng in sâu trong tâm khảm cậu Cung từ những ngày ở Huế - khi cậu có những nhận thức riêng đầu tiên trên từng bước trưởng thành.  
Quãng đời đầu ở Huế của Nguyễn Sinh Cung khép lại bằng một kỷ niệm buồn vì sự ra đi đột ngột của người mẹ hiền và người em ở căn nhà mái tranh trong Thành nội (nay đã trở thành Nhà lưu niệm ở số 112 phố Mai Thúc Loan) khi người cha chưa về kịp. Nhưng hơn 5 năm ở Huế cũng đã cho Nguyễn Sinh Cung những hiểu biết đầu tiên về xã hội thuộc địa - phong kiến ở giữa trung tâm của nó.
2. Nguyễn Tất Thành đến Huế lần thứ hai khi đã ở tuổi vị thành niên. Với tên Nguyễn Sinh Côn, Nguyễn Tất Thành đã học ở Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba các năm học 1906 - 1907 (lớp dự bị) và 1907 - 1908 (lớp sơ đẳng); học ở Trường Quốc Học năm học 1908 - 1909 (lớp nhì). Ở Trường Quốc Học, Nguyễn Sinh Côn học tại “bàn số 3, phòng số 3, dãy bên phái (tính từ trên bảng đen nhìn xuống) trong dãy nhà đầu tiên bên trái, từ cổng trường đi vào… khi đó trường còn lợp tranh, nền xi măng, cửa kính”1
Khoảng thời gian Nguyễn Tất Thành học tập ở Huế cũng là lúc trên đất nước diễn ra nhiều biến động chính trị: Duy Tân hội và Phong trào Đông du do cụ Phan Bội Châu phát động lan rộng trong giới sĩ phu và thanh niên; Phong trào Duy Tân, chống thuế bùng phát ở Trung kỳ từ năm 1906-1908; năm 1907, Trường Đông kinh nghĩa thục do những sĩ phu tân học giàu nghĩa khí mở tại Hà Nội truyền bá nhiều tư tưởng mới, cổ động cho phong trào cải cách, dân chủ... Nguyễn Tất Thành tiếp nhận những ảnh hưởng đó từ trên ghế Trường tiểu học Pháp-Việt Đông Ba rồi Trường Quốc Học Huế.
Tấm lòng trắc ẩn được bồi đắp trước những cảnh ngộ thương tâm mà đồng bào đang phải gánh chịu, ý hướng tìm hiểu những gì ẩn sau những từ “Tự do, bình đẳng, bác ái” đã dần định hình trong tâm thức người thanh niên xứ Nghệ. Những năm Nguyễn Tất Thành trở lại Huế, đi học và trưởng thành, những tình cảm và ý tưởng đó được bồi đắp thêm bằng những gì anh trải nghiệm. Tuy vốn tiếng Pháp còn ít ỏi song Nguyễn Tất Thành bắt đầu tiếp xúc với sách báo Pháp. Những ảnh hưởng từ sách báo tiến bộ và các thầy giáo tân học mà anh được tiếp xúc đã nuôi lớn dần ý muốn đi sang phương Tây để tìm hiểu tình hình các nước lớn và học hỏi những tinh hoa văn minh nhân loại của Nguyễn Tất Thành. 
Tháng 4/1908, khi đang học ở Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, Nguyễn Tất Thành đã tham gia và chứng kiến cuộc biểu tình chống thuế của bà con nông dân Thừa Thiên Huế. Những người nông dân tay không tấc sắt chỉ nêu yêu cầu tối thiểu và chính đáng của mình là giảm bớt sưu cao thuế nặng, nhưng đã bị bộ máy cai trị đàn áp tàn bạo. Những mâu thuẫn xã hội tích tụ đã có dịp bùng phát trong thời gian Nguyễn Tất Thành đang học tại Huế. Người thanh niên giàu nghĩa khí Nguyễn Tất Thành đã đứng về phía nhân dân lao động để bênh vực họ. Cũng vì tham gia biểu tình chống thuế mà Nguyễn Tất Thành đã bị cảnh sát “để ý”.
3. Hai lần đến Huế, con người Huế, văn hoá Huế đã bồi đắp và định hình dần nhân/tính cách của Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành trong những năm đầu đời. Cảnh sắc thiên nhiên Huế thơ mộng, hữu tình, những con người xứ Huế giàu tình cảm, tinh tế và nhân ái, những tinh hoa văn hoá Phú Xuân … đã ghi những dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn chàng trai xứ Nghệ. Ảnh hưởng từ Huế đến Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành còn là những “mảng tối” của xã hội hiện hữu trong thời gian đó - những mâu thuẫn, những bất công, những cảnh ngang trái đang hàng ngày diễn ra tại trung tâm hành chính của Nam triều và của Pháp ở Trung kỳ. Cũng ở Huế, Nguyễn Tất Thành đã thu được những kiến thức của văn hoá phương Tây, những tư tưởng cải cách và chiêm nghiệm về con đường cứu nước của các bậc cha anh. Kết quả của những tiếp xúc văn hoá đó là một ý tưởng lớn đã hình thành và dần được bồi đắp: Ý tưởng đi tìm một con đường để học hỏi, để thu hóa những điều tiến bộ mong có thể giúp ích cho Nhân dân, cho đất nước. Con đường đó phải là một con đường mới, khác với con đường các bậc yêu nước tiền bối đã đi và đã bế tắc. Nguyễn Tất Thành ra đi là để tìm một giải pháp cho quê hương, nhưng anh đã chọn con đường riêng của mình. Con đường đó sơ khởi từ những năm học dưới mái trường Huế.
________
(1) Hồi ức của cụ Lê Thiện - Sinh năm 1889, học cùng với Nguyễn Tất Thành tại Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba và Trường Quốc Học Huế - trích trong Vàng trong lửa - Ban khoa học xã hội TP Hồ Chí Minh - Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng (Chủ biên), 1990, tr 35.
T.S Ngô Vương Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các địa phương của Pháp

Tại buổi tiếp xã giao bà Emmanuelle Pavillon-Grosser, Tổng Lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 26/4, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình mong muốn, hai phía tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các mặt giáo dục, y tế, du lịch, thu hút đầu tư, bảo tồn di sản, nhất là quảng bá văn hóa.

Tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các địa phương của Pháp
Hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng bò giống sinh sản ở Hương Thủy

Ngày 26/4, UBND TX. Hương Thủy tổ chức bàn giao bò sinh sản cho các hộ nghèo trên địa bàn. Đây là hoạt động nằm trong dự án “Hỗ trợ phát triển đàn bò lai sinh sản” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn thị xã giai đoạn 2021-2025.

Hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng bò giống sinh sản ở Hương Thủy
Đề phòng lừa đảo, trộm cắp dịp nghỉ lễ

Theo lực lượng công an, nghỉ lễ dài ngày dịp 30/4 và 1/5/2024, các đối tượng xấu sẽ lợi dụng sự sơ hở của người dân để lừa đảo, trộm cắp tài sản. Do vậy, Công an tỉnh và công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh đặc biệt lưu ý với người dân, cần đề phòng, tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn để không để kẻ xấu lợi dụng.

Đề phòng lừa đảo, trộm cắp dịp nghỉ lễ
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ được phân công

Ngày 26/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về công tác cán bộ như sau: 1. Xem xét cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ được phân công
Return to top