ClockThứ Ba, 15/03/2016 14:37

Bộ Y tế làm khó các trường trung cấp y?

Quy định sẽ ngừng tuyển sinh hệ trung cấp y từ năm 2018, đồng thời các bệnh viện, cơ sở y tế trong toàn quốc sẽ không nhận nhân lực điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, nữ hộ sinh, hộ lý… trình độ trung cấp từ năm 2021 của Bộ Y tế đang khiến cả người học, người làm và các trường trung cấp y hoang mang.

“Mịt mù” đầu ra

Em Nguyễn Như Hạnh (huyện Bình Chánh), học sinh ngành Điều dưỡng Trường trung cấp Ánh Sáng cho biết, điều kiện kinh tế gia đình em khá khó khăn không cho phép em học đại học nên em lựa chọn học bậc trung cấp ngành hộ sinh, sau khi ra trường sẽ dự tính xin việc làm tại trung tâm y tế địa phương vì hiện tại em nghe nói đang khá thiếu nhân lực. Nhưng bây giờ chưa ra trường thì đã nghe sắp tới không nhận nhân lực bậc trung cấp y tại các cơ sở y tế. Em thật sự rất hoang mang vì nếu tính toán thì em phải học gần hết năm 2017 mới ra trường.

Từ 2021, nhân lực ngành Y tế sẽ có trình độ tối thiểu là bậc cao đẳng (ảnh minh họa)

“Nếu học liên thông tiếp thì cũng mất 2, 3 năm nữa, chưa tính đến chuyện có thi đậu liên thông hay không, nếu đậu thì lấy tiền đâu ra để học, còn nếu không học thì chẳng lẽ xin đi làm đến năm 2021 rồi nghỉ?”, Hạnh nói.

Tâm trạng của Như Hạnh cũng là của khá nhiều học sinh bậc trung cấp chuyên nghiệp ngành Y tại TP.HCM khi nghe thông tin về quy định của Bộ Y tế. Em Trần Thị Ngọc Trà (Tây Ninh), học sinh ngành dược sĩ Trường Trung cấp Tây Sài Gòn, lo lắng: Vì không có điều kiện học bậc CĐ-ĐH nên em mới chọn đường vòng là học trung cấp, bây giờ nếu ra quy định không tuyển bậc trung cấp thì chẳng lẽ ép tụi em phải bỏ học dở chừng…

Không chỉ có các em học sinh đang theo học ngành y các trường trung cấp đang hoang mang, nhiều cán bộ bậc trung cấp đang công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện,… cũng tỏ ra lo lắng không kém. Chị Nguyễn Thị Hòa, bệnh viện Nhân dân Gia Định (Q.Bình Thạnh) nói, bây giờ tôi đã 42 tuổi rồi, ráng ít năm nữa rồi về hưu cũng được. Nhưng bây giờ nếu quy định đến năm 2021 sẽ không nhận bậc trung cấp làm việc nữa thì chẳng biết làm sao, đến tuổi này làm gì có thời gian, có sức để học lên cao nữa.

Những hoang mang của học sinh bậc trung cấp Y và những cán bộ trình độ trung cấp đang công tác tại các cơ sở y tế xuất phát từ một quy định mới đây của Bộ Y tế. Đó là từ năm 2018, sẽ ngừng tuyển sinh và đào tạo hệ trung cấp y; từ năm 2021 các bệnh viện, các cơ sở y tế trong toàn quốc sẽ ngừng nhận nhân lực hệ trung cấp Y mà thấp nhất là trình độ cao đẳng. Từ 2025, sẽ bỏ chức danh cán bộ hệ trung cấp trong toàn bộ ngành y tế. Giải thích về quy định này, Bộ Y tế cho rằng trên thế giới, đặc biệt là trong các nước ASEAN, cán bộ y khoa đã đạt trình độ học vấn từ hệ cao đẳng trở lên. Tại Thái Lan, hầu như các điều dưỡng đều đã đạt trình độ thấp nhất là đại học.

Vì vậy, theo Bộ Y tế, quyết định này là một trong những bước đi nhằm nâng cao trình độ nhân lực y tế của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực.

Trường trung cấp “phản pháo”

Liên quan đến quy định của Bộ Y tế, lãnh đạo khá nhiều trường trung cấp Y tại TP.HCM tỏ ra không đồng tình. ThS. Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng nói, lý do Bộ Y tế đưa ra không thuyết phục bởi thực tế hiện nay, Nhật hay Đức vẫn sang Việt Nam tuyển lao động tốt nghiệp trung cấp ngành sức khỏe, nhất là điều dưỡng; vậy thì cớ gì mà nói trình độ nhân lực y tế của chúng ta kém hơn các nước trong khu vực.

“Ngoài ra, thời gian đào tạo bậc cao đẳng ở nước ngoài và trung cấp ở Việt Nam cơ bản là như nhau: 2 năm đối với người đã tốt nghiệp THPT, 3 năm đối với người tốt nghiệp THCS vậy nên cái khác ở đây chỉ là tên gọi của khung trình độ quốc gia. Hơn nữa, trong một cơ sở y tế không phải vị trí nào cũng cần trình độ CĐ trở lên”, ông Sáng nói.

Cũng theo ông Sáng, lâu nay chúng ta đang cố gắng phân luồng học sinh sau trung học nên mới có bậc trung cấp, bây giờ lại ra quy định như vậy thì lại đi ngược với cố gắng bao nhiêu năm qua, ép học sinh phải vào CĐ-ĐH bằng được.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khắc Thương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Sài Gòn đưa ra nhiều kiến nghị. Trước hết, về mặt quản lý nhà nước, Bộ Y tế cần lấy ý kiến của Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT vì hệ trung cấp chuyên nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, được quy định trong luật công chức, luật giáo dục nghề nghiệp; được quy định về ngạch và bậc lương.

Kế đến, về phía người học, cần thông tin đầy đủ để người học hiểu vì thực ra trung cấp hay cao đẳng chỉ khác nhau về tên gọi. Chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ở Việt Nam hiện nay và cao đẳng ở nước ngoài gần như tương đương nhau (khoảng 99 đơn vị học trình) và hiện tại một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quôc, Úc, Đức … vẫn đang sử dụng lao động hệ trung cấp chuyên nghiệp của Việt Nam.

“Chúng ta còn nhớ, trước đây đã từng chứng kiến các phó tiến sĩ sau một đêm thức dậy đã trở thành tiến sĩ. Một ngày nào đó, các học viên hệ trung cấp cũng có thể trở thành cử nhân cao đẳng. Đây là một ý kiến mà các nhà hoạch định giáo dục cần lưu tâm, đặc biệt là trong xu thế hội nhập với nền giáo dục thế giới để tránh sự thiệt thòi cho người lao động khi tham gia trường lao động nước ngoài”, ông Thương nói.

Nhiều ý kiến từ các trường trung cấp khác thì cho rằng, nếu Bộ Y tế cứ “cứng nhắc” quy định trên thì sẽ có 2 kịch bản xảy ra: hàng loạt trường trung cấp y trên toàn quốc sẽ phải giải thể vì không tuyển sinh được hoặc đồng loạt sẽ có hàng trăm trường buộc phải nâng cấp lên cao đẳng Y nếu không muốn giải thể.

Cần trấn an người học

“Trong thời điểm học sinh đang hoang mang như hiện nay, phía Bộ GD-ĐT cần có văn bản hỏa tốc để trấn an người học, đảm bảo sự ổn định của hệ thống giáo dục trung cấp chuyên nghiệp. Đồng thời cũng cần nghiên cứu lộ trình, phương án chuyển đổi các trường trung cấp chuyên nghiệp đủ điều kiện theo điều lệ thành trường cao đẳng nhằm phù hợp với hệ thống văn bằng thế giới…” - ông Nguyễn Khắc Thương, Hiệu trưởng trường Trung cấp Tây Sài Gòn.   

Người học trung cấp chuyên nghiệp chịu thiệt thòi nếu đi lao động ở ngoài nước

“Theo phân loại giáo dục quốc tế thì những người tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp hiện nay có đầu vào là đã tốt nghiệp THPT, đều được phân loại ở trình độ giáo dục sau trung học (hay còn gọi là cao đẳng). Thực tế ở các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Malaysia... những người học như vậy sẽ được cấp bằng cao đẳng. Nhưng ở ta, vẫn gọi là TCCN nên người học sẽ chịu thiệt thòi, đặc biệt nếu đi lao động ở ngoài nước” - ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT.

Theo Dân việt

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Một cuộc đời ngừng lại, nhiều sự sống thắp lên

Chiều 8/4, tại Hà Nội, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (TTĐPGTQG) tổ chức họp báo thông tin “Điều phối đa tạng của bệnh nhân chết não từ bệnh viện tuyến tỉnh”. Đây là trường hợp mà 3 tạng hiến (tim, gan, thận) được ghép cho 3 bệnh nhân tại Huế ngày 2/4.

Một cuộc đời ngừng lại, nhiều sự sống thắp lên
Đào tạo giảng viên truyền thông phục vụ phát triển vùng trồng dược liệu

Từ ngày 28 - 30/11, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe - Bộ Y tế phối hợp với Cục Quản lý Y - Dược Cổ truyền - Bộ Y tế tổ chức khóa tập huấn “Đào tạo giảng viên truyền thông vận động và huy động xã hội về xây dựng phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị vùng trồng dược liệu quý thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Đào tạo giảng viên truyền thông phục vụ phát triển vùng trồng dược liệu

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top