ClockThứ Bảy, 11/11/2017 13:27

Bước chậm - chậm bước

TTH - Cách tính điểm và việc công bố điểm chuẩn trúng tuyển dưới mức điểm sàn của một trường thành viên thuộc Đại học Huế mùa tuyển sinh vừa qua – dẫu đã được phân tích, làm rõ hay hiểu một cách khác như là đính chính – có thể xem như một sự cố về mặt truyền thông.

Điều đó, hẳn nhiên là đã mang thêm những bất lợi về vị thế, vai trò của Đại học Huế trong đào tạo đại học so với một số đại học trong cả nước. Chưa hẳn một sự cố có thể làm thay đổi một quá trình, một chiều dày đã được xây dựng và tích lũy, song trong thời gian và hoàn cảnh cụ thể, có thể nó sẽ mang đến những tác động khó lường.

Sinh viên Trường ĐH Nông Lâm - ĐH Huế tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học. Ảnh: Hữu Phúc

77,78% thí sinh nhập học (9.822 sinh viên) cho thấy tỷ lệ nhập học tại Đại học Huế năm học 2017-2018 vẫn cao hơn năm học trước 7,91% (69,87% là tỷ lệ của 2016). Tuy nhiên trong năm học này, có 32 ngành đào tạo của Đại học Huế được xếp vào loại khó tuyển. Con số này có thể chưa phản ánh điều gì về chất lượng, cho dù đó là một kênh phản ánh rõ nhất nhu cầu của thị trường sử dụng nguồn lao động. Vấn đề là việc nắm bắt nhu cầu, khảo sát thực tế và công tác marketting thị trường ngành nghề đào tạo xem ra chưa được chú trọng, khi vẫn có chỉ tiêu, để hẫng hụt thí sinh nguồn vào, trong đó có những ngành là con số không như đồ họa, địa chất học và địa lý tự nhiên, sư phạm kỹ thuật công nghiệp; có những ngành chỉ có vài ba thí sinh nhập học như giáo dục quốc phòng an ninh, khoa học đất, lâm nghiệp đô thị, điêu khắc, thiết kế thời trang, toán ứng dụng, kỹ thuật địa chất, kỹ thuật trắc địa bản đồ…

Liên quan đến vấn đề này, khi trả lời phỏng vấn của Báo Thừa Thiên Huế (Để đánh giá toàn diện, chúng ta phải có khảo sát tốt, đầy đủ - Báo Thừa Thiên Huế điện tử ngày 11/08/2017), PGS. TS. Nguyễn Quang Linh – Giám đốc Đại học Huế cho hay, hội đồng khoa học và đào tạo của Đại học Huế sẽ xem xét về nhu cầu xã hội và việc nhà nước có tiếp tục đầu tư đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội nữa hay không vì nếu cố gắng, sẽ rất thua lỗ và sẽ không tự chủ được đại học theo chủ trương của Chính phủ hiện nay. Không biết đây có phải là phản ứng chậm, nhưng trong khi chờ đợi điều ấy ở thì tương lai – có thể là ngay trong mùa tuyển sinh năm sau – nhiều người vẫn băn khoăn vì chưa rõ chi phí thực tế đối với các ngành/lớp học có ít sinh viên như vậy.

Thiết kế thời trang - một trong những ngành ít thí sinh theo học. Ảnh: Hân Vũ

Không thể đưa ra mức so sánh khi chỉ nhìn từ con số của một năm học (và còn nhiều tiêu chí khác nữa), nhưng một vài bảng xếp hạng có thể có tính tham khảo trong sự tương đối. Chẳng hạn như Cybermetrics Lab (thuộc Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha - ấn bản tháng 7/2017 của xếp hạng Webometrics ) xếp Đại học Huế đứng thứ 12 của Việt Nam và thứ 4.122 thế giới. Trong khi đó, ở quy mô 400 đại học châu Á, Tổ chức xếp hạng QS xếp Đại học Huế ở nhóm 351 - 400 (sau ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường ĐH Cần Thơ ) và là 1 trong 5 đại học của Việt Nam lọt vào bảng tổng sắp này. Webometrics của Phòng thí nghiệm Cybermetrics và Scientometrics for Vietnam của Nhóm trắc lượng khoa học Việt Nam - một nhóm chuyên gia độc lập lại xếp Đại học Huế vị trí 8/49 trong bảng xếp hạng đại học ở Việt Nam. Cho dù theo đánh giá của người trong nghề, do kết quả được thể hiện qua các số liệu tổng hợp cần thiết từ nhiều nguồn, chưa phản ánh chính xác, đầy đủ chất lượng nên mọi xếp hạng đều có tính tương đối, song chắc chắn đây cũng là những cơ sở để các đại học tham khảo, nhìn nhận, đánh giá và hoạch định chiến lược của mình trong đào tạo và phát triển. Và trên các mặt bằng này, Đại học Huế không phải là một đại học “mất hút”, cho dù không phải luôn ở những vị trí dễ nhìn thấy.

Cũng theo chia sẻ của PGS. TS. Nguyễn Quang Linh, dù có lợi thế về đội ngũ giảng viên, chi phí đào tạo thấp hơn, môi trường tự nhiên, văn hóa, an ninh tốt hơn, có truyền thống về đào tạo tốt… nhưng nếu không thay đổi môi trường học tập và nhất là môi trường tiếp cận nghề nghiệp, người học sẽ tìm đến những nơi khác có lợi thế về điều này. Yếu tố truyền thông cũng là một khía cạnh được người đứng đầu Đại học Huế nhìn nhận như một điều kiện cần trong việc chiêu sinh đại học ở những năm tới.

Một đồng nghiệp của chúng tôi cho hay, khảo sát ban đầu của học sinh cuối cấp của một trường uy tín tại TP. Huế mà giáo viên chủ nhiệm thông tin đến phụ huynh trong buổi họp đầu năm, đa phần các em không chọn vào các trường thuộc Đại học Huế nữa.

Không biết đó có phải là vấn đề, hay là một trong những vấn đề của Đại học Huế hay không, song trong buổi làm việc mới đây với lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan chiều 2/11 mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu dồn lực để phát triển 3 đại học này thành những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, trước hết là cho cả ba vùng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Có thể cũng vì chưa hội đủ các yếu tố của thiên thời - địa lợi, nhưng có vẻ như Đại học Huế đã bị lỗi nhịp và chậm chân trong hoạch định này.

MINH HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rút ngắn khoảng cách công nghệ số

Tiếp cận với internet và sử dụng một số thao tác trên nền tảng này đối với 2/3 dân số cả nước có lẽ đã là điều bình thường.

Rút ngắn khoảng cách công nghệ số
Salmonella và gì nữa?

Hôm qua 22/11, Sở Y tế Khánh Hòa đã có kết quả phân lập nguyên nhân ban đầu từ nuôi cấy mẫu bệnh phẩm...

Salmonella và gì nữa
Giảm thiểu tổn thất

Cơn mưa rạng sáng ngày 22/3 mang đi cái nắng và sự oi bức của những ngày đang xuân – một hiện tượng mà nhiều người cho rằng thuộc diện cực đoan sớm của thời tiết.

Giảm thiểu tổn thất
Chưa thể “rã băng”

Công suất buồng phòng khách sạn giảm dưới mức 10% là một tỷ lệ “đau thương” đối với hoạt động du lịch của TP. Hồ Chí Minh kể từ tháng 1 đến tháng 2, bao gồm dịp Tết Nguyên đán.

Chưa thể “rã băng”
Return to top