ClockThứ Sáu, 08/10/2010 16:34

Cánh cò

TTH - Khi ấy, đang lúc thấy chán, anh Sơn thốt nhiên bảo, kìa, những cánh cò trên mặt hồ kìa... Đúng là những cánh cò mỏng, trắng đang chao nghiêng trên mặt hồ. Không nhiều, nhưng những cánh trắng mỏng cũng làm cho mặt hồ trở nên xao động và dịu dàng hơn. Nên tôi đã theo hút cái màu trắng ấy cho đến khi nó rời xa...

Giữa Hà Nội đang dầy đặc và đông đúc, giữa một nơi chốn cũng đông với các mùi, vị ẩm thực, có khi chỉ là một khoảng gió về, một khoảng xanh cũng mang về đôi chút thảnh thơi. Thực ra, thì tôi cũng thích thú khi cò trắng bay la đà trên mặt Hồ Tây, giữa một nơi nhiều người và ít chuyện. Nơi tôi ở, những lúc ra ngoại ô hay rong ruổi qua những cánh đồng, vẫn nhiều lắm những cánh cò. Cái màu trắng chấp chới làm thương lạ những mùa qua và thấy gần gũi lắm những ngôi nhà lúp xúp dưới lũy tre. Tôi thích, đến nỗi thấy thương cả mùi khói gắt nồng gần như bao bọc cả xóm lò Hương Vinh. Thương những cánh cò vội vã bay đi tìm chỗ. Rồi có khi cắc cớ nghĩ, cò đã bay về đâu khi mùa mưa sũng nước...?


 
Xanh. Rơm rạ và đồng quê. Ngày bình yên. Đó là điều mà ai cũng nghĩ khi bắt gặp những cánh cò. Tôi lại cứ nghĩ thấy lòng mềm đi với không ít những xa vắng. Không hẳn chỉ là thương nhớ đồng quê với ký ức đã xa, dù hình ảnh lũn cũn đội mũ rơm, vác cặp đi trên đường tàu đến trường ngày ở Thanh bao giờ cũng đồng hành với cánh cò. Những lúc ấy, tôi cứ thấy bóng dáng của một hay nhiều chị đạp xe trên chiếc xe cũ dọc tuyến đường xuống Vinh Hà, Vinh Phú hay về Vinh Thanh, Vinh Hiền, ra Quảng Công, Quảng Ngạn... Những chiếc xe đạp bao giờ cũng vội vã một cách chậm chạp vì phải chở theo nhiều thứ, những chiếc xe đạp không mấy thảnh thơi cót két khi chủ nhân của nó đăm đắm vượt lên phía trước, mặc tiếng còi xe, mặc nắng và mặc gió...
 
Có một điều thật khác, người ta hay ví cánh cò như hình ảnh và thân phận của những người phụ nữ, còn tôi, tôi lại nhớ ba. Dù ba chả mấy khi có dáng vẻ vội vã, dù làm gì ba cũng nghĩ và suy xét nó kỹ càng. Dù ba lúc nào trông cũng chỉnh tề và đàng hoàng, thư thái. Tôi cứ thấy hình ảnh ba tôi ngày trước đạp xe đi nơi này nơi kia, đạp xe lên quê chỉ cách 5 - 3 cây số lo cho người này, việc kia cứ có điều gì ấp iu và lặn lội. Tôi nhớ ánh mắt hiền và nụ cười hiền của ba mỗi khi nói một điều gì đó thật vui, khi chở bé Nhóc đi chơi lòng vòng hay ôm Nhóc vào lòng để che cho bé cơn giận vì không chịu ăn nơi bà ngoại.
 

 
Ba như một cách cò đã đi về nơi xa lắm...
 
Cánh cò ở Hồ Tây hôm ấy đã mang tôi đi xa xôi. Với một ít chấp chới. Với cả một chút ít chơi vơi nữa, trong những ngày không nhiều lắm ở Hà Nội.
 
Cả một điều không dễ gọi thành tên đã theo cánh cò lặn lội rời đi...

Khang Nhiên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top