ClockThứ Bảy, 21/01/2017 13:50

Chi cục Thuế TP.Huế: Triển khai đồng bộ các giải pháp tăng thu

TTH.VN - Năm 2017, Chi cục Thuế (CCT) TP.Huế được giao dự toán thu 721 tỷ đồng, tăng 13% so với kế hoạch năm 2016. Trong bối cảnh nhiều DN và hộ kinh doanh cá thể gặp khó khăn, nhiều công trình xây dựng chậm tiến độ nên để hoàn thành công tác thu, chi cục đang triển khai đồng bộ các giải pháp tăng thu và chống thất thu thuế trong các lĩnh vực.

Những ngày đầu năm mới 2017, trên 40 cán bộ CCT tất bật khảo sát doanh thu, lập bộ thuế mới và hướng dẫn cách thức nộp thuế qua ngân hàng cho các hộ kinh doanh cá thể tại các chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa. Địa bàn rộng, loại hình kinh doanh đa dạng, số hộ kinh doanh đông với trên 6 ngàn hộ, nên để triển khai việc thu thuế khoán tương ứng với doanh thu là không hề đơn giản.

       Tiểu thương chợ Đông Ba thực hiện tốt việc kê khai, nộp thuế cho CCT TP Huế

Tại Đội Thuế liên phường số 2 đóng tại 76 Điện Biên Phủ, những ngày này 9 cán bộ khẩn trương triển khai khảo sát hộ kinh doanh, phát tờ khai và lập bộ thuế mới tại các địa bàn quản lý là Vĩnh Ninh, Trường An, Phước Vĩnh, Thủy Xuân, Phường Đúc và Thủy Biều. “Công việc kinh doanh dịp giáp Tết khá bận rộn, song nhờ cán bộ thuế điều tiết thời gian, lập kế hoạch khảo sát doanh thu khoa học nên không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh”, bà Hoàng Thị Lợi, tiểu thương chợ Bến Ngự nói.

Năm 2016, thu ngân sách trên địa bàn TP.Huế đạt 653 tỷ đồng, đạt 102% dự toán pháp lệnh và tăng 11% so với cùng kỳ. Trong đó, thuế TNCN đạt 116%, sử dụng đất 115%, thuê đất 115% và thuế ngoài quốc doanh 89%.

Đội trưởng đội Thuế liên phường số 2-Trần Văn Quang cho biết: “Với số hộ kinh doanh đông, ngành hàng đa dạng nên để đảm bảo thu đủ, thu đúng, đội phải triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp. Trước mắt, phải tăng số ghi thu, khảo sát tình hình kinh doanh để cân đối và lập bộ thuế tương ứng với doanh thu của hộ cá thể. Ngoài việc đôn đốc việc nộp thuế của các hộ kinh doanh, đội còn hướng dẫn phương thức nộp thuế qua ngân hàng, khai thuế điện tử nhằm rút ngắn thời gian giao dịch, đảm bảo điều kiện cho cả cán bộ và người nộp thuế.”

Cùng với lĩnh vực ngoài quốc doanh, năm 2017 thuế thu nhập cá nhân (TNCN), tiền sử dụng đất, thuê đất được giao chỉ tiêu khá cao so với năm 2016, trong đó tiền thuê đất 45 tỷ đồng, sử dụng đất 125 tỷ đồng và thuế TNCN gần 60 tỷ đồng. Để hoàn thành dự toán thu, năm 2017 chi cục tích cực triển khai giải pháp chống thất thu thuế trong các lĩnh vực, đặc biệt là kinh doanh khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ du lịch. Để thực hiện được nhiệm vụ này, chi cục đã phối hợp với cơ quan công an nắm danh sách khách lưu trú, từ đó đối chiếu hóa đơn ở các DN kinh doanh khách sạn để truy thu thuế, đồng thời hướng dẫn các DN thực hiện việc kê khai và nộp thuế qua ngân hàng nhằm tiết giảm thời gian giao dịch.

Phó Chi cục trưởng CCT TP.Huế - ông Trần Phước Ngọc cho hay: “Năm 2017, để hoàn thành vượt mức dự toán thu, chi cục tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, tăng cường công tác kiểm tra thuế tại các DN, đồng thời xử lý nghiêm các DN nộp chậm hồ sơ khai thuế. Chi cục sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế; chống thất thu thuế đối với các lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà hàng, dịch vụ karaoke, vũ trường… Qua kiểm tra, nếu DN nào không thực hiện việc xuất hóa đơn cho khách hoặc không kê khai thuế chính xác, chi cục sẽ xử lý nghiêm với mức phạt cao nhất lên đến 12 triệu đồng.”

Thông tư số 99/2016/TT-BTC ngày 29/06/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 6. Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT)

      1. Việc đánh giá rủi ro trong quản lý hoàn thuế GTGT được thực hiện theo quy định của khoản 1 Điều 1 Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13; Thông tư số 204/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 của Bộ Tài chính quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế (sau đây gọi là Thông tư số 204/2015/TT-BTC). 

     2. Quản lý rủi ro trong quản lý hoàn thuế GTGT

    a) Phân loại hồ sơ giải quyết hoàn thuế bao gồm: hồ sơ hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau và hồ sơ hoàn thuế thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13, khoản 3 Điều 1 Luật số 106/2016/QH13; cơ quan thuế thực hiện kiểm tra trước hoàn thuế sau đối với hồ sơ đề nghị hoàn thuế thuộc đối tượng rủi ro cao.

    b) Xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế GTGT theo quy định tại khoản 18 Điều 1 Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13, khoản 4 Điều 41 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP: kiểm tra sau hoàn thuế được thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro trong thời hạn mười năm, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế.

 (còn tiếp)

Khánh Thư (giới thiệu) 

Bài, ảnh: Thanh Hương

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top