Thế giới

Tiêm phòng COVID-19 cho trẻ: Hiệu quả từ công tác tuyên truyền và triển khai đồng bộ tại Singapore

ClockThứ Năm, 19/05/2022 09:48
Bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi từ ngày 27/12/2021, sau khi vaccine của hãng Pfizer/BioNTech chính thức được Bộ Y tế nước này phê duyệt ngày 10/12, Singapore có khoảng hơn 300.000 trẻ trong độ tuổi 5-11 tuổi cần tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19.

Singapore phê duyệt vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 -11 tuổiCuba là quốc gia đầu tiên tiêm phòng COVID-19 đại trà cho trẻ em

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Singapore. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo kết quả cập nhật gần đây nhất ngày 30/4/2022 của Bộ Y tế Singapore, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi nói trên tiêm đủ 2 mũi cơ bản đạt 71% và 78% số trẻ đã tiêm ít nhất 1 mũi. Hiện tại, tỷ lệ trẻ em 5-11 tuổi không tiêm vaccine đang đứng đầu so với các nhóm tuổi khác, lên tới 22%. Tỷ lệ này ở các lứa tuổi khác, kể cả trẻ 12-18 tuổi, hiện chỉ ở mức từ 2-3%.

Sau khi phê chuẩn vaccine của Pfizer/BioNTech vào cuối năm ngoái, Singapore đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm phòng ngừa COVID-19 cho trẻ em, cả thông qua họp báo trực tiếp, các kênh truyền thông để “thuyết phục” các bậc phụ huynh cũng như giáo dục tại trường học để trẻ em có kiến thức về sự cần thiết phải tiêm vaccine, qua đó tác động trở lại tâm lý phụ huynh. Bộ Giáo dục và Bộ Y tế Singapore cũng phối hợp tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến mở được truyền hình trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội để giải đáp các câu hỏi cho các phụ huynh.

Việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Singapore cần phải có sự chấp thuận của các phụ huynh. Bộ Y tế gửi tin nhắn mời đặt lịch hẹn tiêm tới số điện thoại của các phụ huynh, các học sinh từ lớp 4-6 sẽ được tiêm đợt 1, sau đó tới học sinh lớp 1-3. Thông qua đường link gửi tới điện thoại, các phụ huynh chỉ cần điền thông tin của con em mình, xác nhận đồng ý cho con tiêm và lựa chọn trung tâm, thời gian tiêm chủng. Việc đặt lịch hẹn tiêm chủng trực tuyến rất tiện lợi, tiết kiệm thời gian.

Cũng giống như chiến dịch triển khai tiêm cho người lớn, các trung tâm tiêm phòng được đặt tại các trung tâm y tế, tại trường học hoặc các trung tâm cộng đồng (nơi sinh hoạt văn hóa của người dân tại một khu vực) để thuận tiện cho việc đi lại của người dân. Với số trẻ trên 300.000 em, Singapore thiết lập tổng cộng 15 cơ sở tiêm phòng cho trẻ, công suất mỗi ngày 1.000 trẻ/1 trung tâm, được trang trí thân thiện với trẻ em, giúp các em không cảm thấy lo sợ khi đến tiêm. Việc thiết lập các trung tâm tiêm cho trẻ riêng cũng giúp tránh nguy cơ nhầm lẫn vaccine hay nhầm lãn liều tiêm chủng.

Sau khi tiêm, thông qua ứng dụng Parents Gateway của Bộ Giáo dục, các bậc phụ huynh sẽ cập nhật thông tin ngày giờ tiêm của con em để nhà trường nắm được và cho các em được nghỉ các giờ học thể chất, đồng thời theo dõi và nhắc nhở các em hạn chế vận động mạnh trong vòng ít nhất 2 tuần. Việc vận động mạnh sau tiêm có thể gây ra các vấn đề liên quan tới tim mạch cho trẻ sau tiêm.

Trong quá trình triển khai tiêm chủng, Bộ Y tế Singapore cũng thường xuyên cập nhật tình hình số ca có phản ứng nặng với vaccine ngừa COVID-19 để các phụ huynh yên tâm. Chẳng hạn, ngày 23/2/2022, tức sau 2 tháng triển khai tiêm chủng cho trẻ, Bộ Y tế cho biết chỉ có 10 trẻ em trong tổng số hơn 238.000 liều vaccine được tiêm cho trẻ (có một số đã tiêm mũi 2) có phản ứng phụ nặng sau tiêm. Tỷ lệ sự cố sau tiêm chỉ là 0,004% cho thấy sự tương đồng với các nhóm tuổi khác. Điều này phần nào cũng giúp trấn an các bậc phụ huynh.

Thành công trong chiến dịch tiêm chủng vaccine cho trẻ em tại Singapore là nhờ một số yếu tố. Thứ nhất là công tác tuyên truyền, cũng như tiến trình tiêm chủng cho trẻ từ 12-18 tuổi diễn ra suôn sẻ, không có nhiều ca có phản ứng phụ nặng. Thứ hai là thời điểm triển khai tiêm chủng chính là lúc mà dịch COVID-19 tại Singapore bùng phát, với số ca nhiễm gia tăng mạnh mỗi ngày (có thời điểm lên tới gần 20.000 ca nhiễm/ngày) và tỷ lệ trẻ em nhiễm COVID-19 cũng tăng mạnh theo. Điều này khiến các bậc phu huynh lo ngại hơn và đưa con em mình đi tiêm sớm.

Cũng cần nói rằng, chiến dịch tiêm chủng cho trẻ tại Singapore phải đối mặt với khó khăn là “sự lưỡng lự và lo ngại” lớn từ các bậc phụ huynh, nhất là về tác dụng phụ của vaccine COVID-19 về lâu dài với trẻ. Cuộc tọa đàm do Bộ Y tế và Bộ Giáo dục Singapore tổ chức đầu tháng 1/2022 đã thu hút sự tham gia của khoảng 1.300 phụ huynh, với hơn 900 câu hỏi đặt ra, trong đó xoay quanh các vấn đề lớn như: Tác dụng phụ của vaccine là gì? Ảnh hưởng thế nào tới tuổi dậy thì? Trẻ 11 tuổi có nên đợi đủ 12 tuổi để tiêm đủ liều cho trẻ từ 12-18 tuổi hay không? Các bé bị hen suyễn có nên tiêm vaccine hay không?...

Một trở ngại khác là bắt nguồn từ thực tế là số trẻ em trong độ tuổi 4-11 tuổi bị nhiễm COVID-19 và chuyển bệnh nặng không cao. Quốc vụ khanh cao cấp Bộ Y tế Janil Puthucheary cho biết trong năm 2021, Singapore có 15.540 trẻ dưới 12 tuổi nhiễm COVID-19, nhưng chỉ 20% số ca nhiễm này phải nhập viện hoặc theo dõi tại các cơ sở y tế. Bắt đầu từ tháng 10/2021, Singapore mới chứng kiến một số trẻ em nhiễm COVID-19 chuyển nặng, cần phải điều trị tích cực (ICU). Tới thời điểm này, Singapore không có ca trẻ em nào tử vong vì nhiễm COVID-19.

Những trở ngại đó khiến Singapore không đạt được tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở trẻ trong độ tuổi 4-11 tuổi cao như các lứa tuổi khác. Tỷ lệ tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 trong lứa tuổi 5-11 tuổi dù thấp, nhưng cũng vẫn là một thành công của Singapore, đạt tỷ lệ trên 70%, cho phép Bộ Giáo dục nước này nối lại các hoạt động tập trung vào các hoạt động thể chất (không đeo khẩu trang) tại trường học. Tỷ lệ tiêm chủng cao này cũng là cơ sở để Singapore coi COVID-19 là căn bệnh đặc hữu và quyết định mở cửa đường biên để thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Tính đến hết ngày 16/5, Singapore đạt tỷ lệ 93% dân số tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, 92% dân số đã tiêm đủ 2 mũi và 75% dân số đã tiêm mũi tăng cường. Trong 28 ngày qua, Singapore vẫn ghi nhận bình quân mỗi ngày gần 3.000 ca nhiễm COVID-19 song 99,7% trong số này chỉ có triệu chứng nhẹ. Hiện tại, Singapore chỉ có 275 trường hợp nhiễm COVID-19 phải điều trị tại viện, trong đó 36 ca cần hỗ trợ thở ôxy và 8 ca điều trị tích cực.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết

Tối 21/12, tại Sân vận động Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đội tuyển Việt Nam đã có trận đấu gặp đội tuyển Myanmar trong khuôn khổ bảng B, giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (ASEAN Cup 2024). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến xem, cổ vũ và tặng hoa cho các cầu thủ.

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết
Triển vọng tuyển dụng trong quý I năm 2025 khá lạc quan

Sau khi khảo sát 525 đơn vị, kết quả chỉ ra rằng trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu đang tăng cao, các nhà tuyển dụng Singapore khá lạc quan về kế hoạch tuyển dụng trong năm mới 2025, đặc biệt là ngành vận tải, hậu cần và ô tô.

Triển vọng tuyển dụng trong quý I năm 2025 khá lạc quan
Tự hào về truyền thống hào hùng của quân đội

Chiều 9/12, Tiểu đoàn Huấn luyện Cơ động, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp với Trường tiểu học Thuỷ Xuân (TP. Huế) tổ chức tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 60 năm Ngày truyền thống BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế với hơn 800 người tham gia.

Tự hào về truyền thống hào hùng của quân đội
Diễu hành xe tuyên truyền “Đưa thông tin về cơ sở”

Sáng 9/12, đoàn xe tuyên truyền của các huyện Phú Lộc, Nam Đông, Phú Vang, thị xã Hương Thủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức diễu hành chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế (15/12/1964 - 15/12/2024).

Diễu hành xe tuyên truyền “Đưa thông tin về cơ sở”
Return to top