ClockThứ Bảy, 14/07/2018 11:48
DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN GRABBIKE Ở HUẾ:

Chưa có giải pháp quản lý hiệu quả

TTH - Hơn 400 tài xế GrabBike đang hoạt động trên địa bàn tỉnh chưa được cấp phép nên việc vận chuyển đón khách của loại hình dịch vụ này đang gây mất an toàn giao thông (ATGT), xung đột quyền lợi với xe ôm truyền thống.

Grab chưa được cấp phép tại Huế

Các tài xế GrabBike đón khách trước bến xe phía Nam

“Đe dọa” xe ôm truyền thống

Mới đây, cuộc “hỗn chiến” của hàng chục tài xế GrabBike với Nghiệp đoàn xe ôm Bến xe phía Nam (do Liên đoàn Lao động TP. Huế quản lý), trước khu vực Bến xe phía Nam, làm 3 tài xế xe ôm truyền thống bị thương, cho thấy tính phức tạp trong việc quản lý, cấp phép hoạt động loại hình vận chuyển khách mới này.

Ghi nhận tại Bến xe khách phía Nam những ngày sau sự cố “hỗn chiến”, các tài xế GrabBike vẫn hoạt động tại khu vực này. Hai bên “cánh gà” trước khu vực bến xe thường xuất hiện từ 4-5 tài xế GrabBike ngồi trên xe chờ khách. Việc các tài xế này đậu đỗ, đón khách “tùy hứng” trước khu vực Bến xe phía Nam cộng với việc các phương tiện ô tô khách ra vào khu vực bến gây tình trạng mất an ninh trật tự, ATGT tại đây.

Anh L.T.N, một tài xế GrabBike cho biết, chỉ chạy xe bán thời gian, khi nào rảnh thì bật ứng dụng lên chờ khách gọi để chạy. Mỗi ngày, người này đóng 20% tiền cước phí vận chuyển cho văn phòng thông qua tài khoản ứng trước mỗi đợt 200 nghìn đồng. Vì ứng dụng rất tiện lợi nên nhiều khách lựa chọn để đi.

GrabBike có văn phòng hoạt động hỗ trợ dịch vụ tại số 15 Trần Quốc Toản (phường Tây Lộc, TP. Huế) dù chưa đăng ký hoạt động văn phòng đại diện tại Huế

Tại Bến xe phía Nam, khu vực trước bến có khoảng 80 lái xe ôm truyền thống thuộc nghiệp đoàn xe ôm của bến xe này hoạt động. Các lái xe ôm truyền thống có điểm đậu, đỗ cố định, không có tình trạng tranh giành khách.

Ông Trần Văn Thuận, thành viên đội xe ôm thuộc nghiệp đoàn cho biết: “Chúng tôi làm lái xe ôm, gia nhập nghiệp đoàn ở Bến xe phía Nam đã 15-20 năm. Anh em đa phần là cựu chiến binh, hoàn cảnh khó khăn và cũng khá lớn tuổi. Việc cạnh tranh thì không nói vì theo nhu cầu khách hàng, nhưng việc đón đỗ của tài xế GrabBike ở đây rất mất trật tự.  Nhiều lần chúng tôi bị các tài xế GrabBike đe dọa và mới đây, 3 tài xế xe ôm thuộc nghiệp đoàn bị đánh bị thương phải nhập viện”.

Khách hàng đặt một "cuốc" xe của GrabBike khá dễ dàng

Ông Phạm Xuân Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Bến xe Huế thừa nhận việc đón đỗ khách trái phép của các tài xế GrabBike gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, ATGT khu vực trước bến. “Nghiệp đoàn xe ôm có tổ chức, hoạt động quy củ và có đóng phí bến bãi, quy định điểm đậu, đón khách ngoài bến. Trong khi, các tài xế GrabBike hoạt động tự phát bên ngoài và không có đóng phí và gây mất ATGT ở khu vực này”, ông Sơn khẳng định.

Hoạt động của tài xế GrabBike còn khá “sôi động” tại khu vực trước Bến xe phía Bắc, ngã 6 đường Hùng Vương, đường Trần Cao Vân và khu vực Big C Huế…

Chưa được cấp phép

GrabBike là một trong những loại hình dịch vụ vận chuyển mới của Công ty TNHH GrabTaxi, hiện được Chính phủ cho phép hoạt động thí điểm ở 5 tỉnh, thành gồm: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hòa, Quảng Ninh và Đà Nẵng.

Thông tin từ Sở KH&ĐT, qua tra cứu trên hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia, Công ty TNHH Grabtaxi chưa đăng ký hoạt động văn phòng đại diện tại Huế. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, hiện tại GrabBike đã có văn phòng hoạt động hỗ trợ dịch vụ tại số 15 Trần Quốc Toàn (phường Tây Lộc, TP. Huế).

Tham gia tài xế GrabBike khá dễ dàng

Khi đăng ký trở thành đối tác tài xế của Grab, người đăng ký cần hoàn thiện các thủ tục pháp lý như lý lịch cá nhân có xác nhận của địa phương, các giấy tờ tùy thân (hộ khẩu, CMND), giấy tờ sở hữu xe và bằng lái xe đúng quy định. Người đăng ký phải tham gia đầy đủ các lớp huấn luyện về dịch vụ do Grab tổ chức, bao gồm các thao tác nhận cuốc xe, quy trình đón trả khách, chuẩn giao tiếp và phục vụ khách hàng trong suốt hành trình

Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý vận tải và Phương tiện (Sở GTVT) cho biết, về đăng ký hoạt động của văn phòng, liên quan đến Sở KH&ĐT. Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng các phương tiện xe mô tô hai bánh, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự hoạt động vận chuyển khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh có Quyết định số 18/2017 về quản lý và sử dụng các phương tiện này.

Theo đó, ngoài quy định về người điều kiện phương tiện phải đáp ứng các yếu tố đảm bảo ATGT thì người điều khiển các phương tiện này tiến hành hoạt động chở khách, vận chuyển hàng hóa tham gia giao thông phải có biển hiệu, trang phục riêng để phân biệt với các đối tượng tham gia giao thông khác. UBND huyện, thị xã, thành phố quản lý màu áo của các tổ chức cá nhân hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa theo lựa chọn của từng tổ chức cá nhân trên nguyên tắc không trùng màu áo của các cơ quan chức năng nhà nước.

UBND xã, phường, thị trấn thống kê danh sách các cá nhân, hộ, tổ đội, HTX tham gia hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng các phương tiện này theo mẫu riêng và định kỳ hàng tháng gửi về UBND huyện, thị xã, TP. Huế. “Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có địa phương nào trên địa bàn tỉnh thực hiện yêu cầu này; dẫn đến việc quản lý các phương tiện này khó khăn. Sắp đến, Sở GTVT sẽ có văn bản đốc thúc các địa phương thực hiện thống kê danh sách theo quy định của UBND tỉnh”, ông Hồng thông tin.

Theo ông Hồng, theo Quyết định 18/2017, việc đón trả khách của các phương tiện này tùy theo nhu cầu của khách và theo quy định đón trả khách tại các khu vực công cộng. Tuy nhiên, các hình thức tổ, đội, doanh nghiệp, HTX, hộ cá thể thì cần đề xuất điểm đỗ, chờ, đón khách cố định và được cơ quan có thẩm quyền cho phép, không gây mất trật tự ATGT. Nếu việc đậu đỗ, đón khách của các tài xế GrabBike không đúng quy định thì trách nhiệm do lực lượng CSGT địa phương xử lý.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn

Sáng 6/4, lãnh đạo huyện Phú Lộc thông tin, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện Phú Lộc đang triển khai xây dựng dự án (DA) tuyến đường đô thị mới La Sơn (Lộc Sơn) với kinh phí gần 152 tỷ đồng. DA giao trách nhiệm cho BQL Đầu tư Xây dựng khu vực huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư.

Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn
DỰ ÁN TUYẾN ĐƯỜNG BỘ VEN BIỂN:
Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6/2024

Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An (TP. Huế) đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), tiến độ thi công trên công trường, nhằm hoàn thành công trình vào tháng 3 năm 2025.

Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6 2024
Return to top