ClockThứ Hai, 07/07/2014 13:38

Chuyến “du lịch” nhỏ của mẹ

TTH - Vậy là đã mười lăm tháng, kể từ ngày mẹ tôi bị tai biến phải vào điều trị ở Khoa Cấp cứu hồi sức, Bệnh viện Trung ương Huế. Hai lần vượt qua cửa ải tử thần, cơ thể mẹ yếu hẳn, chỉ nằm một chỗ, mỗi một lời nói thốt ra cũng muôn phần khó khăn. Đôi mắt bà khao khát khi các con đến bên; nũng nịu, rên la như trẻ thơ trước đau đớn thể xác và cả tâm hồn. Mọi cử động của mẹ đều cần sự giúp đỡ. Gần 500 ngày bà sống trong căn phòng nhỏ dù đầy đủ tiện nghi nhưng niềm tin về sự hồi phục chỉ là mong manh.

Thế rồi, một buổi chiều, chúng tôi phát hiện mẹ gượng ngồi dậy. Chưa thành công, nhưng dấu hiệu quá tốt, rồi những ngày sau đó, dù chỉ là nhích nhắc, nhưng vẫn hơn những gì các con mẹ mong đợi. Và chiều nay, chúng tôi dìu bà lên xe lăn, đẩy ra khỏi căn phòng. Những ngày hè khắc nghiệt của xứ Huế, dù nắng đã tắt hẳn mà cái oi bức vẫn còn ray rứt trong cơ thể. Chỉ một chặng đường vài trăm mét của cửa ngõ quen thuộc, trong đôi mắt mẹ tỏa ra niềm vui khi hướng nhìn bầu trời sau chừng ấy ngày xa cách. Chúng tôi đẩy nhẹ từng vòng xe trên con đường xi măng nhỏ do chính bà chắt bóp xây dựng. Con đường tuy không còn bằng phẳng vì không có bàn tay mẹ tôi chăm sóc. Vừa ra khỏi cánh cổng sắt, tôi nghe tiếng reo của chị Mai, chủ cửa hàng tạp hóa nhỏ trong xóm: Trời ơi, cô… cô khỏe rồi nì, cô ra xóm được rồi nì…

Chị bỏ cả khách hàng chạy vội đến nắm lấy tay mẹ tôi xoa lấy xoa để rồi hỏi đi hỏi lại: Cô nhớ con không cô, cố gắng khỏe ra xóm chơi nghe cô. Vẫn nụ cười yếu ớt, mẹ gật nhẹ đầu đáp trả. Chị Lài bỏ vội dĩa bánh lọc đang ăn dở, vừa đi vừa nhồm nhoàm nhai nốt phần bánh còn trong miệng chạy đến với mẹ tôi như bất ngờ đón người thân từ xa về. Chị reo lên rồi ôm chầm lấy mẹ tôi: Giỏi chưa này, ra được tới đây rồi. Gắng lên nghe cô.
Mệ Đằng ngồi trong căn nhà nhỏ gần đó nghe thế cũng chạy vội ra, rồi mệ Thiệu, anh Sơn… ai cũng vui mừng như chính người thân của họ vừa đi xa về. Mỗi người một câu, hết chúc mừng sự hồi phục dù chậm chạp lại động viên mẹ. Ai cũng muốn nói rằng, cuộc sống này đẹp lắm, hãy yêu quý từng giây từng phút.
Để bảo vệ sức khỏe cho mẹ, chúng tôi xin phép mọi người đưa bà về phòng nghỉ ngơi. Hôm đó, trong đôi mắt mẹ tôi lại tràn trề sức sống; thần sắc thay đổi hẳn. Chỉ một chặng đường rất ngắn, dù con đường mà bánh xe lăn đưa mẹ đi vẫn có những gập ghềnh, vẫn gặp những điều không muốn gặp. Nhưng, tôi có cảm giác cả bầu trời hôm đó đã đón mẹ. Mẹ như được tận hưởng cái không gian thanh bình của một chuyến “du lich” nhỏ. Sự mừng rỡ, những cái bắt tay của hàng xóm giá trị hơn cả những thang thuốc bổ anh em chúng tôi chạy vạy kiếm tìm bấy lâu nay.
Vẫn biết rằng, sinh - lão - bệnh - tử là quy luật của vòng đời, nhưng chừng ấy thôi, cũng đủ để thấy cuộc sống này đáng yêu đến chừng nào.
Hương Lan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

TIN MỚI

Return to top