ClockChủ Nhật, 21/10/2018 07:31

“Còn nhiều việc phải làm với Huế”

TTH - Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang gìn giữ và bảo quản hơn 2.500 hiện vật liên quan đến triều đại nhà Nguyễn. Trong những kế hoạch đã được TS. Nguyễn Văn Cường dự kiến, lần lượt những cổ vật ấy sẽ được đưa về Huế trưng bày và giới thiệu.

Bảo tồn cây thị di sản ở làng cổ Phước TíchPhá Tam Giang - Một góc nhìn khácHãy khuấy động từ Lăng Cô

TS. Nguyễn Văn Cường trong một lần đến Huế

Trao đổi về hoạt động trưng bày hiện vật tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, TS. Nguyễn Văn Cường nói:

Đây là một không gian trưng bày rất có ý nghĩa về lịch sử, nhận thức và cả chính trị. Qua đó, chúng ta không chỉ giới thiệu về những giá trị văn hóa vô cùng quý báu của triều Nguyễn để lại, mà còn đặc biệt ở chỗ giúp cho người dân Thừa Thiên Huế, du khách đến Huế thấy được một phần lịch sử của Việt Nam trong quá trình mở rộng bờ cõi và thống nhất đất nước. Những cổ vật được trưng bày ở đây sẽ “kể” cho chúng ta nghe những câu chuyện về việc chúng đã được tạo tác như thế nào, chúng đã được sống với nền quân chủ cuối cùng như thế nào và được trân trọng, gìn giữ như thế nào trong năm tháng chiến tranh. Nó thực sự giúp chúng ta bồi dưỡng tình yêu quê hương Thừa Thiên Huế nhiều hơn, yêu lịch sử đất nước nhiều hơn và thấy rõ vai trò của triều Nguyễn đóng góp cho lịch sử dân tộc.

Ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng trưng bày là xu thế tất yếu. Ở Thừa Thiên Huế, xu thế ấy đã đủ để ông nhìn thấy sự hiện đại?

Mặc dù trưng bày truyền thống là cách trưng bày cơ bản và chúng ta vẫn phải tiếp tục giữ gìn, nhưng không thể phủ nhận, công nghệ góp phần rất tốt trong việc tôn vinh các di sản văn hóa. Nó mang lại nhiều sự tiện lợi và hữu ích cho người tham quan. Trên thế giới, hầu hết các bảo tàng đều ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng trong trưng bày. Theo đó, những thông tin được giới thiệu cũng hàm chứa nhiều giá trị và du khách cũng được tiếp cận bằng các hình thức đa dạng hơn so với cách trưng bày truyền thống. Huế đã triển khai rất tốt việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ trong trưng bày, có tiếng vang và tạo được hiệu ứng tốt.

Khay trầu - đồ ngự dụng nhà Nguyễn

Tuy nhiên, so với thế giới, những bước đi của chúng ta có phần chậm hơn, không riêng Huế mà cả các bảo tàng trong nước. Việc chúng ta áp dụng công nghệ để xây dựng hệ thống thuyết minh tự động, sử dụng màn hình cảm ứng và nhiều ứng dụng khác nữa để dẫn dắt người xem hiểu câu chuyện đang được trưng bày, giới thiệu từ chi tiết đến tổng quát vẫn còn hạn chế. Tôi nghĩ, sẽ đến lúc chúng ta sử dụng những công nghệ tiên tiến hơn để giúp người xem không chỉ dễ dàng hơn trong việc tham quan cổ vật, mà còn khiến họ có cảm giác được “sống” trong cùng một không gian và thời gian với hiện vật đó, với cả những con người lịch sử cụ thể. Nếu có giải pháp tốt, công nghệ tiên tiến đều có thể giải quyết được hết. Quan trọng là chúng ta cần xác định đúng hướng đi và cũng phải đầu tư thêm nhiều thời gian và tiền bạc.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang phối hợp trưng bày giới thiệu “Rồng – phượng trên bảo vật triều Nguyễn”.  Tại sao là rồng, phượng mà không phải là tên gọi khác, thưa ông?

Rồng và phượng đều là những biểu tượng của quyền lực nhưng cũng là biểu tượng của hoàng tộc và mang khát vọng của dân tộc. Những hiện vật có biểu tượng rồng - phượng được giới thiệu đợt này vốn được chế tác rất kỹ xảo qua bàn tay tài hoa của những người thợ Huế, bằng các chất liệu hết sức quý giá như vàng, bạc, ngọc... Cuộc triển lãm mang rất nhiều ý nghĩa. Trong đó, có thông điệp về giá trị của vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam và những đóng góp to lớn của triều đại này. Chính vương triều này đã sản sinh ra nhiều di sản văn hóa được vinh danh thế giới, như: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế… Tôn vinh những cổ vật này là cách chúng ta giới thiệu để công chúng thấy rõ hơn vẻ đẹp toàn vẹn của những giá trị văn hóa nhân loại trên đất Cố đô.

Hơn 2.500 cổ vật của triều Nguyễn đang được Bảo tàng Lịch sử quốc gia gìn giữ. Cơ hội để những cổ vật ấy về thăm Huế sẽ như thế nào, thưa ông?

Từ trước tới nay, Bảo tàng và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp tổ chức 3 cuộc triển lãm về cổ vật triều Nguyễn tại Huế. Điều đó rất đáng trân trọng. Chúng tôi xác định vẫn tiếp tục duy trì sự phối hợp để đưa thêm nhiều cổ vật nhà Nguyễn về trưng bày, giới thiệu tại Huế. Cho đến khi giới thiệu xong toàn bộ cổ vật triều Nguyễn đang được gìn giữ cẩn mật tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Hôm nay, chúng ta tự hào có một quần thể di tích Cố đô Huế được quan tâm tôn tạo, vinh danh. Cùng với công cuộc đó, những bảo vật gắn liền với triều đại nhà Nguyễn cũng đang được gìn giữ và phát huy, không những tại Huế, trong nước mà còn cả nước ngoài, thông qua các cuộc triển lãm về lịch sử đất nước và con người Việt Nam do chúng tôi phối hợp thực hiện.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có mối quan hệ hợp tác rất tốt. Đến nay, ông còn mong muốn tâm huyết nào với Huế mà chưa thể thực hiện?

Giữa chúng tôi có một hợp tác, cùng với việc khai quật nghiên cứu kỹ hơn về Huế bằng các chương trình khảo cổ, còn có những cuộc triển lãm, xuất bản sách và giới thiệu tại Huế lần lượt các bộ sưu tập trong hệ thống cổ vật triều Nguyễn. Vẫn còn rất nhiều việc mà chúng tôi phải làm với Huế, như tiếp tục nghiên cứu tổng hợp toàn bộ kinh thành Huế góp phần cho việc phục dựng và tôn tạo, hay nghiên cứu, làm rõ vai trò lịch sử của vương triều Huế trong các giai đoạn lịch sử thông qua những dấu tích của triều đại Tây Sơn, vương quốc Champa và cả những vấn đề lịch sử cận hiện đại… Đó là những công việc quan trọng cần tiếp tục thực hiện để công chúng và du khách hiểu rõ hơn về Huế và tôn vinh đúng giá trị những di sản văn hóa Huế trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Nếu có lời nhắn nhủ đến với người dân Huế, điều ông muốn nói sẽ là gì?

Tôi chỉ muốn nói lên cảm nghĩ của riêng mình. Tôi đã đi nhiều nơi và thấy nhiều nước trên thế giới không có được những giá trị di sản văn hóa như Huế. Ở những nước có di sản văn hóa mang tầm thế giới, thì người dân rất tự hào và trân trọng khi được sống cùng với di sản ấy. Ở đó, bản thân các di sản văn hóa đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân, từ tinh thần cho đến những điều kiện kinh tế. Tôi nghĩ, mỗi một người dân Huế đều đã có ý thức về giá trị của những di sản văn hóa mà Huế đang có. Mong rằng, với những gì đang có ấy, người dân Huế hãy yêu và hãy cùng chung tay xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển vững mạnh và cùng trân trọng, gìn giữ những di sản văn hóa ấy cho con cháu mai sau.

ĐỒNG VĂN (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chuyển hàng ngàn hiện vật về nơi mới

Hàng chục ngàn hiện vật với rất nhiều chất liệu, kích thước thuộc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đang được đóng gói một cách cẩn thận chuẩn bị cho việc dời về địa chỉ mới ở số 268 Điện Biên Phủ, TP. Huế.

Di chuyển hàng ngàn hiện vật về nơi mới
Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

“Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam” là nội dung trưng bày chuyên đề do Bảo tàng Lịch sử phối hợp với Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Phòng giáo dục - Đào tạo huyện Quảng Điền tổ chức tại Trường THCS Ngô Thế Lân sáng 14/3.

Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Tâm huyết với công tác Hội

Nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội, quan tâm, giúp đỡ hội viên khó khăn là nhận xét của những hội viên phụ nữ tổ dân phố (TDP) 8, phường Phú Bài, TX. Hương Thủy dành cho chị Lê Thị Sen, sinh năm 1965, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ TDP 8.

Tâm huyết với công tác Hội
Công khai số điện thoại đường dây nóng Giám đốc Công an tỉnh: Hợp lý, hợp cả lòng dân

Việc Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn công khai số điện thoại cá nhân đường dây nóng của mình một cách rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đó là chủ trương hợp lý, hợp lòng dân, được người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Công khai số điện thoại đường dây nóng Giám đốc Công an tỉnh Hợp lý, hợp cả lòng dân
Return to top