|
Các hoạt động của Đại học Huế còn hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương |
Vị thế và vai trò mới
Đại học Huế tiền thân là Viện Đại học Huế, thành lập vào tháng 3/1957. Năm 1994, được tổ chức lại theo Nghị định số 30/CP của Chính phủ, Đại học Huế trở thành là 1 trong 3 đại học vùng trong cả nước; là cơ sở giáo dục đại học công lập bao gồm các cơ sở giáo dục đại học, viện thành viên, các đơn vị thuộc, trực thuộc, tổ chức theo hai cấp, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực các trình độ của giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.
Năm 1996, Đại hoc Huế có 60 ngành đào tạo đại học, 30 chuyên ngành đào tạo cao học. Đến năm 2023, Đại học Huế có 149 ngành đào tạo đại học, 108 ngành đào tạo thạc sĩ và 55 ngành đào tạo tiến sĩ; 63 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và II; 12 ngành đào tạo bác sĩ nội trú.
Đại học Huế được xây dựng trên vùng đất Cố đô Huế, trung tâm miền Trung kết nối Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Trên vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống hiếu học, với mô hình đại học vùng, Đại học Huế có điều kiện sử dụng các nguồn lực, sử dụng chung đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị để xây dựng một đại học đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao. Đại học Huế chủ động trong các hoạt động đào tạo, mở mã ngành, tăng quy mô đào tạo theo nhu cầu xã hội. Tập trung các nguồn lực và đội ngũ các nhà khoa học để thực hiện các đề tài, các chương trình nghiên cứu khoa học quy mô lớn, giải quyết các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội.
Qua 30 năm với vai trò của đại học vùng, cùng với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương của Thừa Thiên Huế trên nền tảng văn hóa, du lịch, giáo dục, y tế, thì đã đến lúc Đại học Huế có vai trò mới, trách nhiệm lớn hơn trong sự đóng góp của mình trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trực thuộc Trung ương tương lai và cả nước.
Việc phát triển Đại học Huế thành ĐHQG theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83 của Chính phủ là “kim chỉ nam” cho sự phát triển của Đại học Huế, để thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước; hướng đến một hệ thống đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, tiên phong, trọng điểm của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và xếp hàng đầu châu Á, nhóm 500 thế giới vào năm 2045.
Trong buổi làm việc với Đại học Huế mới đây về xây dựng thành ĐHQG, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, ĐHQG không phải là chiếc áo đẹp, mà khi khoác lên mình thì tự khắc sẽ đẹp với chiếc áo đó. ĐHQG không chỉ là danh hiệu mà đó chính là vai trò sẽ lớn hơn, nhiệm vụ sẽ nặng nề hơn.
|
Đầu tư trang thiết bị để phục vụ đào tạo, khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế |
Tiên phong trong các nhiệm vụ
Đại học Huế đang phát triển về mọi mặt, hướng đến một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của miền Trung và cả nước. Chiến lược phát triển Đại học Huế sẽ là mô hình đại học thông minh và đổi mới sáng tạo. Một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới. Làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập thế giới.
PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế khẳng định, khi trở thành ĐHQG thì trách nhiệm của Đại học Huế nặng nề hơn. Đại học Huế sẽ triển khai các nhiệm vụ mang tầm Quốc gia. Không chỉ là đơn vị đào tạo, mà phải đóng góp nhiều hơn trong phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế, quốc gia và quốc tế. Trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, Đại học Huế phải nâng tầm, hướng đến phục vụ những nhu cầu và lợi ích mang tầm quốc gia. Cùng với đó là xây dựng được đội ngũ nhân lực không chỉ dừng lại ở bằng cấp, học vị, mà phải tiên phong trong các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển kinh tế.
Bằng nguồn lực của mình, Đại học Huế hiện đã và sẽ có những nghiên cứu để góp phần phát triển kinh tế Thừa Thiên Huế, khu vực và cả nước. Năm 2024 này, Đại học Huế đang tiến hành nghiên cứu tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế. Qua đó, đề xuất những định hướng, giải pháp để giúp Thừa Thiên Huế phát triển xứng tầm thành phố trực thuộc Trung ương.
Tính tiên phong của Đại học Huế sẽ còn được thể hiện trong đào tạo định hướng nghề nghiệp. Các ngành nghề có tính đón đầu, như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, văn hóa kết hợp với du lịch… đều đã được triển khai đào tạo. Về tuyển sinh, tiếp tục nâng chất lượng đầu vào. Về nghiên cứu khoa học, cũng sẽ tiên phong trong công bố quốc tế, chuyển giao để phục vụ xã hội…
PGS.TS. Lê Anh Phương cho rằng, trong tình hình hiện nay, Đại học Huế sẽ phải tận dụng được nội lực đang có, tăng tính đoàn kết để tăng “sức khỏe” cho ĐHQG trong tương lai. Hiện nay, Đại học Huế có gần 3.700 viên chức và lao động; trong đó, có 214 giáo sư, phó giáo sư, 799 tiến sĩ, 1.526 thạc sĩ, 38 giáo sư danh dự người nước ngoài, chiếm tỷ lệ 41%. Đại học Huế sẽ tạo điều kiện tối đa để cán bộ, viên chức tiếp tục nâng cao chuyên môn, đặt mục tiêu có trình độ thạc sĩ trở lên là 60 – 70%. Đồng thời, tạo môi trường làm việc gắn kết, thu hút các nhà nghiên khoa học quốc tế về Huế làm việc.