ClockChủ Nhật, 18/11/2018 16:17

Cung ứng dịch vụ cho nhà nước hay nông dân?

TTH - Đã bắt đầu một sự sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Mới nhất là sự sáp nhập 3 đơn vị ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, khuyến nông ở huyện Phong Điền thành một đơn vị, có tên gọi Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp.

Không biết tính chất hoạt động có gì khác so với chức năng nhiệm vụ của 3 trung tâm trước đây hay không, hay là chỉ gộp lại một cách cơ học?

Tuy nhiên, điều này ít nhất cũng cho thấy một sự chuyển biến mới về mặt tổ chức trong một động thái, tinh giảm biên chế, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn. Và ở một khía cạnh khác là giảm chi phí cho ngân sách. Gì thì gì trước đây 3 đơn vị phải có 3 “ông trưởng”, giờ chỉ còn 1.

Trong một bản tin được đăng trên cổng Thông tin điện tử của UBND tỉnh cho biết: "Ngày 15/10/2018, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2277/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Điền trên cơ sở sáp nhập Trạm Chăn nuôi và thú y, Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông lâm ngư huyện Phong Điền thành một đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là mô hình mới với chủ trương nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước; tạo sự chủ động, mối liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn với người dân về lĩnh vực chăn nuôi, thú y, trồng trọt, bảo vệ thực vật, khuyến nông và các dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp khác tại địa phương”.

Với chủ trương như vậy, với sự khác nhau ở tên gọi, hy vọng sẽ dẫn đến sự khác nhau về phương thức hoạt động. Nếu phương thức hoạt động không thay đổi thì dù có tên gọi gì cũng sẽ mất đi ý nghĩa. Tức là vẫn những nhiệm vụ như vậy, vẫn một số nhân sự như vậy, ngân sách vẫn phải bỏ ra một số tiền “như vậy” để nuôi bộ máy.

Việc thực thi một nhiệm vụ được Nhà nước giao, có thể hiểu, nó sẽ khác cơ bản về phương thức hoạt động với tư cách là một đơn vị cung ứng một dịch vụ nào đó.

Chúng ta thử phân tích trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y. Chức năng nhiệm vụ của trạm chăn nuôi thú y trước đây, về cơ bản là hỗ trợ quan lý Nhà nước ở lĩnh vực này, mà khó có điều kiện cung ứng các dịch vụ cần thiết. Nhưng các đơn vị cung ứng dịch vụ ở mảng này thì có khả năng làm được. Họ cung ứng cả con giống và nhiều dịch vụ kèm theo như khoa học kỹ thuật, thức ăn, thuốc thú y và thậm chí là tập huấn kỹ thuật, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Ở đây cần xác định dịch vụ mà trung tâm mới thành lập cung ứng là cho ai: cho Nhà nước đặt hàng hay là trực tiếp cho các tổ chức nông nghiệp và người nông dân (gọi tắt là nông dân). Bởi hai chủ thể nói trên cần các loại dịch vụ khác nhau. Nhà nước bỏ ra một nguồn kinh phí để đặt hàng cho trung tâm thực hiện một số nhiệm vụ của Nhà nước, chẳng hạn như kiểm soát dịch bệnh, thống kê tổng đàn gia súc gia cầm để cung cấp thông tin cho Nhà nước; đánh giá tình hình chăn nuôi trên địa bàn để có những đề xuất với Nhà nước về công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng kế hoạch phát triển ngành; thí nghiệm một số mô hình sản xuất mới…Với những dịch vụ như vừa nêu trên, người nông dân có thể cần và không cần.

Nếu trung tâm cung ứng dịch vụ cho Nhà nước thì Nhà nước trả tiền. Còn trung tâm cung ứng dịch vụ cho nông dân thì thu tiền của nông dân. Cái khó ở đây là trung tâm có đủ sức mạnh về nguồn nhân lực, tài lực và các điều kiện kèm theo để cung ứng dịch vụ cho nông dân hay không?.

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp ngoài Nhà nước có những nguồn lực rất mạnh, đủ sức cung ứng nhiều loại dịch vụ  cơ bản trong ngành chăn nuôi, trồng trọt và nhiều lĩnh vực khác, cho nên thiết nghĩ việc này nên để cho tư nhân làm sẽ tốt hơn. Bởi cung ứng những dịch vụ cụ thể, trực tiếp khó mà cạnh tranh được với khu vực tư nhân. Điều này cũng cần phải xác định rõ để trung tâm hoạt động sẽ hiệu quả hơn.

Trung tâm chỉ đóng vai trò là một cánh tay nối dài để giúp về mặt quản lý Nhà nước và những lĩnh vực mà khu vực tư không thể làm được, hoặc ít muốn làm.

NGUYÊN LÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập

Những năm qua, các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và đối với người khuyết tật (NKT) nói riêng trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt, tạo điều kiện cho NKT vượt qua khó khăn, trở ngại để vươn lên sống độc lập, hoà nhập với cộng đồng.

Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập
Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế

Thu hút khách quốc tế và đầu tư dịch vụ trong nhiều trường hợp như vướng vào bài toán “con gà, quả trứng”. Nhưng để phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế, chuyện đầu tư dịch vụ xứng tầm vô cùng quan trọng.

Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế
Return to top