ClockChủ Nhật, 14/04/2024 14:00

Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế

TTH - Thu hút khách quốc tế và đầu tư dịch vụ trong nhiều trường hợp như vướng vào bài toán “con gà, quả trứng”. Nhưng để phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế, chuyện đầu tư dịch vụ xứng tầm vô cùng quan trọng.

Nhận diện nhu cầu của khách du lịch

 Khách quốc tế trải nghiệm đi xe buýt 2 tầng thoáng nóc

Vẫn còn thị trường khó chinh phục

Thống kê 2 tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế ước đạt gần 611.600 lượt khách, tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế ước đạt gần 303.700 lượt, tăng hơn 86% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ riêng trong tháng 2/2024 diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, chương trình lễ hội gắn với dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn, lượng khách đến Huế cũng tăng cao. Trong đó, khách quốc tế là gần 152.700 lượt, tăng 82,5% so với cùng kỳ năm trước. Top 10 thị trường khách hàng đầu đến Huế giai đoạn vừa qua có một số sự thay đổi, trong đó Mỹ là nước dẫn đầu về lượng khách đến Huế. Tiếp theo là Đài Loan, Pháp, Úc, Anh, Đức, Thái Lan, Hàn Quốc, Ý, Canada.

Trò chuyện với ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, một thông tin bất ngờ là Huế chiếm lĩnh khá tốt thị phần khách quốc tế. Bình quân hằng năm, Huế thu hút khách quốc tế đến từ 120 - 135 quốc gia. Đây là con số không hề nhỏ, song, tổng lượng khách quốc tế đến Huế thì chưa như kỳ vọng. Thực tế, ngoài các thị trường khách truyền thống, có khả năng tăng mạnh như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan, vẫn có nhiều thị trường khách quốc tế mà du lịch Huế chưa thu hút mạnh mẽ, thậm chí là khó chinh phục, đặc biệt là thị trường khách Hồi giáo với số lượng và nhu cầu khách đi du lịch cực lớn (dự báo tăng trưởng thị trường sẽ trở lại mức 160 triệu khách vào năm 2024 do sự mở rộng của du lịch quốc tế).

Theo một số chuyên gia du lịch, câu chuyện trên một phần vướng vào bài toán con gà, quả trứng. Doanh nghiệp cần đảm bảo việc thu hút được khách mới đầu tư dịch vụ. Trái lại, khi chưa có đầy đủ dịch vụ, khách khó lựa chọn điểm đến. Điển hình như thị trường khách Hồi giáo đến từ rất nhiều quốc gia, yêu cầu tiên quyết là phải đảm bảo các dịch vụ phục vụ tín ngưỡng như phòng cầu nguyện, thực phẩm halal. Hay với những dòng khách các nước, trong đó có Nhật Bản, phải có các sản phẩm du lịch mang tính chuyên biệt.

Ngành du lịch tỉnh hiện đã có nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ở các thị trường khách châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, khu vực các nước ASEAN. Bên cạnh đó, các thị trường quốc tế, như: Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Âu, Bắc Âu, các thị trường khách người Hồi giáo cũng được ngành du lịch và các doanh nghiệp lữ hành địa phương tìm cách khai thác, thu hút khách; chú trọng các thị trường đã được miễn visa, có khả năng chi tiêu cao, nghỉ dưỡng dài ngày cũng như mở rộng khai thác thị trường mới là Trung Đông và Ấn Độ. Nhưng, khó khăn về sản phẩm, dịch vụ đáp ứng cho từng thị trường khách cũng là rào cản. Chỉ nói riêng về dịch vụ lưu trú, bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh cho rằng, vào mùa cao điểm, Huế vẫn xảy ra tình trạng thiếu phòng, giá phòng cao. Trong khi đó, hệ thống các khách sạn cao sao ở Huế còn ít.

Thu hút đầu tư dịch vụ

Từ đầu năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đã đặt ra mục tiêu lớn là đón 18 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, bằng với năm 2019 - thời điểm được coi là “hoàng kim” của du lịch Việt Nam. Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh đánh giá, chính sách thị thực thông thoáng cùng sự nỗ lực của các địa phương trong xây dựng sản phẩm, tăng cường quảng bá đã góp sức khiến thị trường du lịch quốc tế tăng mạnh ngay từ đầu năm 2024.

 

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trong đó yêu cầu nghiên cứu mở rộng chính sách miễn thị thực. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu đề xuất mở rộng diện miễn thị thực cho công dân một số nước phù hợp tình hình mới và quan hệ hợp tác song phương. Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao khẩn trương tổng kết, đánh giá việc áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương cho công dân của 13 nước thời gian qua; chủ động phối hợp với Bộ Công an đề xuất mở rộng các nước có công dân được đơn phương miễn thị thực Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để du lịch Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng thu hút khách quốc tế.

Điểm khó là đang có rất ít đường bay quốc tế bay thẳng đến Huế. Đây là một yếu tố bất lợi trong cạnh tranh thu hút khách. Cũng từ đó, vấn đề đặt ra là làm sao tạo được sức hấp dẫn để khách đến với Huế. Theo nhiều chuyên gia du lịch, câu trả lời quan trọng cho vấn đề này là đầu tư dịch vụ. Ngoài dịch vụ lưu trú xứng tầm, cần quan tâm đầu tư dịch vụ ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí. Vấn đề này phụ thuộc vào doanh nghiệp và cần những cơ chế, thu hút đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ, hiện nay, tỉnh đang có nhiều chủ trương, chính sách thông thoáng để kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Ngành du lịch tỉnh cũng vừa nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm du lịch vừa nỗ lực kết nối, kêu gọi các nhà đầu tư đến với Huế để phát triển thêm nhiều dự án từ các trung tâm mua sắm, khu nghỉ dưỡng, các dịch vụ phục vụ cho hoạt động du lịch. Kỳ vọng trong những năm tới, Huế sẽ luôn là điểm đến hàng đầu cho nhiều thị trường khách quốc tế.

Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đón “đại bàng về làm tổ”

Khái niệm “đại bàng” để chỉ các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới và được nói nhiều nhất trong những năm gần đây, khi đại dịch COVID-19 khiến chuỗi sản xuất, cung ứng trên toàn cầu bị đứt gãy. Tình thế dẫn đến sự luân chuyển dòng vốn để tránh rủi ro và nhiều nước, trong đó có Việt Nam đã “dọn tổ đón đại bàng”. Chúng ta cũng thường được nghe nhiều về hình ảnh đại bàng tung cánh và biểu tượng đại bàng trong nhiều nền văn hóa đại diện cho sức mạnh, sự can đảm và tầm nhìn xa, trông rộng. Không có gì lạ, nếu như ở rừng sư tử được mệnh danh là chúa tể sơn lâm, ở biển có cá mập thì bầu trời chính là nơi đại bàng làm chủ.

Đón “đại bàng về làm tổ”
Để “con rồng” khu công nghiệp thức giấc

Ngoài đóng góp đáng kể vào ngân sách, giải quyết việc làm cho người dân địa phương, các khu kinh tế, công nghiệp (KKTCN) đang thu hút một lượng lớn doanh nghiệp FDI vào đầu tư, giúp khơi thông và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Đó là lý do trong thời gian gần đây, Thừa Thiên Huế đặc biệt quan tâm thu hút đầu tư vào các KKTCN.

Để “con rồng” khu công nghiệp thức giấc
Sản phẩm và dịch vụ OCOP từ dược liệu

Thực hiện Đề án Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến năm 2030, Thừa Thiên Huế tập trung tận dụng tiềm năng tài nguyên bản địa kết hợp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để hình thành các sản phẩm dược liệu chủ lực, có sức cạnh tranh cao.

Sản phẩm và dịch vụ OCOP từ dược liệu
Động lực từ dịch vụ, du lịch

Khu vực dịch vụ, du lịch đang trở thành điểm sáng của nền kinh tế khi đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của Việt Nam, nhờ nhu cầu nội địa tăng và khách quốc tế đến Việt Nam phục hồi mạnh mẽ. Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Thừa Thiên Huế tận dụng các cơ hội để hút khách, góp thêm những chỉ số tăng trưởng.

Động lực từ dịch vụ, du lịch

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top