ClockChủ Nhật, 01/01/2017 14:06

Đón các “ông lớn” về Huế

TTH - 2016 có thể xem là năm thành công trong xúc tiến kêu gọi đầu tư khi Huế đón nhiều nhà đầu tư lớn, với một số dự án đã và đang triển khai.

Ký kết hợp đồng quản lý vận hành khu du lịch nghỉ dưỡng Địa Trung Hải

Thức đêm cùng doanh nghiệp

Câu chuyện kêu gọi Vingroup vào Huế đầu tư làm chúng tôi khá ấn tượng. Năm 2016, Vingroup quyết định dừng chân ở Huế sau một vài đắn đo, lưỡng lự muốn “bỏ” dự án tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao Hùng Vương. Nếu không có sự “xắn tay áo” kịp thời của tổ giúp việc liên ngành, lãnh đạo tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, có khi tỉnh không giữ được nhà đầu tư này. Ông Phan Thiên Định, thời điểm đó đang là Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thành viên của tổ giúp việc kể lại: “Tối thứ 6 nhận được yêu cầu của tỉnh giúp Vingroup chuẩn bị hồ sơ để sáng mai làm việc với tỉnh. Đêm hôm đó, nhiều thành viên tổ giúp việc phải làm việc tới 2-3 giờ sáng mới xong các thủ tục. Nhà đầu tư chỉ ký vào hồ sơ là hoàn tất các thủ tục, những vấn đề còn lại đều do UBND tỉnh và các cơ quan ban ngành giải quyết như việc thương lượng đền bù với nhà đầu tư cũ, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dự án… Nhờ thế, Vingruop đã “gật đầu” đồng ý đầu tư dự án. Đến nay, sau hơn nửa năm triển khai, dự án đang dần hoàn thiện phần thô, dự kiến cuối năm 2017 sẽ đi vào hoạt động trung tâm thương mại.

Dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại và khách sạn 5 sao Hùng Vương do Vincom làm chủ đầu tư đang được triển khai

Ngoài dự án này, Vingroup cũng đang đầu tư một số dự án khác về nông nghiệp sạch ở Hương Trà. Ban đầu, Vingroup dự định đầu tư toàn bộ hệ thống trồng, cung ứng rau sạch với hạ tầng giao thông, điện nước, khu nhà sơ chế…, với tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua quá trình làm việc thực tế, với một số khó khăn nhất định, Vingroup điều chỉnh dự án bằng việc xây dựng trung tâm chuyển giao công nghệ không chỉ cho Hương Trà mà cả Thừa Thiên Huế. Với trung tâm này, nông dân được bao tiêu, thu mua sản phẩm hoặc đóng dấu sản phẩm nông sản sạch để bán ra thị trường. Cả nước chỉ 6 trung tâm được Vingroup đầu tư và Thừa Thiên Huế may mắn có 1 trong 6 trung tâm đó. Ông Phan Thiên Định cho biết, nhà đầu tư khá tâm huyết với dự án này. Nhiều hôm mới 3-4 giờ sáng đã gọi điện để bàn các giải pháp triển khai dự án. Và lúc nào cũng thế, lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư luôn làm hài lòng doanh nghiệp.

Dự án The Manor Crown Huế thuộc Tập đoàn Bitexco được triển khai tại Huế

Sau khi Vingroup đến Huế, một số tập đoàn lớn cũng chọn Huế làm điểm “dừng chân”, điển hình như Bitexco, BRG, SBH… Còn nhờ, tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016, khi bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG nói về môi trường đầu tư ở Huế: “Lâu nay chúng tôi chưa đến Huế vì thường nghe nói Huế bảo thủ, rườm rà. Nhưng bây giờ tôi thấy môi trường đầu tư đã thay đổi, tốt hơn, các anh lãnh đạo rất quan tâm đến nhà đầu tư. Vì thế chúng tôi mới chọn Huế làm điểm tiếp theo để mở rộng quy mô, thị trường hoạt động”. Hội trường vỗ tay rào rào sau câu nói này.

Thay đổi tư duy từ quản lý sang hỗ trợ, phục vụ

Nói về lý do các nhà đầu tư lớn chọn Huế là bến đỗ trong thời gian gần đây, ông Phan Thiên Định không ngần ngại khẳng định, đó là nhờ sự thay đổi về tư duy, cách nhìn nhận về doanh nghiệp. Thay vì quản lý, nay đã phân định rõ giữa quản lý và hỗ trợ, phục vụ và tăng cường phục vụ, hỗ trợ. Điều đó đã đem lại những thay đổi tích cực trong bộ máy chính quyền, khi cán bộ cơ quan công quyền không còn coi doanh nghiệp là “cấp dưới”, bị phụ thuộc vào cơ chế xin-cho, mà đã là quan hệ đồng hành theo nguyên tắc cùng thắng (“win-win”).

Ông Định nói thêm: Không đợi đến hội nghị xúc tiến đầu tư, từ trước đó, nhiều nhà đầu tư lớn đã đến Huế tìm hiểu. Hội nghị xúc tiến đầu tư chỉ là bước cuối trong việc kêu gọi đầu tư với những cam kết, trao chứng nhận đầu tư sau khi các thủ tục đã hoàn tất. Tuy nhiên, nếu không làm tốt các khâu, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp về mọi mặt, hẳn là khó mà mời gọi được doanh nghiệp đến Huế. Với các doanh nghiệp lớn lại càng khó hơn, bởi cùng một dự án đầu tư, khi cùng lúc có nhiều địa phương trải thảm mời gọi, chắc chắn doanh nghiệp sẽ chọn môi trường tốt. Nếu Huế không làm tốt, những nhà đầu tư lớn như Vingroup, Bitexco, BRG… sẽ không đến đầu tư.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận là việc kêu gọi đầu tư không có nghĩa là trao đất, trao tài sản cho doanh nghiệp mà cần được hiểu là đem lại những giá trị tốt đẹp hơn, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Lâu nay, vẫn còn lối tư duy cũ khi cho rằng càng nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, Huế càng mất nhiều khu đất và sẽ có lúc Huế không còn gì để cấp, để bán cho nhà đầu tư. Thực tế, việc trao chứng nhận đầu tư, nhất là với những doanh nghiệp lớn, uy tín thì những giá trị mà họ mang lại cho Huế sẽ không chỉ tính hàng ngày mà nhiều thế hệ sau này còn được hưởng lợi. Đó là vấn đề giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng được đầu tư, tạo thêm nguồn lực cho tỉnh…

Thực tế cũng chứng minh, rất nhiều “khu đất vàng” ở trung tâm TP. Huế nhiều năm không phát huy tác dụng do chưa tìm được nhà đầu tư thực sự có tiềm lực. Do đó, việc kêu gọi đầu tư, nhất là khi doanh nghiệp là những “ông lớn” là điều cần được khuyến khích.

Những nhà đầu tư lớn không chỉ đã và đang triển khai dự án mà còn kêu gọi thêm những nhà đầu tư lớn khác cùng đến Huế, như: Tập đoàn BRG sau khi mua lại cổ phần và trở thành cổ đông chính ở khách sạn Century đã mời Tập đoàn quản lý khách sạn hàng đầu thế giới Hilton tham gia đầu tư, quản lý tại Century với tham vọng biến khách sạn này thành khách sạn 5 sao trong thời gian tới. Tập đoàn SBH ở Tây Ban Nha cũng vừa ký kết hợp đồng quản lý, vận hành khu nghỉ dưỡng Địa Trung Hải. SBH là tập đoàn có trên 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, vận hành và cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng, khách sạn và hiện đang quản lý 7 khu nghỉ dưỡng ven biển, với hơn 2.300 phòng. Sau khi Tập đoàn SBH vào đầu tư ở Huế, một số nhà đầu tư lớn khác đang nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư ở những vùng đất khác trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, tiếp tục xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh

Nền an ninh nhân dân “là sức mạnh tinh thần, vật chất, sự đoàn kết và truyền thống dựng nước, giữ nước của toàn dân tộc được huy động vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia làm nòng cốt”(1). Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 một lần nữa khẳng định: Xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân phải là sự nghiệp của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước, trong đó lực lượng công an giữ vai trò tham mưu và nòng cốt.

Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, tiếp tục xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh
Đầu tư cho huyện nghèo A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn

Để thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, một trong các chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2025 là tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn tỉnh giảm còn 1,84%. Để đạt tỷ lệ này, tỉnh ưu tiên tập trung nguồn lực giảm nghèo cho huyện nghèo A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn.

Đầu tư cho huyện nghèo A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn
Vững chắc yêu thương

Lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cùng chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, tổ chức trong tỉnh, các mạnh thường quân trên các mọi miền đất nước xây dựng vững chắc yêu thương trong lòng người dân biên giới.

Vững chắc yêu thương
Return to top