ClockThứ Năm, 09/05/2024 06:38

Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ

TTH - 70 năm trôi qua kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Chí Bình vẫn nhớ như in “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”.

Nét nhân văn quân sự đặc sắc của dân tộc Việt NamHoa nở trên chiến trường xưa

 CCB Nguyễn Chí Bình

Tất cả cho tiền tuyến

Tôi đến thăm nhà CCB Nguyễn Chí Bình (quê Nghệ An), hiện ở phường Tây Lộc, TP. Huế. Đã ở độ tuổi 90, người cựu chiến sĩ công binh ấy vẫn minh mẫn, khỏe khoắn. Vui vẻ nở nụ cười rạng rỡ, ông pha ấm trà, ngâm nga ca khúc “Giải phóng Điện Biên”, lần giở lại từng mảnh ký ức về một thời mưa bom bão đạn.

Sau chiến dịch Tây Bắc năm 1952, đơn vị của ông là Trung đoàn Công binh 151 (đây là trung đoàn công binh đầu tiên của Quân đội ta) vinh dự được Bác Hồ trao tặng lá cờ “Mở đường thắng lợi”. “Lá cờ ấy chính là động lực để chúng tôi, những chiến sĩ công binh, tiếp tục nỗ lực, phá đá, lấp hố bom, mở đường đến chiến thắng cho toàn quân”, ông Bình chia sẻ.

Đến tháng 10/1953, Bộ Tổng tư lệnh điều Trung đoàn Công binh 151 lên Tây Bắc sửa đường cho ô tô vận tải hậu cần và xe kéo pháo vào tập kết, sau đó thực hiện nhiệm vụ chống lầy, lún, sụt, lở do mưa lũ; phá bom, mìn do máy bay địch đánh phá. “Thực tế, trận Điện Biên Phủ đã khó khăn và cam go ngay từ giai đoạn chuẩn bị. Khi Pháp biết quân ta chuẩn bị vũ khí, lương thực, dân công... để tấn công Điện Biên Phủ, chúng đã thường xuyên ném bom, bắn phá những tuyến đường chi viện của quân ta. Đặc biệt là ở ngã ba Cò Nòi, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nhận định: “Ngã ba Cò Nòi là một cửa ải, tất cả những người ra trận đều phải vượt qua”. Tuy nhiên với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để chiến thắng”, bằng mọi giá chúng tôi phải mở đường để hậu phương có thể chi viện cho tiền tuyến”, ông Bình nhớ lại.

Theo sách Địa chí Sơn La (xuất bản năm 2020), ngã ba Cò Nòi là điểm nối giữa đường số 41 (Quốc lộ 6 ngày nay) với đường số 13 (Quốc lộ 37 ngày nay), là một thung lũng hẹp và sâu, 2 bên là đồi đất. Tất cả mọi hoạt động chi viện lực lượng vận chuyển vũ khí, lương thực, dân công... từ Yên Bái sang, từ đồng bằng Bắc Bộ lên Điện Biên Phủ đều phải qua điểm nút ngã ba trọng điểm này. Thực dân Pháp triệt để lợi dụng yếu điếm ngã ba Cò Nòi để tập trung không quân đánh phá ác liệt, nhằm chặt đứt con đường huyết mạnh duy nhất lên Điện Biên Phủ. Trung bình cứ 13 phút địch lại ném bom, bắn phá một lần, có ngày 300 quả bom phá, bom nổ chậm, bom napan, bom bướm đã được ném xuống đây.

Được đào tạo công binh tại quê nhà Nghệ An, ông Bình nắm và hiểu rõ nguyên lý của bom nổ chậm, bom lá. Hàng ngày, ông trèo lên cây để trinh sát, phát hiện địa điểm rải bom nổ chậm của địch, sau đó tiến hành gỡ bom. Trong một lần trinh sát như thế, một quả bom nổ ngay phía dưới cây ông đang trèo. Ông rơi xuống, đất đá vùi lấp. May mắn, ông chỉ bị thương ở tai do tiếng bom và một vài vết thương phần mềm ở tay, chân do mảnh bom găm vào.

Sau đó, ông tiếp tục tham gia chiến dịch cùng Trung đoàn Công binh 151 với nhiệm vụ đào đường hầm nhằm đánh chiếm đồi A1. “Đào vào trong lòng núi rất khó khăn do chúng tôi như ở ngay trong lòng địch. Có lúc, quân địch đánh ác liệt, đơn vị của tôi không nhận được tiếp viện, đành tự loay hoay nấu cháo ăn cả tuần để lấy sức đào hầm. Càng đào vào sâu, dưỡng khí ít, tôi và các đồng đội ngất đi rồi tỉnh lại nhưng không nao núng, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”, ông Bình nhớ lại.

Sau những nỗ lực của Trung đoàn Công binh 151, đêm 6/5/1954, khối thuốc nổ gần 1.000kg ở đồi A1 được kích nổ, tạo tiền đề để quân ta chiếm được đồi A1, tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Tiếng hát át tiếng bom

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Bình tiếp tục tham chiến ở kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam, trước khi về hưu ở Huế. Quá trình tham chiến, ông không giữ lại nhiều kỷ vật, chỉ đặc biệt cất giữ tờ 1 đồng Đông Dương.

“Tôi giữ lại tờ 1 đồng Đông Dương bởi sau khi ký Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đồng tiền này không còn được sử dụng nữa. Đây như là một kỷ vật nhắc tôi nhớ về việc người Pháp đã thất bại tại Việt Nam, tại Điện Biên Phủ”, ông Bình chia sẻ.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH
ĐÁNH GIÁ
4.8
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thức quà ký ức

Có một người bạn trẻ của tôi ở Hà Nội nói rằng, em đi chợ mà thấy mấy loại bánh truyền thống là mua ngay, không chỉ mua để ăn đâu, mà như mua một kỷ niệm cho mình...

Thức quà ký ức
Ba người con Cố đô ở Điện Biên Phủ

Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ (ĐBP) bắt đầu, mặc dù Thừa Thiên Huế còn là vùng “tạm chiếm” của đối phương, nhưng rất nhiều người con của Cố Đô, do chuyển ra các tỉnh phía bắc từ trước, đã tham gia Chiến dịch ĐBP trên nhiều cương vị khác nhau. Trong số đó, có 3 nhân vật do chút “duyên” quen biết, từ nhiều năm trước...

Ba người con Cố đô ở Điện Biên Phủ
CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP:
Một sự lựa chọn của lịch sử

Cách đây 40 năm, vào tháng 2/1984, Hội Khoa học Hoàng gia Vương quốc Anh tổ chức xét phong, bình chọn ra 10 vị tướng vĩ đại nhất mọi thời đại, trong đó Việt Nam tự hào có 2 vị được đưa vào danh sách này - Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Một sự lựa chọn của lịch sử
Hoa nở trên chiến trường xưa

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (ĐBP) năm 1954, Điện Biên bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Từ chỗ là chiến trường đổ nát, hoang tàn, bằng nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh dựng xây, phát triển, ĐBP hôm nay đang vươn mình mạnh mẽ, từng bước phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế - xã hội (KT-XH) của khu vực Tây Bắc.

Hoa nở trên chiến trường xưa

TIN MỚI

Return to top