ClockThứ Sáu, 24/12/2010 14:09

Khoảnh khắc Huế

TTH - Khoảnh khắc Huế bao gồm 11 bút ký, ghi chép, truyện ký, phóng sự, ghi nhanh… được viết trong nhiều thời khoảng và hoàn cảnh khác nhau với những tâm trạng và trải nghiệm khác nhau của tác giả, trải dài từ hai thập kỷ cuối của thế kỷ XX cho đến nay.

Võ Mạnh Lập đã trăn trở, nghĩ suy qua từng trang viết của mình vì nỗi niềm với Huế. Anh đã phân thân để làm người trong cuộc qua từng sự kiện và hoàn cảnh, có khi phải hồi tưởng, đồng hiện qua từng ký ức gần và ký ức xa để vực dậy những nỗi niềm, những vui buồn ân nghĩa quanh đời mà anh từng chứng kiến và trải nghiệm.

Ngoài những hồi ký và truyện ký có liên quan đến những con người cụ thể thân quý của anh như Tô Nhuận Vỹ, Thanh Hải (Kỷ niệm của tôi và Tô Nhuận Vỹ với nhà thơ Thanh Hải), như Huỳnh Hồng (Phía bên kia đèo Hải Vân có trang trại của một người lính), như tình cảm xúc động của văn nghệ sĩ hai miền hội ngộ sau ngày Huế hoàn toàn giải phóng tại ngôi nhà 26 Lê Lợi mà Hoàng Phủ Ngọc Tường gọi là Địa chỉ buồn (Trao tay những mối tình gợi nhớ), còn lại là những bút ký và ghi chép những sự việc, sự kiện về Huế, có liên quan đến Huế - nơi anh sinh sống, công tác và gắn bó tình cảm sâu nặng.
 
Phải nói rằng Võ Mạnh Lập là người của ký, của công việc với tư cách và phẩm chất của một nhà báo - nhà văn. Anh đi nhiều, quan sát và chịu khó ghi chép, chịu khó săn tìm, suy nghĩ những vấn đề và sự kiện có ý nghĩa xã hội và thời sự liên quan đến Huế, đến bản thân anh với tinh thần tự nguyện, tự giác đáng quý. Những khoảnh khắc, những mảnh vỡ sự kiện và ký ức ấy, chúng không mất đi mà chúng trở thành những con chữ, những nỗi niềm chung cho tất cả mọi người để họ có thêm tình cảm và thức nhận về Huế. Với hiệu cảm như thế, tôi nghĩ, Khoảnh khắc Huế cùng với tác phẩm Trở về từ địa ngục Chín Hầm (Nxb Thuận Hóa, 2010) của Võ Mạnh Lập - vượt qua giá trị thời sự - chúng có ý nghĩa xã hội và lịch sử, đáng cho chúng ta yêu quý, trân trọng.
 
Cốt yếu của ký là sự kiện, thì sự kiện trong ký của Võ Mạnh Lập chân thật và cụ thể, nóng bỏng, tạo nên tính chân thật của trần thuật. Anh có Săn tìm nét đẹp của Huế phản ánh hoạt động của giới nhiếp ảnh Huế và cả nước trong cuộc chạy đua hưởng ứng cuộc thi Ảnh đẹp Huế năm 2000 do Tạp chí Sông Hương phát động.
 
Trong mảng ký về các hoạt động và sự kiện ở Huế, còn có Một vòng quanh chợ Đông Ba nói về tình người trong cơn nguy khốn của những tiểu thương, tiểu chủ chăm lo làm từ thiện cho những người nghèo và những trẻ em mồ côi, bất hạnh. Còn Một tượng đài, một tấm lòng lại đề cập đến 20 cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng đã hy sinh anh dũng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 và giờ đây, bà con và bác sĩ Phan Sung cùng HĐND, UBND và Hội CCB phường Thuận Hòa đã quyên góp, xây dựng Nhà bia tưởng niệm với dòng chữ giản dị như cuộc đời anh dũng của họ trên bia: Tại nơi đây trong cuộc tiến công nổi dậy Xuân 1968, 20 cán bộ chiến sĩ Đội phẫu tiền phương Trung đoàn 6 đã hy sinh anh dũng.
 
Huế tháng Ba phản ánh khí thế và tâm sự đầy xúc động của tuổi trẻ Huế lên đường làm nghĩa vụ quân sự: “Tiếng trống ếch, tiếng kèn của 30 em thiếu niên câu lạc bộ vừa cất lên hòa cùng tiếng máy của 6 chiếc thuyền vừa rời bến ra đi. Dòng sông Hương đâu còn yên ả. Sóng đã cuộn lên, xô vào bờ những đợt lớn. Họ vẫy chào sông Hương, vẫy chào núi Ngự, vẫy chào núi Bân - nơi Nguyễn Huệ làm lễ đưa quân Việt ra phía bắc đánh tan hai chục vạn quân Thanh xâm lược. Họ đang cưỡi sóng sông Hương để ra đi quyết cùng cả nước làm nên sóng Bạch Đằng năm 938 lúc Ngô Quyền tiêu diệt quân Nam Hán và sông Bạch Đằng 1288 của Trần Quốc Toản tiêu diệt giặc Nguyên, bắt Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp”.
Viết về những trận lũ lớn của thế kỷ ở Huế, Võ Mạnh Lập có hai bút ký khá chi tiết và xúc động Lũ tràn vào Bệnh viện Trung ương Huế và Mạch máu vẫn lưu thông. Hai bút ký này, tác giả với tư cách là người trong cuộc sống chung với lũ để ghi chép, thông điệp và sẻ chia. Những con người, sự việc, tình huống đa dạng và phức tạp theo từng thời khắc của con lũ đã được miêu tả và “quay cận cảnh”, làm hiện lên những cảnh đời, những tâm trạng, những nỗi niềm nhân ái “lá lành đùm lá rách”, đầy yêu thương và trách nhiệm của con người trước thiên tai, tử biệt. Ngôn ngữ trần thuật ngôi thứ nhất của người viết ký nổi lên khá đậm nét đã làm cho những trang viết của Võ Mạnh Lập có cá tính riêng trong việc trình bày và cắt nghĩa, bình luận sự việc. Có khi là lời của nhân vật nhân chứng. Chi tiết bác sĩ người Bỉ đang công tác tại Bệnh viện Trung ương Huế, qua chứng kiến và chung tay cứu lũ nhận định về tình người trong và sau cơn lũ đã trực tiếp nói lên ý nghĩa sâu xa của vấn đề mà tác giả muốn biến thành cái tôi ẩn giấu của người viết ký.
 
Tôi đặc biệt chú ý đến ký sự Festival Huế 2000 - lung linh văn hóa truyền thống của Võ Mạnh Lập. Theo tôi, đây là ký sự công phu và đậm chất văn hóa - văn học nhất của anh. Qua đây, người đọc hiểu biết một cách tường tận những vinh dự và khó khăn, phức tạp của những người đảm trách chương trình lễ hội như thế nào để Huế trở thành thành phố Festival quốc tế mà không hổ thẹn với danh hiệu cao đẹp ấy.
 
Đọc toàn bộ tập ký Khoảnh khắc Huế của Võ Mạnh Lập, công bằng mà nói, có những tác phẩm anh chưa thật sự đi đến tận cùng những đặc trưng thể loại như vừa bàn ở trên. Có những bút ký, anh còn kể và đưa vào quá nhiều chi tiết, tuy cần thiết, nhưng nhiều lúc làm loãng vấn đề, làm cho toàn bài thiếu sự hàm ẩn vẫy gọi để người đọc đồng sáng tạo. Nhưng với thành quả đạt được qua Khoảnh khắc Huế, Võ Mạnh Lập đã tạo được sự đồng cảm trong người đọc. Và mọi người hy vọng nhiều vào những tác phẩm ký mới giàu phẩm chất văn hóa - văn học của anh trong tương lai.
Hồ Thế Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top