ClockThứ Bảy, 23/03/2019 12:32
NHÀ THƠ VÕ QUÊ - CHỦ NHIỆM CLB CA HUẾ THÍNH PHÒNG:

Khởi đầu từ sức trẻ

TTH - Cùng với tác phẩm của 18 nhà thơ Việt, ca Huế vừa có chuyến “xuất ngoại” trong khuôn khổ dự án “Những chiếc lồng đèn treo vào ngọn gió” do một trường đại học của Mỹ cùng nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai sản xuất. Chương trình phát sóng đầu năm 2019, trên nhiều đài phát thanh các trường đại học ở Hoa Kỳ.

Vun đắp tình yêu với ca Huế cho thế hệ trẻNghệ sĩ ca Huế giao lưu cùng học sinhGiữ mạch cho Ca Huế

Nhà thơ Võ Quê. Ảnh: PHAN THÀNH  

 

Nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm CLB Ca Huế thính phòng tiết lộ, mùa thu năm 2018, ông được nhà văn Quế Mai đặt vấn đề sẽ giới thiệu ca Huế ở Mỹ trong một dự án nhằm quảng bá văn hóa Việt ra thế giới. Và ông đã giới thiệu hai giọng ca “thuần Huế” là nghệ sĩ Dạ Lê với làn điệu Tương tư khúc “Cành bưởi trắng” (lời Võ Quê); nghệ sĩ Kim Liên với làn điệu Nam xuân và nghệ sĩ Hồng Lê độc tấu đàn bầu làn điệu Tứ đại cảnh. 

Nhiều năm gắn bó với ca Huế, ông có thể nói gì về sự kiện văn hóa này?

Cùng một số tác phẩm dân ca ba miền của Việt Nam, chương trình quy tụ nhiều nhà thơ Việt, như Tuyết Nga, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Giang Nam, Nguyễn Quang Thiều, Ly Hoàng Ly... Chương trình được phát trên nhiều đài phát thanh ở Mỹ nên đây là cơ hội quý để thế giới có dịp  biết nhiều hơn về ca Huế. 

Và được biết, đây không phải là lần đầu ca Huế “xuất ngoại”?

Năm 1970, nghệ sĩ Trần Kích lần đầu tiên biểu diễn ca Huế ở Nhật Bản cùng đoàn Ba Vũ. Câu lạc bộ Ca Huế thuộc Trung tâm Văn hóa Huế do tôi làm chủ nhiệm cũng đã biểu diễn tại Mỹ (năm 1995), tại Hồng Kông (năm 1996), tại Đài Loan (năm 1998), tại Hàn Quốc (năm 2007).

Từ năm 1995 trở về sau, Câu lạc bộ Nhã nhạc Phú Xuân do nghệ sĩ Trần Thảo làm chủ nhiệm cũng đã biểu diễn tại Pháp, Luxembourg, Bỉ, Hà Lan. Gần đây hơn, tháng 7/2017, tôi cũng đã có dịp giới thiệu ca Huế tại Đại học  Massachusett (Mỹ). 

Có dịp đưa ca Huế đi xa, tôi cảm thấy hãnh diện khi có những người yêu ca Huế như nhà thơ, GS. Fred Marchant (Viện William Joiner - Mỹ). Ông yêu ca Huế đến mức trong phòng ngủ luôn có sẵn những bản ca Huế mà ông có được sau những lần đến Huế.

Vậy ở Huế - nơi ca Huế được sinh ra - bộ môn nghệ thuật này đang được tiếp nhận như thế nào?

Đầu năm nay, từ sự tài trợ của Sở Văn hóa Thể thao và Trung tâm Quản lý - Biểu diễn Ca Huế, cuốn “Tài hoa & khổ luyện” về sự nghiệp của các nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế được ấn hành. Sách in xong, tôi đến tận nhà tặng cho các nghệ nhân, nghệ sĩ. Nhận sách, nhiều người rất mừng. Họ tưởng mình đã bị lãng quên...

Cũng như ca Huế, một nỗi lo là làm sao để những giá trị văn hóa truyền thống không bị lãng quên?

Trình diễn ca Huế tại Đại Nội. Nguồn: KHÔNG GIAN CA HUẾ THÍNH PHÒNG​

Cách đây nhiều năm, khi nghệ sĩ Nguyễn Kế qua đời, nhiều người thảng thốt, là sau Nguyễn Kế, tỳ bà là ai? Nhưng nhìn đến nay, đội ngũ ca Huế đang có gần 500 thành viên được Sở Văn hóa Thể thao cấp thẻ biểu diễn. Có thế hệ tiếp nối tâm huyết để giữ lửa tại thính phòng nghệ thuật ca Huế, như Quỳnh Hoa, Hồng Lê, Hồng Thanh, Lệ Hoa, Quỳnh Nga, Thu Hằng, Hiền Lương, Quốc Tuấn... Lại có cả những gia đình ca Huế nhiều thế hệ như gia đình nghệ sĩ Đình Hưng, Văn Việt, Kim Quy... Có cả thế hệ rất trẻ, như Hương Thủy, Lê Minh Vũ, Phan Duy Khánh, Như Quỳnh, Ánh Hồng, Ánh Tuyết... Có em đang là sinh viên, thậm chí có em mới học lớp 4.

Trong nhiều diễn đàn về ca Huế, có vẻ như ông đang gửi gắm nhiều niềm tin, kỳ vọng vào thế hệ trẻ?

Theo tôi, mọi sự đều khởi nguồn từ sức trẻ. Vấn đề là chúng ta giúp giới trẻ tiếp cận như thế nào. Người xưa có câu “vô tri bất mộ”. Một khi đã biết, đã thấyđược cái sự “thơm” rồi thì ca Huế sẽ “hữu xạ tự nhiên hương”.

Để giúp lớp trẻ tiếp cận ca Huế, ông đang cùng các nghệ sĩ ở CLB Ca Huế của mình đưa ca Huế vòng quanh trường học?

Đến nay, chúng tôi đã phối hợp tổ chức được một số chương trình giao lưu giữa các nghệ sĩ ca Huế với học sinh. Thực tế là hiện nay, việc đưa ca Huế vào trường học chưa sâu, chưa thường xuyên. Chương trình sách giáo khoa môn ngữ văn lớp 7 có giới thiệu bài “Ca Huế trên sông Hương” của Hà Ánh Minh. Đây là cơ sở để đội ngũ giáo viên, lãnh đạo từng nhà trường có kế hoạch để học sinh được nắm bắt thực tế. Bằng cách được xem, được nghe các nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp, đó là một kênh để các em được cảm thụ. Phải quảng bá, giới thiệu, để ca Huế được lớp trẻ tiếp cận.

Phải lòng ca Huế, nhiều năm cùng diễn ca Huế, rồi làm “ông bầu” ca Huế, ông có thể chia sẻ những ấp ủ, trăn trở?

Sinh thời, nghệ sĩ Thanh Tùng từng có một mong ước đưa lời ca Huế lên hàng văn thể. Đó cũng là mong muốn của nhiều điệu nghệ trong việc cố gắng đưa ca Huế lên hàng văn thể.

Đáng mừng là, giới trẻ hiện nay đã dần đến với nghệ thuật ca Huế (ở Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật, ở Học viện Âm nhạc Huế hay tìm đến các nghệ nhân tên tuổi); một số sinh viên, giảng viên chọn ca Huế làm đề tài tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ; số lượng hàng trăm diễn viên, phần lớn rất trẻ, đang đêm đêm biểu diễn ca Huế ở các nhà hàng, khách sạn, trên sông Hương... cho thấy hồn ca Huế đã tạo nên một dòng chảy bền bỉ.

Rất nhiều những người yêu, trân quý ca Huế như chúng tôi đang gom góp từng ngày, từ việc lưu giữ tư liệu; gầy dựng thế hệ kế cận; đào tạo khán giả... để tiếp tục giữ mạch, với mong ước, một ngày nào đó, bộ môn nghệ thuật ca Huế sẽ được thế giới vinh danh.

Để dòng chảy ca Huế không nghẽn, ngoài sự trao truyền, tiếp nối, cần phải tiếp cận cái mới, trong tổ chức biểu diễn, truyền thông, bảo tồn...

Với hướng đi hiện nay, phải chăng CLB Ca Huế thính phòng do ông làm chủ nhiệm đang tìm hướng đi mới, là bảo tồn, lan tỏa ca Huế với việc tiếp nhận một cách chọn lọc, sáng tạo tinh hoa bên ngoài?

Ý tưởng hình thành CLB Ca Huế thính phòng trong lòng Bảo tàng Văn hóa Huế với hướng đi của một bảo tàng sống là kinh nghiệm đã được đúc rút từ một mô hình ở Hàn Quốc. Với hướng đi như hiện nay, kết hợp trưng bày, biểu diễn, tạo môi trường thực hành cho sinh viên..., CLB đã đạt được một số kết quả trong hướng đi mới về bảo tồn, quảng bá, đào tạo... Nhiều người nói, tôi đã thành công. Nhưng tôi chỉ thực sự thành công khi tôi rời đi mà CLB vẫn tồn tại, phát triển.

Điều đó có nghĩa, quan trọng là sự kế thừa. Và tôi luôn tin vào lớp trẻ. Tôi tin thế hệ sau sẽ làm tốt hơn những gì chúng tôi đã làm được. Đó là tương lai của ca Huế, đang được tiếp tục ấp ủ, nhen nhóm, vun trồng.

KIM OANH (thực hiện)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghệ nhân ưu tú Kim Vàng, sáng đẹp mãi lời ca

Ở độ tuổi 75, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Kim Vàng, hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca Huế vẫn luôn tất bật với những công việc liên quan đến nghệ thuật Ca Huế, Ca kịch Huế.

Nghệ nhân ưu tú Kim Vàng, sáng đẹp mãi lời ca
Hội thơ xứ Huế - những hoa trái ngọt lành

Thành lập từ năm 2018 với tiền thân là câu lạc bộ (CLB) Thơ Facebook xứ Huế, sau 5 năm phát triển và hoạt động tích cực, Hội thơ xứ Huế đã đạt được những cột mốc đáng nhớ trong sự phát triển chung của văn hóa, nghệ thuật tỉnh nhà.

Hội thơ xứ Huế - những hoa trái ngọt lành
Họ “đã hóa thành những làn mây trắng”

“Khoảng trời, hố bom” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Biết bao nhiêu năm trôi qua, tiếng súng, tiếng bom đã tắt, nhưng hồi ức về cuộc chiến vẫn day dứt trong trái tim thi sĩ. Giờ đây, khi bà đã đi xa, câu chuyện về những ngày tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ vẫn được gửi gắm cho hậu thế qua những vần thơ của bà.

Họ “đã hóa thành những làn mây trắng”

TIN MỚI

Return to top