ClockThứ Sáu, 04/08/2023 16:39

Họ “đã hóa thành những làn mây trắng”

TTH - “Khoảng trời, hố bom” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Biết bao nhiêu năm trôi qua, tiếng súng, tiếng bom đã tắt, nhưng hồi ức về cuộc chiến vẫn day dứt trong trái tim thi sĩ. Giờ đây, khi bà đã đi xa, câu chuyện về những ngày tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ vẫn được gửi gắm cho hậu thế qua những vần thơ của bà.
leftcenterrightdel
"Khoảng trời, hố bom" kể về câu chuyện của những cô gái mở đường hy sinh vì độc lập của dân tộc. Ảnh: Tư liệu 

Năm 1972, có những ngày nhà thơ đi dọc đường Trường Sơn và thảng thốt khi nhìn thấy những hố bom sâu hoắm. Nhà thơ gặp trên đường một nữ thanh niên xung phong đã lớn tuổi, hỏi sao chưa phục viên và bất ngờ nghe được một bi kịch chiến tranh. Nữ thanh niên xung phong kể rằng, cô đã từng phục viên, thế nhưng khi về đến ngôi nhà yêu dấu, cô không thể nào tin vào mắt mình bởi tất cả đã biến mất, thay vào đó là một hố bom sâu hun hút đến lạnh người. Trên miệng hố bom lúc bấy giờ vẫn còn những mảnh vỡ chén bát, nằm bất động như nỗi đau mất mát giờ cũng đang cô đặc lại đến bất động. Một quả bom tấn tàn bạo đã rơi xuống mái tranh nghèo ngay trong bữa cơm gia đình của cô nơi thôn vắng. Tất cả những gì thân yêu nhất, máu thịt nhất đã bị kẻ thù xóa sạch, nỗi đau cùng cực khiến cô không chịu nổi và quyết định khoác ba lô trở lại chiến trường.

Những chuyến đi dọc Trường Sơn ngày ấy còn cho nhà thơ biết thêm nhiều chuyện về những nữ thanh niên xung phong. Đã có nhiều khi trong đêm tối, họ cầm đuốc nghi binh đánh lạc hướng bom thù tránh xa cung đường huyết mạch. Ngọn đuốc họ đi đến đâu, bom thù rơi theo xuống đó, và nhiều khi bom đạn đã chôn vùi tuổi thanh xuân của họ trong im lặng đất đai. Nhà thơ đã đi qua nơi ấy, và khi trở lại thì không còn gặp họ nữa, không biết họ đã đi đâu, bảo vệ những cung đường nào nữa và trong số họ, ai còn ai mất. Sinh thời, nhà thơ từng kể: “Đã có biết bao nhiêu người lính cảm tử, tự mình thắp lên ngọn đuốc, đánh lạc hướng máy bay địch, kéo luồng bom về phía mình để cứu con đường khỏi bị thương. Tôi nhìn xuống hố bom, nước đọng lại khoảng trời trong ngắt. Một cánh chim bay qua. Tôi thấy cả mặt trời cũng dừng lại nơi này. Tôi thầm hỏi với lòng mình: Những ai đã chết ở đây? Những ai? Những ai?... Tôi nhớ đến những người lính cảm tử, những người nữ thanh niên xung phong mà tôi đã gặp. Biết đâu họ cũng đã biến thành khoảng trời dưới hố bom này? Tôi gọi thầm: Các bạn ơi! Các bạn ở nơi nào? Không có tiếng trả lời, chỉ có khoảng trời vời vợi nhìn tôi... Tôi đã viết một mạch bài thơ "Khoảng trời, hố bom" trong nguồn cảm xúc dâng trào...”

Bài thơ “Khoảng trời, hố bom” sau đó được trao giải nhất báo Văn Nghệ năm 1972-1973. Giải thưởng đã đánh dấu bước trưởng thành trên con đường nghệ thuật của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Bài thơ có những câu đến giờ ai cũng thuộc: “Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên trong đất/ Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng/ Những vì sao ngời chói lung linh/ Có phải thịt da em mềm mại trắng trong/ Đã hóa thành những làn mây trắng/ Và ban ngày khoảng trời ngập nắng/ Đi qua khoảng trời em vầng dương thao thức/ Hỡi mặt trời hay chính trái tim em trong ngực.../ Soi cho tôi.../ Cái chết em xanh khoảng trời con gái/ Tôi soi mình trong cuộc sống của em...”

Năm 2000, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sang Mỹ và đọc thơ cho những người bạn Mỹ nghe. Nhiều người Mỹ đã hết sức xúc động khi nghe nhà thơ đọc bài thơ “Khoảng trời, hố bom” và bài “Khuôn mặt ẩn kín” viết ở Lệ Thủy vào tháng 1 năm 1975, gửi những người lính Mỹ bị điều động sang cuộc chiến ở Việt Nam và đã chết ở Việt Nam. Trong chiến tranh, một lính Mỹ kể rằng, anh ta và những người bạn đã ngay lập tức nhận ra mình bị lừa khi được đưa sang Việt Nam, đất nước mà ở đó, cây trái xanh tươi bốn mùa và con người luôn mong cầu cuộc sống bình yên, thân thiện. Anh ta có cảm giác mình là một con nai bị những lời ngon ngọt của chính quyền Mỹ lừa dối. Khi sang Việt Nam, trong mắt người Việt Nam, anh ta là một con chó sói. Sẽ có những viên đạn bắn anh ta, nhưng hãy hiểu cho, trái tim anh ta là một trái tim nai... Những tình tự hóa thân đầy nhân bản ấy của nhà thơ khiến nhiều người Mỹ không cầm được nước mắt: “Tôi muốn làm con nai nhỏ/ Chạy hoài dưới trời cỏ xanh/...Tôi là con nai quá đỗi ngu đần/ Đã xa đi đồng cỏ tươi xanh/...Rồi có lúc cuối đường tôi gục ngã/ Viên đạn ai găm khuôn ngực máu đầy/ Xin hãy giở dưới lần da chó sói/ Trái tim nai thắm đỏ, thơ ngây!”... (Khuôn mặt ẩn kín)

Sau này, viết tiếp về mạch chủ đề chiến tranh, nhà thơ đã dừng lại với lòng buốt nhói trước bức tường đen đặt tại Washington D.C. Ở đó, khắc tên hơn 58 ngàn lính Mỹ tử trận trong cuộc chiến ở Việt Nam. Những câu thơ của bài thơ “Bức tường đen” (viết khi sang Mỹ vào năm 2000) như những giọt nước mắt những người mẹ rơi xuống: “Tôi đã nhập thân vào người mẹ ấy/ Người mẹ khóc con suốt mấy mươi năm/ Giọt nước mắt héo khô nhưng không bao giờ cũ... Mỗi mùa xuân/ Bà mang hoa đến tặng con mình/ Bàn tay từng ngón/ Sờ vào tên con/ Người con trai 19 tuổi...”. Đọc đến cuối bài thơ này, dường như ai cũng muốn kêu lên cùng nhà thơ một tiếng cho lao vút lên tầng không cao rộng kia một “nỗi đau nặng như quả đất”, cho dù lúc này tiếng kêu đã khản đặc, đã lạc giọng: “Hãy nhìn xem/ Những tên người đang chảy máu/ Hãy nhìn xem/ Bức tường đen như một vết thương/ Nằm im lặng giữa lòng nước Mỹ/ Nhức nhối/ không bao giờ thành sẹo!”

Khánh Chu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top