|
Hội Thơ xứ Huế là sân chơi lan tỏa phong trào sáng tác thơ trong cộng đồng yêu văn học, nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế |
Một chặng đường
Cùng với sự phát triển và lan tỏa của mạng xã hội Facebook, phong trào thơ ca quần chúng trên internet cũng phát triển mạnh mẽ và ngày càng rộng khắp cả nước. Tháng 5/2018, một số người yêu thơ ở thành phố Huế đã quy tụ thành lập CLB Thơ Facebook xứ Huế. Đến tháng 3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định số 513/QĐ-UBND cho phép thành lập Hội thơ xứ Huế. Từ đó đến nay, Hội thơ xứ Huế đã đi vào hoạt động nề nếp, ổn định.
Sau 5 năm hoạt động, Hội Thơ đã biên tập, xuất bản 5 tuyển tập thơ in chung của nhiều tác giả theo từng chủ đề nhằm tôn vinh, quảng bá hình ảnh cuộc sống, con người, di tích lịch sử, du lịch, danh lam thắng cảnh của quê hương đất nước nói chung và Huế nói riêng. Những tập thơ như “Sắc màu Huế thương”, “Bến bờ yêu thương”, “Đẹp mãi tình quê”, “Dòng chảy thời gian” đều có trên 100 tác giả tham gia, với nhiều bài thơ đem lại ấn tượng, nhiều cảm xúc với bạn đọc.
Năm 2022, hưởng ứng “Tuần lễ Festival Huế 2022” với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Hội thơ Xứ Huế đã liên kết với Hội Người Yêu thơ Việt đồng tổ chức sự kiện “Liên hoan thơ ca 3 miền” tại Huế, quy tụ hơn 140 nhà thơ, nghệ sĩ của hơn 40 Hội thơ, CLB thơ đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước về Vỹ Dạ - Huế; tổ chức du thuyền giao lưu thơ ca trên sông Hương, liên hoan thơ ca với nhiều hình thức như ca thơ, diễn ngâm thơ, múa thơ… với các tiết mục đặc sắc của các vùng miền. Dịp đó, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nhận xét: “Đây có lẽ là một hoạt động thơ lớn nhất ở Vỹ Dạ từ sau các sinh hoạt của Thi xã Vỹ Hương của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị những năm đầu thế kỷ XX”.
Nền tảng trên internet cũng được Hội Thơ xứ Huế tận dụng trong các hoạt động giao lưu, sáng tác, xướng họa thơ. Nhà thơ Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch Hội thơ xứ Huế cho biết, kể từ năm 2021, Hội đã tổ chức hoạt động giao lưu, sáng tác, xướng họa thơ trên Trang thơ vào những dịp có sự kiện nổi bật với các chủ đề: “Tình thơ Nguyên tiêu” (Rằm tháng Giêng), “Tháng ba yêu thương” (Ngày Quốc tế Phụ nữ), “Mừng ngày đất nước thống nhất” (30/4), “Tri ân thầy cô giáo” (20/11), “Khúc ca người chiến sĩ” (22/12), “Mừng Đảng mừng xuân” (Tết Nguyên đán)… những lần giao lưu có khoảng 80 bài đến 150 bài thơ với nhiều thể loại thơ, nội dung đa dạng, phong phú. Những tác phẩm của các tác giả đã nhận được hàng nghìn lượt tương tác trên nền tảng mạng xã hội. Hoạt động này đã được các thi hữu, những người yêu thơ và các Hội thơ, CLB Thơ bạn nhiệt tình hưởng ứng, đánh giá cao; hiện vẫn được tiếp tục thực hiện theo Chương trình hoạt động hàng năm của Hội.
Không chỉ về thơ, Hội Thơ xứ Huế cũng tích cực thực hiện các hoạt động xã hội, hoạt động thiện nguyện mang lại sự lan tỏa về tinh thần “lá lành đùm lá rách” trong cộng đồng. “Tôi nhớ nhất là đợt bão lũ năm 2020, Hội thơ đã kết nối với CLB Thi ca Đất Tổ và CLB Thơ Việt Nam tỉnh Phú Thọ để gây quỹ số tiền 50 triệu đồng và nhiều áo quần, thuốc men… để trao tặng cho các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, thiệt hại sau bão lụt tại một số trường học trên địa bàn tỉnh”, nhà thơ Nguyễn Văn Ngọc kể.
Ngọt lành
Với những hoạt động tích cực trong thời gian qua, Hội thơ Xứ Huế đã được Hội Người yêu thơ Việt tặng 3 bằng khen: “Đã có nhiều đóng góp cho phát triển của CLB Thơ Facebook Việt Nam”, “Đã có nhiều đóng góp cho phong trào thơ ca Facebook”, “Đã có hoạt động tích cực trong tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19”. Bên cạnh đó, nhiều hội viên của Hội đã phát huy năng lực, đạt được nhiều thành tích nổi bật và được các cấp khen thưởng.
Ông Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhận xét: “Bên cạnh các CLB thơ ở các huyện, thành phố Huế đã xuất hiện nhiều năm trước đây, Hội Thơ xứ Huế đã hình thành và phát triển mạnh mẽ là điều đáng ghi nhận cho phong trào thực hành thi ca ở Thừa Thiên Huế. Ở đây, cần ghi nhận tinh thần xã hội hóa hoạt động thi ca của những người yêu thơ. Về các tác phẩm thơ của Hội Thơ xứ Huế, nếu ở tập thơ đầu tiên, bên cạnh những dòng thơ tươi mát, dễ nhận ra những vụng về…, thì các tập thơ về sau, họ đã biết cất giấu những vụng về để khoe những trái quả ngọt lành. Thơ của họ là những lời thủ thỉ dưới bóng mát cây vườn Huế, không muốn phô trương, không hề ồn ã...; nhưng cái sự yên bình khuất vắng ấy, lại đôi khi có thi tứ bất ngờ và đầy cảm xúc chân thật. Hội Thơ xứ Huế cũng như các CLB thơ đang có những hội viên tiềm năng sinh hoạt, chúng tôi đang đề nghị Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế theo dõi để từ đó, kết nạp thêm những cây bút xứng đáng vào Hội…”.