ClockThứ Ba, 27/09/2016 13:46
VAY TIỀN KHÔNG THẾ CHẤP: NGỌT NGÀO VÀ CAY ĐẮNG

Kỳ 2: “Muốn nhanh… phải từ từ”

TTH - Đó là câu “cửa miệng” mỗi khi ai đó cần giải quyết gấp một việc gì nhưng người có thẩm quyền phải cân nhắc kỹ trước khi đi đến quyết định. Điều này rất đúng trong bối cảnh vay tiền tiêu dùng không cần thế chấp hiện nay.

Kỳ 1: Ra ngõ gặp… “ngân hàng”

Coi chừng “bẫy” tín dụng

Anh Phạm Văn H. ở phường Phước Vĩnh, TP.Huế đang cần một khoản tiền để giải quyết công chuyện gia đình. Tình cờ, thấy tờ rơi dán ngay cột điện gần nhà ghi thông tin: chỉ cần chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu phô-tô công chứng, hợp đồng lao động và bảng lương là có thể vay được 30 triệu đồng, với lãi suất 2,5%/tháng, anh H. quyết định vay. Tuy nhiên, khi trả được 3 tháng, anh H. nghĩ rằng khoản nợ gốc giảm thì tiền lãi giảm xuống, nhưng lãi suất vẫn tính theo số tiền gốc là 30 triệu đồng.

Các ngân hàng thương mại vẫn là địa chỉ truyền thống mỗi khi người tiêu dùng có nhu cầu

Chị Nguyễn Thị Nh. ở Thành Nội mua 1 tủ lạnh bằng hình thức trả góp trong 6 tháng, lãi suất 4,5%/tháng, với thủ tục đơn giản. Đến tháng thứ 5, chị gom góp tiền trả “đúp” tháng cuối cùng và nghĩ mình đã hết nợ. Nhưng khi tất toán, nhân viên tín dụng khăng khăng chưa đủ tiền gốc và lãi. Đọc kỹ lại hợp đồng, chị mới “tá hỏa”: trả trước cũng phải chịu lãi suất như cam kết trong hợp đồng và phát sinh thêm bảo hiểm khoản vay, phí thu tiền…

Anh H. và chị Nh. chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp vay tiêu dùng không cần thế chấp tài sản rơi vào tình cảnh “ngậm bồ hòn làm ngọt”... Theo tìm hiểu của người viết, sở dĩ có tình trạng trên, đó là bên cho vay không cung cấp đầy đủ thông tin về lãi suất, số tiền trả hằng tháng, tiền phạt nếu chậm trả hoặc cung cấp thông tin sai lệch cho người tiêu dùng. Trong khi người vay lại không đọc kỹ hợp đồng.

Khi mời chào khách hàng, nhân viên tín dụng luôn dùng những lời “có cánh”: Nào là lãi suất thấp, nhiều ưu đãi, lịch thanh toán dài hạn… để lôi kéo người tham gia vay mua các sản phẩm tiêu dùng như xe máy, tủ lạnh, tivi, điện thoại.... Trong hợp đồng vay vốn luôn có những điều khoản tưởng như có lợi cho bên vay, nhưng thực tế lại có một số ràng buộc đẩy lãi suất lên rất cao. Các công ty tài chính (CTTC) có đủ cách để lách luật nhằm lừa người tiêu dùng lọt vào “bẫy” tín dụng. Thủ thuật thường dùng nhất là bố trí các điều khoản lắt léo trong hợp đồng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam là thị trường mới nổi và có tiềm năng lớn về tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường mà pháp lý chưa hoàn thiện, bản thân người tiêu dùng cũng chưa nhận thức đúng về quyền lợi của mình nên dễ sa vào “bẫy” của các CTTC.

Hãy là người tiêu dùng thông minh!

Tại hội thảo “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng diễn ra cuối tháng 7/2016 do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) tổ chức, TS. Phan Thế Công (Khoa Kinh tế & Luật, Đại học Thương mại Hà Nội) nêu rõ: Thực trạng chung hiện nay ở Việt Nam, lãi suất mà các CTTC áp dụng trong các hợp đồng tín dụng tiêu dùng là quá cao. Những vụ kiện giữa các CTTC và khách hàng xung quanh vấn đề này diễn ra khá phổ biến, song chưa có giải pháp để khắc phục, ngăn ngừa. Bởi hiện nay, pháp luật chưa có quy định riêng cho vay tiêu dùng (CVTD). Điều kiện CVTD đang dựa vào quy định chung tại Luật Tổ chức tín dụng (TCTD). Trong khi đó, tại Luật TCTD, các phần liên quan tới giới hạn, hạn mức, thủ tục cho vay đối với các ngân hàng, CTTC đã quá lạc hậu đối với loại hình cho vay này.

Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng Dự thảo về hoạt động tiêu dùng cho các CTTC. Theo đó, yêu cầu các TCTD phải thành lập CTTC nếu muốn cho CVTD, đồng thời đáp ứng được các quy định để đảm bảo tính xác định lãi suất, tính minh bạch CVTD. Tuy nhiên, đến nay, thông tư này chưa được thông qua. Theo quy định lãi suất trần CVTD là 20% mỗi năm.

Ở Thừa Thiên Huế, lãi suất CVTD không cần thế chấp luôn ở mức 20-30%/năm. Đó là chưa kể các CTTC còn “rào đón” trong hợp đồng bằng nhiều khoản phí, khoản phạt (như lãi suất quá hạn, phạt đóng lãi suất trễ hạn…) để lách các quy định về giới hạn trần lãi suất của pháp luật (20%/năm), đẩy lãi suất lên cao hơn nữa. Chính điều đó khiến nhiều người tiêu dùng “lỡ” vay rơi vào “tiến thoái lưỡng nan”.

Th.s, LG Hoàng Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia Thừa Thiên Huế, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Thuận Hóa cho biết: Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực ngày 1/1/2017) quy định lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Nếu lãi suất vượt quá giới hạn quy định thì mức lãi suất không có hiệu lực.

Cũng theo Luật gia Hoàng Ngọc Thanh, Khoản 1, 2 Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 nêu rõ: Người nào cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự thì tùy mức thu lợi bất chính, mức độ vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc có thể phạt tù 3 năm.

Tuy nhiên, để chứng minh được như các điều khoản của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Dân sự là cả một câu chuyện dài. Vì vậy, khách hàng hãy là người tiêu dùng thông minh trước khi khởi kiện và tự cứu mình bằng cách đọc kỹ hợp đồng tín dụng mỗi khi đặt bút ký vào khế ước CVTD không cần tài sản đảm bảo hay còn gọi là tín chấp.

Ngày 20/9/2016, UBND tỉnh có công văn gửi các ngành liên quan: ngân hàng, công an, công thương… đồng ý chủ trương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh. Trao đổi vấn đề này với các ông: Đỗ Việt Cường, Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Thừa Thiên Huế; Thượng tá Trần Công Thuyên, Phó Trưởng phòng Cảng sát kinh tế (PC46)-Công an tỉnh. Cả hai vị này đều cho biết, khi có quyết định chính thức thành lập, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ phối hợp triển khai chấn chỉnh hoạt động này.

Bạch Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mệt mỏi từ những cuộc gọi mời vay tiền

Bức xúc, khó chịu, đến mệt mỏi, đó là tâm lý chung của nhiều người khi trong thời gian vừa qua liên tục bị những cuộc gọi, tin nhắn cho vay tiền với lãi suất ưu đãi, hấp dẫn làm phiền. Đã từ chối, thậm chí là chặn số, thế nhưng tần suất các cuộc gọi đó lại càng tăng.

Mệt mỏi từ những cuộc gọi mời vay tiền
Ngọt ngào mứt, bánh “nhà làm”

Cùng với bánh chưng xanh, câu đối đỏ, cành mai vàng thì kiểu mứt, bánh “nhà làm” cũng là một trong những lựa chọn của nhiều gia đình, như cách để giữ gìn phong vị của tết cổ truyền.

Ngọt ngào mứt, bánh “nhà làm”
Xuất khẩu lao động trái phép: Lời đường mật cay đắng

Đang học tại một trường đại học thuộc Đại học Huế, sinh viên T. giấu gia đình, tự bỏ học để nghe theo lời dụ dỗ ngon ngọt của các đối tượng xấu, sang Campuchia làm việc với mức thu nhập cao. Tuy nhiên, giấc mơ xuất ngoại tìm kiếm cơ hội việc làm không phải là chuyện dễ, mà nếm trải nhiều cay đắng, tủi nhục.

Xuất khẩu lao động trái phép Lời đường mật cay đắng
Chạm vào ký ức

Mấy ngày nay, tiết trời sao mà ẩm ương. Mưa bất chợt vội đổ ào một lúc rồi ngưng.

Chạm vào ký ức
Dư vị ngọt ngào từ góc bếp

Đó là những ký ức tươi đẹp nhất, là mảnh hồn riêng, là nỗi khát khao được trở về bên bữa cơm quê, bên gia đình yêu dấu.

Dư vị ngọt ngào từ góc bếp
Return to top