ClockThứ Bảy, 27/04/2024 06:55

Bệnh viêm da “trỗi dậy” mùa nắng nóng

TTH - Trời oi bức, số lượng người đến khám các bệnh vì viêm da dị ứng tăng cao ở Bệnh viện Da liễu (BVDL) tỉnh. Đây là các bệnh lý thường gặp do nhiệt độ thời tiết tăng cao, da tăng tiết mồ hôi, khiến các loại vi khuẩn, nấm gây bệnh phát triển.

Nâng cao kỹ năng truyền thông phòng chống bệnh phong-da liễu

 Mùa nắng nóng, bạn trẻ tuổi dậy thì thường gặp các vấn đề về viêm tắc lỗ chân lông, mụn...

Khổ sở

Bên ngoài phòng khám chuyên khoa da liễu tại BVDL khá đông bệnh nhân ngồi chờ, trong đó có những người mới khám lần đầu, có người tái khám theo lịch hẹn. Ông Cao P., 95 tuổi được con gái thuê xe từ Phú Lộc lên BVDL Huế từ sáng sớm chờ đến lượt khám. Cách đây 5 năm ông bị nổi mẩn ngứa khắp người, sau đợt điều trị đã khỏi hẳn nhưng năm nay, bệnh tái phát trở lại. Vùng cổ, tay, chân của ông P. bong vảy, sưng tấy khiến ông rất đau mỗi khi di chuyển. Gia đình đã đưa ông đi khám song dường như có dấu hiệu dị ứng với thuốc thoa. Chị Cao Ph., con gái ông kể: “Ông có nhiều bệnh như tim mạch, suy thận, tháng nào cũng đi viện. Giờ thêm vấn đề về da nên ăn không ngon, ngủ không yên. Thấy cha già mà mang nhiều bệnh, con cái nhìn thương vô cùng!".

Tương tự, mệ Hoàng T.T. 90 tuổi ở xã Quảng Thành được người nhà đưa vào bệnh viện trong tình trạng zona thần kinh. Các đám mụn nước lan rộng ở đùi phải và mông. Thời điểm phát bệnh và sốt, con cái đưa mệ đi khám, mua thuốc bôi nhưng không hết. Về sau, vết thương phồng rộp, có mủ, đau nhức nên phải xin chuyển viện. Do tình trạng zona diễn ra quá 72 giờ không được điều trị đúng cách và có nguy cơ biến chứng nên các bác sĩ (BS) chỉ định điều trị nội trú, dự kiến phải điều trị kéo dài do bệnh diễn biến nặng.

Mùa hè cũng khiến cho các bạn trẻ tuổi dậy thì âu lo về làn da. Nguyễn Thanh Ng. đến từ Hương Thủy cũng chờ đến lấy thuốc sau khám. Da Ng. tiết nhiều dầu nhờn, mặt nổi nhiều mụn nước mẩn đỏ, thậm chí có mủ. Qua thăm khám và xét nghiệm, Ng được chẩn đoán bị viêm da do demodex. Ng. than phiền: “Em không dám đi mô vì ra đường sợ bụi bẩn nhiễm trùng da. Không biết nên dùng loại mỹ phẩm như thế nào cho phù hợp, điều trị ra sao để bệnh giảm nên em quyết định đi khám chuyên khoa chứ không đi spa”. Chẩn đoán đúng bệnh, BS dặn Ng. không dùng kem chống nắng và dùng thuốc bôi rồi hai tuần sau tái khám.

Đến cơ sở y tế khi da có dấu hiệu bất thường

Mùa nắng nóng, các bệnh về da xuất hiện nhiều, bệnh mãn tính theo đó cũng trở nên nặng hơn khiến bệnh nhân (BN) ngứa ngáy, khó chịu. Thời điểm này da tăng tiết mồ hôi, thay đổi môi trường là điều kiện cho các loại vi khuẩn, nấm gây bệnh phát triển.

Từ tháng 2 đến nay, lượng bệnh đến khám và điều trị tại BVDL tăng cao hơn so cùng kỳ. Đây là các bệnh lý thường gặp do nhiệt độ thời tiết tăng cao, khí hậu diễn biến thất thường, các véc tơ truyền bệnh phát sinh phát triển mạnh, tập quán sinh hoạt của người dân... là các yếu tố thuận lợi gây bệnh.

Tại Khoa Khám bệnh BVDL, số lượng bệnh ngoài da đến khám tập trung các mặt bệnh: Nấm da, viêm da tiếp xúc, viêm da tiết bã, mụn, rôm sảy, thủy đậu… Thống kê quý I/2024 (tập trung chủ yếu tháng 2 - 3 và đầu tháng 4/2024) cho thấy tỷ lệ các loại bệnh tăng cao: Viêm da tiếp xúc chiếm tỷ lệ 15% trong tổng số đến khám (721 ca), nấm da chiếm tỷ lệ 9,5% (445 ca), mụn trứng cá chiếm tỷ lệ 7,8% (377 ca), viêm da tiết bã chiếm tỷ lệ 6,4% (314), thủy đậu chiếm tỷ lệ 0,8% (39 ca).

Đối với khu vực điều trị nội trú, các bệnh da do nhiễm khuẩn, virus, hóa chất ngày càng tăng dần. Tính riêng các nhóm bệnh thường gặp: Viêm da nhiễm khuẩn chiếm tỷ lệ 19% trong tổng số bệnh nhân nội trú, viêm da tiếp xúc chiếm tỷ lệ 18%, bệnh lý herpes zoster (Zona) chiếm tỷ lệ 13%.

Khi tiết trời oi bức, cơ thể tăng cường các hoạt động thải nhiệt gây tình trạng ẩm ướt tại các vùng như lưng, trán, cổ, kẽ tay, chân và bẹn. Nếu không chú ý vệ sinh, vùng này sẽ ứ đọng gây bít tắc và kết hợp với các tác nhân gây viêm da và nấm da. Đồng thời, việc tiếp xúc nhiều với nắng nóng có thể gây nên sạm da, bỏng nắng, gây lão hóa da sớm cũng là các tình trạng thường gặp khi BN đến khám… BSCKI. Lê Thị Kiều Phương, Phó Trưởng khoa Ngoại - Laze thẩm mỹ, BVDL nói: “Nhiều BN tự điều trị tình trạng ngứa song dẫn tới nhiều tác dụng phụ. Các trường hợp này, chúng tôi tư vấn trực tiếp, đồng thời giới thiệu các bài viết truyền thông của đơn vị trên các kênh mạng xã hội. Chúng tôi đưa ra hướng dẫn cơ bản để BN có thể tự chăm sóc da: Tắm rửa sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh cơ thể, hạn chế tiếp xúc với các chất tẩy rửa mạnh nhằm làm hạn chế tình trạng bệnh nặng, lây lan thêm”.

BSCKI. Nguyễn Đắc Hanh, Giám đốc BV Da liễu Huế lưu ý: “Đa số người dân có thói quen nghĩ bệnh về da đơn giản, tự điều trị nên dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. Đơn cử như bệnh zona thần kinh, chỉ cần sau 72h không được điều trị đúng sẽ gây tổn thương dây thần kinh, biến chứng kéo dài và có thể tái phát từ năm này qua năm khác”.

Nếu được chẩn đoán sớm và sử dụng các loại thuốc chuyên khoa phù hợp, kết quả bệnh sẽ khả quan. Các chuyên gia khuyến cáo, người dân đến ngay cơ sở y tế khi có các dấu hiệu bất thường trên da. Đồng thời, cần phải giữ vệ sinh cho cơ thể, lựa chọn trang phục thoáng mát sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh da liễu thường gặp. 

Bài, ảnh: LINH GIANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động ứng phó cháy, nổ mùa nắng nóng

Nắng nóng đang tiếp tục kéo dài, Bộ Công an, Công an tỉnh phát đi thông báo cảnh báo đến người dân nâng cao ý thức, chủ động các phương án để phòng, ngừa cháy nổ xảy ra.

Chủ động ứng phó cháy, nổ mùa nắng nóng
Bảo vệ cá nuôi mùa nắng nóng

Nắng nóng thời gian qua làm thủy sản nuôi trên sông, đầm phá chết rải rác và có nguy cơ chết hàng loạt nếu không có các biện pháp ứng phó tích cực, hiệu quả.

Bảo vệ cá nuôi mùa nắng nóng
Bảo vệ đàn gia súc, gia cầm mùa nắng nóng

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) tỉnh cho rằng, nắng nóng đang diễn ra gay gắt, có nơi nền nhiệt cao và kéo dài làm gia súc, gia cầm (GSGC) giảm sức đề kháng, có nguy cơ ngã quỵ và phát sinh dịch bệnh.

Bảo vệ đàn gia súc, gia cầm mùa nắng nóng
Return to top