ClockChủ Nhật, 08/08/2021 14:04

Chạm vào ký ức

Dư vị ngọt ngào từ góc bếp

Mấy ngày nay, tiết trời sao mà ẩm ương. Mưa bất chợt vội đổ ào một lúc rồi ngưng. Phố xá trong những ngày giãn cách vì dịch bệnh chẳng còn dáng vẻ vội vàng, tất tả. Như một trò vui đểnh đoảng của đất trời, mặt trời cứ lơ đãng tỏa sáng cho những giọt mưa đùa giỡn cùng cây cỏ. Mưa trút xuống mặt đường đang nóng rẫy, bùng lên thứ mùi khét cháy làm người ta nhớ thương đồng quê, thèm dầm mình nếm vị ngọt nước mưa vương trên môi như thuở bé.

Chẳng biết tự lúc nào, tôi đã đem lòng yêu thích những cơn mưa như trêu đùa, giễu cợt ấy. Dẫu là mắt kính ướt, tóc ướt... Có ai đó từng bảo, những người thích mưa như thế hẳn là luôn thường trực những cơn bão lòng ẩn sâu, rích rắc. Không muốn, không thể luận định đúng sai, vì mọi thứ có thể đổi thay trong suy nghĩ chỉ bằng một tích tắc. Nhưng quả là khi nhìn mưa, đi dưới mưa, cảm xúc trong tôi cứ xếp xen vào nhau. Có đôi lúc, thấy quá đơn độc giữa cõi tạm mênh mông này. Người ta bảo mưa buồn. Nhưng nếu đã từng cười vui dưới mưa, từng có cái siết ôm ấm áp nào đó bên cửa sổ nghe nhịp mưa tí tách, thì những cơn mưa sau này là lúc người ta cười thầm, gọi tên hạnh phúc.

Có ai như tôi không khi yêu đến cuồng si cái màu nắng sau mưa vàng như mật? Khứu giác cũng trở nên lạ lùng, cứ nghe thoảng đâu đây mùi cỏ ướt, mùi lá đang hong mình dưới nền ẩm. Đôi tai lọc nghe những tiếng tung mình của loài tăng tắc, tiếng chổi sột soạt xua dồn lá kêu lao xao, tiếng ve rả riết như trút trọn sức lực gọi hè. Cảm giác như đi lạc vào một giấc mơ trưa, mỏng manh, vội vã.

Ấu thơ là những ngày em thấy bố dầm mưa dắt thêm mái tranh cho nhà hết dột. Mẹ đỏ mắt với gian bếp nước tạt tứ phía chỉ để có bữa cơm cá khô kho mặn và một bát canh tập tàng. Căn nhà ba gian vách đất, mái tranh màu tro bụi ấy là nơi mấy chị em đã lớn lên. Ở đó có bao nỗi tị hiềm, cãi cọ hơn thua của trẻ nít. Những ấm ức khi một đứa làm sai là cả “đàn” phải cùng chịu đòn. Ngày ấy, chiếc nồi gang nhà mình cứ như chiếc nồi Thạch Sanh, sáng nào cũng còn dư cơm nguội trộn muối vừng, chia cho mấy đứa lót dạ đi học. Bữa sáng của cha mẹ là những miếng khoai để lâu ngày đâm hà đắng, sượng sùng, khô nghẹn. Ngày ấy vô tư chẳng biết, mẹ phải vay thóc ăn đong mùa giáp hạt. Chẳng biết để có được nồi cá đồng kho lá nghệ thơm ngan ngát buổi trưa, bố đã phải rong ruổi khắp đồng từ lúc 3 giờ sáng…

Cuộc sống giờ đây đã thay đổi rất nhiều, song bố vẫn để giếng khơi đã có từ nhiều năm trước. Từng gầu nước mát lạnh gội sạch bụi đường, làm tươi mát tâm hồn bấy lâu rời rã gồng mình nơi phố thị. Vườn rau sạch mẹ trồng là mồng tơi, dền cơm, đủ loại rau thơm, những dây bầu sai quả rợp một góc sân khiến em khi chạm mắt thấy lại được là trẻ nhỏ. Bữa tối ngồi trước hiên nhà có miếng cơm cháy chấm muối vừng giòn rụm. Nhìn tôi ăn ngon lành, mẹ cười bảo: “con bé này ngày xưa hay bị đòn nhất, nào là vì ham chơi để trâu ăn lúa, nào trốn ngủ trưa dang nắng bắt cua, những lần thút thít khóc khi bố bắt úp mặt vào tường vì điểm kém… Có còn nhớ hay quên?”.

Ai cũng có một tuổi thơ đáng nhớ. Ai cũng có một tình yêu gia đình lớn lao được cất trong tim. Để những phút giây mệt mỏi tưởng như sẽ quỵ ngã, người ta mới lật giở tìm về. Cuộc sống mỗi ngày cứ chuyển xoay như cơn lốc, nhưng quá khứ thì luôn ở đó, giàu có và ngọt ngào. Chạm vào mỗi khoảnh khắc của miền ký ức ấy, tôi thấy mình bình an!

MAI ĐÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top