ClockThứ Sáu, 16/02/2018 13:02

Năm 2018 sẽ có chế tài “mạnh tay” với người đi bộ

Năm 2017, những kế hoạch và chỉ đạo sát thực tiễn, dứt điểm và quyết liệt đối với đối tượng là thanh thiếu niên giúp tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả 3 tiêu chí, đây cũng là mức giảm sâu nhất kể trong 5 năm qua. Sang năm 2018, Luật hình sự mới quy định chế tài xử lý phạt tù đối với người đi bộ vi phạm trật tự an toàn giao thông. PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ảnh) - xung quanh vấn đề này.

TNGT giảm sâu nhất trong 5 năm

Lời đầu tiên xin chúc mừng năm mới An khang, Thịnh vượng tới ông và gia đình, hi vọng trong năm mới 2018 hoạt động giao thông luôn thông suốt và an toàn.Thưa ông, năm 2017 tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, vậy đâu là những nguyên nhân giúp kéo giảm TNGT?

Năm 2017, toàn quốc xảy ra 20.080 vụ TNGT, so với năm 2016 TNGT giảm cả 3 tiêu chí là số vụ, số người chết và số người bị thương. Tính từ năm 2012 đến nay, 2017 là năm số người tử vong về TNGT giảm sâu nhất.

Trong năm qua, những kế hoạch và chỉ đạo sát với thực tiễn, dứt điểm và quyết liệt hơn với đối tượng là thanh thiếu niên. Công tác tuyên truyền đem lại hiệu quả trực tiếp đến các đối tượng là thanh thiếu niên khi tham gia giao thông.

Việc xây dựng môi trường giao thông, trong đó có bảo trì, bảo đảm điều kiện về an toàn giao thông (ATGT) là hệ thống kết cấu hạ tầng ở các lĩnh vực giao thông. Trong bảo trì đường bộ, ưu tiên sử dụng quỹ bảo trì để tổ chức giao thông và đảm bảo ATGT, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn ATGT.

Tái cơ cấu vận tải làm tốt, đẩy mạnh phát triển vận tải ven biển, đưa vận tải hàng hoá đường bộ xuống đường ven biển, giúp giảm áp lực vận tải đường bộ. Cùng đó, trong lĩnh vực hàng không đã nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, thu hút hoạt động đi lại bằng đường hàng không nhiều.

Trong năm 2017, lực lượng cảnh sát giao thông đã có nhiều chuyên đề đảm bảo trật tự ATGT rất hiệu quả.

Năm 2018, phương hướng, mục tiêu đảm bảo trật tự ATGT như thế nào, thưa ông?

Ủy ban An toàn giao thông lựa chọn chủ đề Năm an toàn giao thông 2018 là “An toàn giao thông cho trẻ em” với mục đích, yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể. Nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên.

Năm 2018 sẽ tiếp tục mục tiêu giảm TNGT từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương; giảm tỷ lệ thương, vong do TNGT đối với trẻ em 10% so với năm 2017. Tiếp tục kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.

Phạt tù với người đi bộ vi phạm ATGT

Luật hình sự mới quy định từ ngày 1/1/2018 sẽ phạt tù đối với người đi bộ vi phạm trật tự ATGT, đây có phải là giải pháp kiên quyết nhất từ trước tới nay đối với người đi bộ không, thưa ông?

Thực ra trong Bộ Luật hình sự đã có quy định từ rất lâu, theo đó tất cả các hành vi vi phạm giao thông dẫn tới hậu quả nghiêm trọng (tức là khiến 1 người chết hoặc 3 người bị thương trở lên) thì người là nguyên nhân gây TNGT sẽ bị khởi tố.

Luật hình sự mới đưa chế tài xử lý hình sự đối với người đi bộ vi phạm giao thông, nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự

Luật hình sự mới đưa chế tài xử lý hình sự đối với người đi bộ vi phạm giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, hành vi rải đinh đe dọa ATGT... đều bị xử lý hình sự.

Ông có cho rằng, phạt tù đối với người đi bộ là quá nặng?

Đây là quy định mới và tôi cho rằng phù hợp. Tất cả người tham gia giao thông đều bình đẳng trước pháp luật, dù là đi bộ hay đi bằng bất cứ phương tiện gì thì nếu vi phạm giao thông đều phải chịu trách nhiệm và bị xử lý như nhau.

Một con số khá ấn tượng trong báo cáo của TPHCM cho thấy, năm 2017 thành phố này có 61 người chết do TNGT giữa các phương tiện với người đi bộ. Trong đó, có 46 vụ TNGT giữa xe máy và người đi bộ khiến 39 người chết, có 22 vụ TNGT giữa người đi bộ và ô tô khiến 23 người thiệt mạng. Theo phân tích nguyên nhân xảy ra TNGT, người đi bộ qua đường không đúng nơi quy định là nguyên nhân gây ra 38 vụ TNGT, dẫn đến 34 người thiệt mạng.

Nhiều ý kiến của nhiều người cho rằng hạ tầng giao thông dành cho người đi bộ còn thiếu và còn yếu, ông nghĩ sao về điều này?

Phải khẳng định rằng, môi trường, hạ tầng giao thông dành cho người đi bộ ở các đô thị Việt Nam hiện nay quá hạn chế. Trong khi đó, điều quan trọng nhất cũng phải thừa nhận là chưa ai quan tâm tới việc hướng dẫn người đi bộ tham gia giao thông sao cho đúng. Việc hướng dẫn này hạn chế từ Ủy ban ATGT Quốc gia, các Bộ ngành, đặc biệt là các trường học...

So sánh giữa Việt Nam và thế giới thì sao thưa ông?

Trên thế giới, quy tắc là người đi bộ và phương tiện đi ngược chiều. Đơn cử ở đất nước an toàn nhất như Đức cũng không phải chỗ nào cũng có dải phân cách dành cho người đi bộ, thậm chí ở nhiều nơi không có vỉa hè, không có làn đường dành riêng cho người đi bộ thì người đi bộ và các phương tiện thường đi ngược chiều nhau, khi đó người đi bộ sẽ nhìn thấy phương tiện đang di chuyển về phía mình và chủ động điều chỉnh hoạt động đi bộ của mình khi cần thiết.

Còn tại Việt Nam, người đi bộ và phương tiện đi cùng chiều, trong trường hợp phương tiện muốn báo hiệu cho người đi bộ thì chỉ có 1 hình thức duy nhất là bấm còi. Lúc đó, do không chủ động nên có thể người đi bộ sẽ bị giật mình, hoặc có thể người đi bộ đổi hướng di chuyển nguy hiểm hơn...

Về nguyên tắc, tại những nơi không có dải phân cách dành cho người đi bộ thì người đi bộ cần có trách nhiệm quan sát và chỉ qua đường khi thấy đảm bảo an toàn.

Xin cảm ơn ông!

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Có đường… cứ thế là đi

Công viên hay phần đường dành cho người đi bộ được xây dựng phục vụ nhu cầu vui chơi, đi lại của người dân, thế nhưng lại có không ít người vô tư điều khiển xe máy chạy vào, gây nên tình trạng nguy hiểm, mất an toàn giao thông.

Có đường… cứ thế là đi
An toàn cho người đi bộ

Lâu nay dù các ngành chức năng thiết lập nhiều hệ thống báo hiệu trên đường cho người đi bộ, thế nhưng để đi bộ an toàn vẫn còn bất cập trên nhiều tuyến đường.

An toàn cho người đi bộ
Vỉa hè ở phố Tây: Cần hài hòa cho người đi bộ và kinh doanh

Ngoài những ngày cấm xe, phục vụ cho việc dạo bộ, tổ chức các hoạt động giải trí phục vụ người dân và du khách vào ba ngày cuối tuần, những ngày còn lại vỉa hè phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu (phường Phú Hội, TP. Huế) thường xuyên bị hàng quán lấn chiếm. Nhiều đoạn vỉa hè không còn là vỉa hè, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Vỉa hè ở phố Tây Cần hài hòa cho người đi bộ và kinh doanh
Return to top