ClockChủ Nhật, 22/10/2017 13:54

Ngân hàng Nhà nước nên học Fed cách điều hành lãi suất

Ngân hàng Nhà nước thiết lập lãi suất trung tâm cho thị trường ngân hàng, từ đó làm cơ sở cho lãi suất huy động, cho vay hình thành từ cung - cầu thị trường.

Tại cuộc hội thảo Nâng cao hiệu quả kết nối ngân hàng – doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại TP HCM, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng đã đánh giá chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã giúp thị trường tiền tệ ổn định trở lại, tỷ giá không biến động nhiều, lãi suất đã giảm so với trước.

Tuy nhiên, vấn đề là ổn định thị trường tiền tệ lâu dài, không có những cung bậc quá cao hay quá trầm có thể xảy ra gây khó khăn cho hoạt động của nhiều doanh nghiệp...

ngan hang nha nuoc nen hoc fed cach dieu hanh lai suat hinh 1
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên học hỏi cách điều hành lãi suất của Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed). Theo mô hình hoạt động của Fed thì người đứng đầu Fed là Chủ tịch, công việc của Chủ tịch là tập trung hoàn toàn vào việc điều hành nền kinh tế và Fed có các chuyên gia ở mọi lĩnh vực kinh tế trong nước và quốc tế.

Cấu trúc hoạt động của Fed gồm: Hội đồng thống đốc; Ủy ban thị trường; Các Ngân hàng của Fed; Các ngân hàng thành viên. Trong đó, hai cơ quan quan trọng nhất, gồm: Ban Thống đốc của Hệ thống dự trữ liên bang (FRS) và Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC). Chủ tịch Fed sẽ được bầu làm Chủ tịch FRS nhưng không mặc nhiên là Chủ tịch FOMC - cơ quan quyền lực nhất kiểm soát lãi suất cơ bản, công cụ chính trong chính sách tiền tệ của Mỹ.

Với mô hình hoạt động như vậy, Fed điều chỉnh lãi suất mục tiêu qua những quyết định của FOMC họp 8 lần/năm. Ngân hàng thương mại sẽ điều chỉnh lãi suất thương mại xoay quanh lãi suất mục tiêu đó.

Để điều hành lãi suất cơ bản, mỗi ngân hàng thương mại phải báo cáo cho ngân hàng trung ương dự trữ bắt buộc của mình. Hiện mức dự trữ bắt buộc ở Mỹ là 10% (Việt Nam là 3%), nếu ngân hàng thương mại Mỹ 1 đêm không duy trì được mức dự trữ này sẽ bị phạt và phải vay mượn trên liên ngân hàng hoặc vay từ Fed.

Theo ông Hiếu, doanh nghiệp Việt Nam không nên quá kêu ca về mức lãi suất cho vay hiện nay, vì đối với doanh nghiệp lớn, tốt được vay với lãi suất chỉ 6%/năm. Vấn đề ở đây là lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại phải ổn định lâu dài để các doanh nghiệp có kế hoạch cho sản xuất kinh doanh ổn định, hiệu quả hơn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu đề nghị ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên xây dựng cơ chế điều hành lãi suất cơ bản tương tự Fed. Ngân hàng Nhà nước thiết lập lãi suất trung tâm cho thị trường ngân hàng, từ đó làm cơ sở cho lãi suất huy động, cho vay hình thành từ cung - cầu thị trường. Cơ chế này đòi hỏi sự liên thông giữa các thị trường tài chính.

Vì tại Việt Nam hiện nay, có 2 loại lãi suất: Lãi suất liên ngân hàng (lãi suất thị trường 2) và lãi suất cho vay cá nhân, doanh nghiệp (lãi suất thị trường 1), hai loại lãi suất này không kết nối với nhau. Việt Nam không có lãi suất trung tâm để điều hành lãi suất thị trường.

Trả lời vấn đề này, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết chính sách tiền tệ của ngân hàng Nhà nước được điều hành công khai, minh bạch, điều này được để lại từ Thống đốc nhiệm kỳ trước. Nghĩa là ngân hàng Nhà nước cam kết tỷ giá trong năm chỉ biến động 1-2% thì chỉ biến động trong khoảng đó để tạo niềm tin vào người dân.

Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định ổn định tỷ giá vì chưa bao giờ dự trữ ngoại hối tăng cao kỷ lục tới 45 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Với nguồn ngoại tệ dồi dào, Ngân hàng Nhà nước chủ động can thiệp tỷ giá nếu có biến động và chủ động cung ứng nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp.

Trước đây, một số doanh nghiệp ca thán về việc không vay được ngoại tệ, nhưng Ngân hàng Nhà nước phải xem xét mục đích vay, nguồn ngoại tệ trả nợ nếu không đúng sẽ không cho vay, vì đã có doanh nghiệp lợi dụng chính sách để vay ngoại tệ rồi sử dụng không đúng mục đích... Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ siết đối tượng được vay ngoại tệ trong thời gian tới, xu hướng sẽ chuyển quan hệ vay mượn ngoại tệ sang mua bán ngoại tệ.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

2024 sẽ là năm xoay trục cắt giảm lãi suất

Trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt ở hầu hết các nền kinh tế, các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ những quyết định về lãi suất, và các thị trường kỳ vọng sẽ chứng kiến một loạt đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.

2024 sẽ là năm xoay trục cắt giảm lãi suất
Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ nền kinh tế

Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là thông điệp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 diễn ra ngày 20/2.

Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ nền kinh tế
Sôi động phiên giao dịch ngân hàng đầu năm

Phiên giao dịch ngân hàng đầu tiên sau những ngày nghỉ tết Nguyên đán 15/2 (mùng 6 Tết), ghi nhận không khí sôi động ở hầu hết các chi nhánh, phòng giao dịch tạo nên động lực trong thực hiện mục tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn trong năm 2024.

Sôi động phiên giao dịch ngân hàng đầu năm

TIN MỚI

Return to top