ClockThứ Bảy, 27/05/2017 05:51

Ngoại ngữ không chuyên: “Món nợ” khó trả

TTH - Chuẩn đầu ra ngoại ngữ không chuyên ở các trường thành viên thuộc Đại học (ĐH) Huế hiện là một trong những nguyên nhân khiến không ít sinh viên (SV) năm cuối gần như bất lực trước thời hạn xét tốt nghiệp.

Một tiết học tại Trường ĐH Sư phạm Huế. Ảnh: Ngọc Hà

Dù đã hoàn thành 4 năm ĐH nhưng Đ.N.T., SV Trường ĐH Khoa học Huế, vẫn chưa thể đăng ký xét tốt nghiệp vì còn nợ chứng chỉ ngoại ngữ. “Trong thời gian chờ thi lại, mình đã đăng ký học ôn ở trung tâm ngoại ngữ để nâng cao kiến thức. Vì mất căn bản từ trước nên giờ mình phải chật vật, thi hai lần rồi nhưng vẫn chưa qua được”. T. chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp bỏ lỡ xét tốt nghiệp đúng hạn vì chưa có chứng chỉ ngoại ngữ.

Năm học 2013-2014, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế) triển khai đề án ngoại ngữ không chuyên. Theo đó, điều kiện để sinh viên ĐH Huế từ khóa 2013-2017 trở đi ra trường phải đạt chứng chỉ B1 (chuẩn 3/6 theo khung năng lực 6 bậc). Tính đến hiện nay cũng là thời điểm sinh viên khóa đầu tiên áp dụng đề án ngoại ngữ không chuyên tốt nghiệp, nhưng nhiều sinh viên khóa đầu vẫn đang chật vật ôn luyện ngoại ngữ để có thể đăng ký xét tốt nghiệp trong đợt tiếp theo. Đó là tình trạng chung của sinh viên nhiều trường ĐH thuộc ĐH Huế, nhất là ở những trường không tuyển sinh khối A1, D (khối thi có môn ngoại ngữ). Riêng lớp tôi có hơn chục bạn  xin hoãn xét tốt nghiệp chỉ vì chưa có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định.

Bạn N.V.H. sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Khoa học Huế chia sẻ: “Mình buộc phải hoãn xét tốt nghiệp cũng chỉ vì chứng chỉ ngoại ngữ, tuy biết là không thể không có nhưng thật sự việc học ngoại ngữ nằm ngoài khả năng của mình, trước mắt cứ tạm thời nợ bằng rồi tính tiếp”. Không chỉ mình H. mà rất nhiều bạn sinh viên cũng có suy nghĩ tương tự như vậy. Chính tâm lý ngại khó, ngại học ngoại ngữ là rào cản rất lớn để sinh viên tiếp cận với chuẩn đầu ra ngoại ngữ.

Nếu đi tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thì có rất nhiều điều chúng ta phải bàn đến. Thực tế cho thấy, muốn nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ không phải là việc trong một sớm một chiều. Đây là khóa đầu tiên áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ nên vẫn còn không ít bất cập trong việc dạy và học. Đào tạo theo kiểu tín chỉ cũng là một rào cản rất lớn cho sinh viên khi mà số tiết học tại lớp không nhiều, phần lớn các bạn sinh viên phải tự học dẫn đến nhiều sinh viên có tâm lý coi nhẹ, cứ nghĩ tất cả điều được "cho qua". Chỉ đến khi "nước đến chân", nhiều người mới cảm thấy lo lắng và đành “ngậm ngùi” nhìn bạn bè đồng trang lứa ra trường.

Nguyên nhân khác là việc “xây nhà thiếu móng” trong quá trình dạy học ngoại ngữ từ những cấp học dưới. Khi bước vào bậc đại học, sinh viên năm nhất đều phải tham gia kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ để xếp lớp theo năng lực tương ứng với A1, A2 và B1, nhưng thực tế thì đa phần đều bắt đầu học từ A1. Điều này cho thấy việc học ngoại ngữ từ các cấp học dưới còn rất nhiều hạn chế, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, dẫn đến tình trạng phải đào tạo lại từ đầu. Đó là điều hết sức khó khăn khi mà lẽ ra việc đào tạo ngoại ngữ ở bậc ĐH chỉ là bổ sung và nâng cao kiến thức. Nhiều người bạn của tôi cũng tâm sự rằng, do ở quê trường lớp không chú trọng việc học ngoại ngữ nên hầu như là “không có chữ nào trong đầu”, cứ nghe đến hai từ “ngoại ngữ” là ai cũng "dị ứng" (!)

Gần đây, một cô bạn cùng khoa với tôi hí hửng khoe với mọi người đã đạt được chứng chỉ ngoại ngữ, vừa kịp ra trường đúng hạn... sau 4 lần thi rớt. Khi hỏi “bí quyết”, cô bạn nửa đùa nửa thật trả lời là nhờ dành ra 2 tháng ôn luyện và có lẽ một phần là nhờ may mắn. Chuyện của cô bạn cho thấy, tuy khó nhưng việc hoàn thành chứng chỉ ngoại ngữ không phải là điều bất khả thi. Bốn năm đại học không quá dài nhưng cũng không phải là ngắn, nếu sinh viên có định hướng, quyết tâm học ngoại ngữ ngay từ những năm đầu tiên thì tin chắc, việc đáp ứng chuẩn đầu ra ngoại ngữ là điều không khó.

Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top