ClockThứ Tư, 19/06/2013 10:51

Ngôi chùa tình thương của 300 đứa trẻ

TTH - 27 năm về trước (1986), vào một đêm mưa gió, một đứa trẻ bị bỏ rơi trước cổng chùa Đức Sơn (Thị xã Hương thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) và được sư cô Thích Nữ Minh Tú nhận vào chăm sóc, bắt đầu cho một câu chuyện đầy tình người ở ngôi chùa này.

Vòng tay nhân ái

Sư cô Minh Tú và đứa trẻ bị bỏ rơi khi mới 35 ngày tuổi

Người ta không biết cha mẹ bé là ai. Các sư thấy bé là con gái, mà cũng là nữ chăm sóc cũng tiện nên nhận nuôi, đặt tên là Kiều Thị Thủy Chung. Sư cô Minh Tú nhớ lại: Hồi đó đời sống cơ cực lắm, mỗi lần đi nương trồng khoai sắn, các sư phải cầm theo cái nón để xin tiền mua sữa, mua thức ăn mặn nuôi bé vì không thể để bé ăn chay như các sư được. Tiếng đồn sư cô chùa Đức Sơn sẵn lòng làm phúc, cứu vớt bé bất hạnh lan xa. Người tứ xứ thấy em nào bị bỏ rơi là lại mang đến chùa. Cô nhi viện Đức Sơn ra đời từ đó.

Sư cô Minh Tú, trụ trì chùa Đức Sơn năm nay đã 67 tuổi nhưng còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, cùng với 20 sư cô trong chùa, là người mẹ chăm sóc ân cần, chu đáo các em. Ngày ngày nơi đây ngập tiếng cười đùa của các em nhỏ. Mỗi em một mảnh đời éo le, đau xót: Những đứa trẻ bị bỏ rơi khi còn đỏ hỏn; Những đứa trẻ tật nguyền; Những đứa trẻ không nơi nương tựa. Tính đến nay, chùa Đức Sơn đã nhận nuôi hơn 300 em nhỏ bất hạnh, trong đó 174 em đã rời chùa ra đời lập nghiệp.
 
Đào Duy Long 24 tuổi, sinh ra trong một gia đình khó khăn ở huyện A Lưới, bố mất sớm, một mình mẹ bệnh tật nuôi 3 anh em ăn học. Quá cực khổ nên mẹ gửi Long vào chùa Đức Sơn khi em lên 10 tuổi. Được các sư cô chăm sóc, dạy bảo nên Long học rất giỏi. Năm 2006, em đỗ vào Trường Đại học Kinh tế Huế với số điểm khá cao. Ra trường được nhận vào làm tại một ngân hàng có trụ sở ở thành phố Huế, ngoài công việc tại cơ quan, những ngày nghỉ Long đến phụ giúp các sư cô trong chùa.
 
Nguyễn Thị Cẩm Vân, hơn 20 năm gắn bó với ngôi chùa, lúc nào cũng coi nơi đây là mái nhà chung ấm nhất cho riêng mình. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, Cẩm Vân về dạy ở một trường ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Chị vẫn trích chút tiền lương ít ỏi gửi về phụ giúp sư cô trang trải cuộc sống cho các em nhỏ. Còn cô bé Kiều Thị Thủy Chung ngày nào, đã lập gia đình, hiện sống ở thành phố Biên Hòa vẫn thường xuyên liên lạc về chùa, coi các sư cô chùa Đức Sơn như những người ruột thịt của mình.
 
Hỏi về việc sinh hoạt, ăn uống cho các em trong chùa, sư cô Minh Tú cho hay: Các sư cho các em ăn mặn, một tháng chỉ 4 ngày ăn chay. Ở đây các sư chỉ mong muốn các em phải sống thật tốt, chăm học để sau này có tương lai, không bắt các em phải cạo tóc đi tu. Nhà chùa còn mua một chiếc ô tô 48 chỗ ngồi, hàng ngày đưa đón các em đang theo học ở các trường phổ thông. Đối với các em bị khuyết tật, không thể học văn hóa, thì sư cô Minh Tú cho các em học nghề để có thể tự kiếm sống cho bản thân sau này.
 
Trong các em đang sống ở chùa, thì chăm sóc vất vả nhất cho các em bị bại não, động kinh, phải cắt cử 2 sư cô mới chăm được một cháu. Chùa có 10 em bị khuyết tật như vậy. Trong gần 200 cháu hiện đang sinh sống ở chùa, có 22 cháu đang theo học các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp. Nhà chùa mở quán chay “Tịnh Tâm” để các em vừa làm, vừa học, sau giờ học ở lớp, tự học ở nhà là tham gia chế biến món ăn, phục vụ khách hàng, tự kiếm tiền trang trải trong cuộc sống.
 
Em Phan Thị Huệ, quê ở vùng núi Dương Hòa, nhà có 7 anh chị em, bố mất, mẹ đau ốm thường xuyên nên được gửi vào chùa năm 13 tuổi. Hiện nay em đang học năm thứ 2 cao học ngành sinh học Đại học Sư phạm Huế. Khi được hỏi về nguyện vọng khi ra trường, em muốn được dạy ở một trường gần chùa để hàng ngày có điều kiện kèm cặp, chỉ bảo thêm cho các em hiện đang sống trong chùa. Lê Thị Thu, sinh viên năm cuối Trường Đại học Phú Xuân. Thu sống ở chùa đến nay được 14 năm, em kể lại thảm kịch của gia đình mình với khuôn mặt đẫm nước mắt, mẹ bị bệnh tâm thần, em mồ côi cha sau một tai nạn giao thông. Khi Thu trúng tuyển vào Khoa Du lịch - Trường Đại học Phú Xuân, học trường dân lập, phải đóng học phí cao đã đành, ngành học của Thu phải đi thực tế nhiều nên tốn kém. Thu trao đổi với sư cô Minh Tú, sư cô nói: nếu con thực sự thích thì sư sẽ cố gắng.
 
Nhiệt tình là vậy, song các sư cô trong chùa cũng không giấu về nỗi khó khăn vật chất, đó là việc chăm sóc gần 200 cháu đầy đủ về mọi mặt, nhất là mùa thi cử, nhập học phải tốn kém chi phí... Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm, cộng với lòng yêu trẻ và nhiệt huyết của mình, các sư cô chăm sóc các em đầy đủ, không để em nào chịu thiệt thòi. Đến nay, đã có 50 em tốt nghiệp đại học hòa nhập với cuộc sống và 22 em đang theo học các trường đại học, cao đẳng
Xây dựng 100 phòng học mẫu giáo
 
Hôm đến thăm chùa Đức Sơn, tiếp chuyện với chúng tôi ngoài sư cô Minh Tú còn có cô giáo Mai Thị Ái Hoa, nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Điền đã nghỉ hưu. Cô Hoa bồi hồi nhớ lại: Năm 1994, sư cô Minh Tú đã vận động sự đóng góp của những nhà hảo tâm xây dựng 100 phòng học mẫu giáo ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Thừa Thiên Huế. Mỗi lớp 2 giáo viên, mọi chi phí đều do nhà chùa đài thọ. Đến nay, các cơ sở giáo dục mầm non này đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ. Nhiều trường còn được công nhận là trường chuẩn quốc gia. Mừng nhất là các cô giáo đều đã được ngành giáo dục đưa vào biên chế. Sư cô Minh Tú nhớ lại: Những năm 80 của thế kỷ trước, các sư cô ở chùa Đức Sơn đã dùng tre nứa dựng 90 lớp học xóa mù cho con em ở 10 xã nghèo vùng núi của tỉnh Thừa Thiên Huế: Thủy Bằng, Hương Thọ, Bình Thành... mà các thầy cô giáo của các lớp học “tình thương” này là các học sinh tốt nghiệp cấp II được phòng giáo dục đào tạo nghiệp vụ cấp tốc.
 
Nhắc đến những việc làm cao cả của những người mẹ không bao giờ sinh con, sư cô Minh Tú xúc động: “Tội các cháu lắm, mình đi tu hướng phật làm những việc nhỏ nhặt này thì có là bao, ngược lại mình còn thấy vui hơn khi thay các bậc sinh thành nuôi nấng, dạy dỗ các cháu nên người để bớt đi các tệ nạn sau này cho xã hội.
Kim Hoa
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top