ClockThứ Sáu, 17/06/2016 14:24
XUNG QUANH PHẢN ÁNH VỀ VIỆC GIÁM ĐỊNH THƯƠNG TẬT CỦA BÀ HỒ THỊ CẨN:

Phải lập hồ sơ gửi Sở LĐ-TB&XH để được giải quyết

TTH - Báo Thừa Thiên Huế nhận được đơn của bà Hồ Thị Cẩn, trú tại 40/14 Nguyễn Phúc Nguyên, phường Hương Long, TP. Huế phản ánh về việc nhiều lần làm hồ sơ, nhưng không được giám định lại thương tật.

Bà Cẩn mong muốn được khám lại thương tật

Theo trình bày của bà Cẩn, bà tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương từ năm 1963. Năm 1967, bà được cử lên công tác tại chiến khu và nhập ngũ thuộc Huyện đội Hương Trà vào năm 1968. Năm 1970 trên đường trinh sát về TP. Huế, đoạn qua địa bàn xã Hương Long, bà bị địch phục kích, bị dính mìn và đạn làm gãy chân trái, một số bi đạn găm vào tay, bụng… Hiện nay, chân trái của bà teo dần, đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số mảnh đạn vẫn nằm trong người gây đau nhức. Năm 1973, bà được giám định với tỷ lệ thương tật là 61% và được cấp thẻ thương binh loại A hạng 2/4 và được hưởng chế độ phụ cấp theo quy định. Năm 1986, bà vào TP. Đà Nẵng giám định lại, tỷ lệ thương tật là 71% và được chỉ định đi khám lại thương tật sau 5 năm nữa. Tuy nhiên, do bận nhiều công việc nên bà không thể đi khám lại được. Theo bà, trước đây việc khám vết thương bằng trực quan, nhìn không thấy đạn ở bên trong cơ thể. Nay, y học hiện đại, chụp phim nhìn rõ hơn các mảnh đạn. Nay, bà đã 3 lần gửi hồ sơ lên UBND phường Hương Long và Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP. Huế và đều bị trả hồ sơ lại, nhưng không giải thích rõ cho bà biết lý do tại sao để bà khỏi chờ đợi. 

Điều 30 Nghị định số 31/NĐ-CP ngày 9/4/2013 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã quy định rõ: Người bị thương được kết luận thương tật tạm thời thì sau ba năm được giám định để xác định tỷ lệ thương tật vĩnh viễn. Người bị thương đã giám định thương tật mà bị thương tiếp thì được giám định bổ sung và tổng hợp tỷ lệ suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ ưu đãi. Người bị thương đã giám định thương tật nhưng còn sót vết thương chưa giám định thì được giám định bổ sung và tổng hợp tỷ lệ suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ ưu đãi.

Tại điều 19, 20 và 21 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân đã nêu rõ: Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh phải làm đơn đề nghị giám định lại thương tật, giám định lại vết thương còn sót lại gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kèm bản sao bệnh án điều trị vết thương tái phát của bệnh viện cấp huyện trở lên. Kết quả chụp, chiếu kèm chẩn đoán của bệnh viện cấp huyện trở lên đối với trường hợp còn sót mảnh kim khí trong cơ thể; trường hợp phải phẫu thuật thì kèm phiếu phẫu thuật của bệnh viện cấp huyện trở lên. Phiếu phẫu thuật của bệnh viện cấp huyện trở lên đối với trường hợp đã phẫu thuật lấy dị vật…

Tại văn bản số 190/LĐTBXH-CSCC ngày 7/6/2016 của Phòng LĐ-TB&XH TP. Huế về việc trả lời đơn của bà Cẩn đã nêu rõ: Thủ tục xin khám lại thương tật của bà Cẩn không thuộc thẩm quyền của cấp thành phố mà phải tuân theo quy định của Nghị định 31/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 05/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH, tức là do cấp tỉnh thụ lý mà cụ thể là Sở LĐ-TB&XH. Trao đổi với chúng tôi bà Cẩn khẳng định chưa lần nào gửi hồ sơ lên Sở LĐ-TB&XH tỉnh để được giám định lại thương tật.

Bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết, đối với trường hợp của bà Cẩn muốn giám định lại thương tật hay giám định vết thương còn sót lại thì phải gửi hồ sơ đến Sở LĐ-TB&XH để được giải quyết theo đúng thẩm quyền. Hồ sơ, thủ tục theo điều 19 và điều 21 Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 9/4/2013 của Bộ LĐ-TB&XH. Khi nhận được hồ sơ, Sở LĐ-TB&XH sẽ rút hồ sơ cũ để sao lại biên bản giám định lần trước, sao giấy chứng nhận bị thương của bà Cẩn để gửi Cục Người có công thẩm định lại. Nếu được, Sở sẽ giới thiệu bà Cẩn ra Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh để giám định vết thương tái phát, vết thương còn sót lại. Nếu không được thì trả hồ sơ lại cho bà Cẩn kèm theo văn bản trả lời chính thức.

Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân

Ngày 17/4, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân; Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phạm Như Hiệp có buổi tiếp công dân định kỳ tháng 4.

Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân
Giải quyết trợ cấp thất nghiệp gắn với tư vấn hỗ trợ việc làm

Để hỗ trợ người lao động thất nghiệp (LĐTN) trên địa bàn ổn định cuộc sống và tìm kiếm việc làm mới, ngoài việc giải quyết các thủ tục chi trả trợ cấp thất nghiệp (TCTN), Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kết nối tạo việc làm đến với LĐTN.

Giải quyết trợ cấp thất nghiệp gắn với tư vấn hỗ trợ việc làm
Từng bước giải quyết vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế

Với Luật Ðấu thầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 và Nghị định số 24/2024/NÐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ðấu thầu về lựa chọn nhà thầu có hiệu lực từ ngày 27/2/2024 đã cơ bản tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập.

Từng bước giải quyết vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế

TIN MỚI

Return to top