ClockThứ Năm, 21/03/2024 10:34

Từng bước giải quyết vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế

Với Luật Ðấu thầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 và Nghị định số 24/2024/NÐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ðấu thầu về lựa chọn nhà thầu có hiệu lực từ ngày 27/2/2024 đã cơ bản tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập.

Không để bệnh nhân tự mua thuốc, vật tư y tếĐảm bảo thuốc và vật tư phục vụ điều trị"Cởi trói" đấu thầu thuốc, vật tư y tế

 Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức đang thực hiện một ca mổ cấp cứu

Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập xuất hiện nhiều hơn kể từ sau giai đoạn cao điểm phòng chống dịch Covid-19. Nhưng với các quy định cụ thể của Luật Ðấu thầu và Nghị định 24/2024/NÐ-CP sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt cho cơ sở y tế trong mua thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân.

Trưởng phòng Chính sách, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) Hoàng Cương cho biết, trước khi ban hành Nghị định 24, Ban soạn thảo đã có nhiều cuộc làm việc với các bên liên quan, nhất là các bệnh viện đầu ngành như: Bạch Mai, K, Hữu nghị Việt Ðức, Chợ Rẫy... trực tiếp nghe các đề xuất, từ đó nhiều nội dung đã được đưa ngay vào nghị định để tháo gỡ tối đa những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bệnh viện trong việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế để bảo đảm phục vụ tốt hơn công tác khám, chữa bệnh của người dân.

Do vậy, khi Nghị định 24 được ban hành đã giúp công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế được đơn giản, thuận tiện, phù hợp thực tế và phù hợp khả năng khám, chữa bệnh, khả năng chi trả của từng bệnh viện. Ðáng chú ý, Nghị định 24 đưa ra quy định chi tiết đối với thuốc thuộc danh mục đấu thầu cấp quốc gia, của địa phương, nếu chưa có kết quả đấu thầu hoặc đơn vị chưa lựa chọn được nhà thầu thì trong trường hợp đó, các bệnh viện cũng đều có cơ chế chủ động để tự mua sắm phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân.

Bệnh viện có thể áp dụng tùy chọn mua thêm thuốc, vật tư y tế (tối đa bằng 30% số lượng mua trước đó) mà không phải tổ chức đấu thầu; một số trường hợp được chỉ định thầu; một số hình thức mua sắm tiên tiến (mua sắm trực tuyến, chào giá trực tuyến…) để trong thời gian ngắn, các bệnh viện có thể mua ngay được vật tư, linh kiện lắp đặt, thay thế những máy móc bị hỏng mà không phải tổ chức đấu thầu như trước đây.

Trên cơ sở thực tiễn triển khai Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và Thông tư 14/2023/TT-BYT của Bộ Y tế về xây dựng giá gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, cũng như các đề xuất của các bệnh viện, Nghị định 24 tiếp tục duy trì cơ chế riêng đối với thuốc và vật tư y tế khi được phép lấy báo giá cao nhất làm giá gói thầu trên cơ sở yêu cầu chuyên môn, tính năng kỹ thuật được hội đồng chuyên môn đánh giá phù hợp với khả năng tài chính của bệnh viện.

Hiện Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đang khẩn trương hoàn thiện các thông tư về mẫu hướng dẫn về đấu thầu trong lĩnh vực y tế; hướng dẫn về đàm phán giá mua sắm tập trung… khi ban hành, áp dụng các mẫu này sẽ đơn giản, thuận tiện và bảo đảm tính thống nhất. Ðược biết, hai bộ đang tập trung hoàn thiện để trong thời gian sớm nhất sẽ ban hành các thông tư này theo đúng trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy các quy định đã khá rõ ràng, cụ thể nhưng trao đổi tại Hội nghị Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện khu vực phía bắc mới đây, đại diện nhiều bệnh viện vẫn còn một số băn khoăn, cần sớm được tháo gỡ. Về mặt lý thuyết thì hoàn toàn có thể triển khai ngay việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, nhưng thực tiễn bối cảnh ngành y tế hiện nay thì cần sớm có những hướng dẫn cụ thể.

Cần phải quy định cụ thể hơn, đó là mặt hàng nào thì thuộc diện đấu thầu tập trung của trung ương, mặt hàng nào thì thuộc diện đấu thầu tập trung cấp địa phương và mặt hàng nào được phép đấu thầu tại bệnh viện. Như vậy, vẫn phải chờ thông tư hướng dẫn.

Ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Ðức Giang (Hà Nội)

Ðại diện một số bệnh viện cũng thừa nhận chưa thể dễ dàng đấu thầu mua sắm đủ thuốc, vật tư, như một số loại vật tư (găng tay, bông băng, vật tư phẫu thuật...) đang phải mua theo gói dưới 50 triệu đồng, do giám đốc bệnh viện tự quyết định. Nhưng với những vật tư phục vụ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, tim mạch thì giá cao, không thể mua theo hình thức này... Vì thế có những bệnh viện, chỉ bảo đảm vật tư y tế cho các trường hợp cấp cứu, chứ không thể phục vụ các ca mổ phiên.

Một số ý kiến khác cho rằng, thuốc và vật tư y tế là hàng hóa đặc biệt, không thể đấu thầu giống như các mặt hàng thông thường khác. Nếu chưa có thông tư hướng dẫn, thì các bệnh viện chưa thể mua sắm được. Ngay cả việc áp giá gói thầu của các bệnh viện khác làm căn cứ mua sắm thì đặc thù bệnh viện cũng không thể mua đủ mặt hàng như nhu cầu sử dụng thực tế, có thể chỉ dùng một vài tháng và chỉ được thực hiện một lần trong năm.

PGS, TS Ðào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đánh giá, Luật Ðấu thầu và Nghị định 24/2024/NÐ-CP đã tháo gỡ nhiều vướng mắc về mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Nhưng các bệnh viện còn khá băn khoăn về tính chính xác của báo giá trang thiết bị, vật tư y tế mà các doanh nghiệp đưa ra. Thực tế đã có những doanh nghiệp thành lập nhiều công ty, các công ty trúng thầu, chủ đầu tư rơi vào tình cảnh mua phải giá đắt và khi kiểm toán lại sai phạm…

Ông Hoàng Cương cho biết, việc báo giá là quyền của doanh nghiệp và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm với việc báo giá. Còn chủ đầu tư là các bệnh viện nếu thấy việc báo giá không bảo đảm tính chính xác thì có thể lấy báo giá được công khai rộng rãi tại Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế để đối chiếu. Nếu doanh nghiệp báo giá cao, chủ đầu tư thấy không phù hợp thì chọn doanh nghiệp khác…

Như vậy, để việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế bảo đảm nhanh, đúng các quy định của pháp luật, các bệnh viện vẫn đang đợi các hướng dẫn chi tiết từ các bộ, ngành liên quan (Y tế, Kế hoạch và Ðầu tư). Nghị định 24 cũng đã chỉ rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành trong việc ban hành các hướng dẫn cụ thể đó.

Theo nhandan.vn
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân

Ngày 17/4, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân; Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phạm Như Hiệp có buổi tiếp công dân định kỳ tháng 4.

Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân
Giải quyết trợ cấp thất nghiệp gắn với tư vấn hỗ trợ việc làm

Để hỗ trợ người lao động thất nghiệp (LĐTN) trên địa bàn ổn định cuộc sống và tìm kiếm việc làm mới, ngoài việc giải quyết các thủ tục chi trả trợ cấp thất nghiệp (TCTN), Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kết nối tạo việc làm đến với LĐTN.

Giải quyết trợ cấp thất nghiệp gắn với tư vấn hỗ trợ việc làm
Xây dựng lộ trình giải quyết kiến nghị cử tri

Việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri kịp thời sẽ góp phần quan trọng củng cố niềm tin của Nhân dân đối với chính quyền các cấp. Công tác giám sát vấn đề này đã được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm.

Xây dựng lộ trình giải quyết kiến nghị cử tri

TIN MỚI

Return to top