ClockThứ Bảy, 22/04/2017 05:56
CAO ĐỘ NỀN XÂY DỰNG:

Quy hoạch phải đi trước một bước

TTH - Sau khi các bậc tam cấp dẫn vào nhà bị đập do cốt nền xây dựng cao hơn nhiều so với vỉa hè, mặt đường gây khó khăn trong đi lại đã nảy sinh nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh việc xác định cao độ nền, quy hoạch chiều cao, quản lý... Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đại Viên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng.

Ông Nguyễn Đại Viên. Ảnh: Võ Nhân

Hiện nay tỉnh có quy định nào liên quan đến cốt nền xây dựng, thưa ông?

Trước hết, cần phải gọi tên đúng thuật ngữ chuyên ngành quy hoạch, “cốt xây dựng khống chế” là cao độ xây dựng tối thiểu bắt buộc phải tuân thủ, được lựa chọn phù hợp với quy chuẩn về quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật. Đối với quy hoạch chung, gọi là cốt xây dựng khống chế (XDKC), đối với quy hoạch chi tiết, gọi là cốt xây dựng.

Theo quy định, cốt XDKC chính là mực nước thiết kế trung bình cao cộng với 0,5m đối với khu vực được quy hoạch phát triển công nghiệp và cộng với 0,3m đối với quy hoạch khu dân cư. Cốt XDKC phải lấy mực nước thiết kế trung bình làm căn cứ tính toán, bởi điều này sẽ đảm bảo cho công trình không bị ngập. Còn cốt xây dựng hay là cốt san nền chính là cốt XDKC có tính đến đặc điểm từng khu vực và hướng thoát nước cụ thể của khu vực đó.

Ở tỉnh ta, cốt XDKC chung được xác định theo quy định, đồ án quy hoạch chung. Trên cơ sở đó, đồ án quy hoạch chi tiết sẽ xác định cốt nền xây dựng (cốt san nền) cho mỗi vùng. Tại Quyết định số 649/QĐ/TTg  ngày 6 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến 2030, và tầm nhìn đến 2050, quy định cốt XDKC khu vực trung tâm thành phố Huế cụ thể: khu vực mới phát triển phía Đông QL1A từ 2,1 đến 3,00m; phía Tây QL1A từ 3,0 đến 3,75m; gần sông An Cựu từ 2,1 đến 2,3m; gần sông Phổ Lợi từ 2,5 đến 3,5m; khu vực Hương Thủy từ 1,8 đến 2,3m; khu vực Hương Trà từ  2,80 đến 5,5 m...

Tuân thủ nghiêm qui định cốt nền xây dựng sẽ hạn chế triều cường dâng cao, tràn ngược vào nội đô. Ảnh: Đăng Tuyên

Như vậy, mỗi tuyến đường, phường… sẽ có một quy định cốt nền riêng?

Cao độ nền xây dựng do người thiết kế chuyên ngành chuẩn bị kỹ thuật đô thị tính toán và xác định. Cao độ này được xác định cho từng khu vực, trục đường phố chính hoặc cho toàn đô thị trong các đồ án quy hoạch chung và được cụ thể hóa trong quy hoạch chi tiết. Việc xác định cao độ nền khống chế nhằm bảo đảm thoát nước mạnh cho nền khu vực thiết kế, góp phần bảo vệ an toàn cho các công trình được xây dựng tại đô thị, quyết định cho việc phòng chống ngập úng, tạo nên sự hợp lý giữa nền và hệ thống đường đô thị, sự kết nối giữa các công trình đường ống và giữa công trình này với đường giao thông… Đây còn là giải pháp về tổ hợp không gian và tổ chức mặt bằng các công trình kiến trúc với nền đất xây dựng.

Mức độ chính xác của việc xác định cao độ nền xây dựng tùy thuộc vào nhiều yếu tố, có thể ví dụ một số điểm như sau: chất lượng công tác khảo sát đo đạc địa hình để lập bản đồ, chất lượng của các tài liệu, số liệu về điều kiện tự nhiên, địa chất, thủy văn, các số liệu thống kê tình hình ngập úng lũ lụt… trình độ và năng lực của cán bộ thiết kế.

Cốt nền được lập ra để tránh ngập úng và quản lý xây dựng, việc xây dựng sai cốt nền sẽ để lại những hậu quả như thế nào, thưa ông?

Nếu cốt nền thấp hơn cốt xây dựng thì công trình sẽ bị ngập nước khi có lũ lụt. Nếu cốt nền quá cao so với cốt xây dựng thì sẽ gặp những bất lợi về công năng nếu không có các giải pháp kỹ thuật hoặc kiến trúc hợp lý cho bản thân công trình. Đồng thời tác động theo chiều hướng xấu đến thoát nước chung của cả phạm vi khu vực có công trình này, gây ra ngập úng cục bộ, dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường hoặc giảm khả năng chịu tải, giảm tuổi thọ của các công trình trong phạm vi bị ngập úng lâu dài.

Quy định cốt nền xây dựng như thế nào cho từng khu vực cũng đã được tính toán kỹ trên cơ sở “tạo mái dốc” đưa nước từ khu vực cao xuống khu vực thấp và ra sông, kênh rạch. Tuân thủ nghiêm các nguyên tắc này, sẽ hạn chế được tình trạng triều cường dâng cao, tràn ngược lại vào nội đô, gây ngập.

Ông có thể nói rõ hơn về căn cứ, quy chuẩn xác định cũng như công tác quản lý cốt nền xây dựng hiện nay?

Xác định cốt xây dựng là một yêu cầu bắt buộc trong quy hoạch xây dựng đô thị. Trong quy hoạch chung xây dựng đô thị chỉ xác định cốt XDKC cho từng khu vực, trên các trục đường giao thông chính và nếu đủ điều kiện có thể xác định cho toàn đô thị. Trong quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị thì việc xác định bao gồm từ cốt nền đường, hè đường, nền công trình xây dựng đến các công trình hạ tầng kỹ thuật khác trên khu vực. Đây là một trong những thông tin quan trọng, phục vụ cho cấp phép xây dựng, thiết kế kỹ thuật trong dự án đầu tư xây dựng công trình.

Cốt nền đang được "hâm nóng" khi chính quyền các địa phương yêu cầu đập bỏ bậc tam cấp lấn chiếm vỉa hè... ; phải chăng đang có vấn đề trong quản lý, quy định cốt nền xây dựng?

Tháo dỡ bậc tam cấp lấn chiếm vỉa hè gây khó khăn trong đi lại của người dân, cần phải xem xét thận trọng để có kết luận khách quan.

Theo tôi, cần xem xét để đánh giá hiện tượng: thứ nhất, cốt xây dựng, chỉ giới xây dựng đã được quy định tại giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp cho người dân, có phù hợp với cốt xây dựng, chỉ giới xây dựng tại đồ án quy hoạch xây dựng liên quan không? Thứ 2, cốt nền công trình thực tế (do tư vấn thiết kế cho chủ nhà) có phù hợp cốt xây dựng đã được cấp phép hoặc công bố không? Việc tuân thủ về chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ của chủ nhà như thế nào mà dẫn đến hiện trạng tam cấp xâm phạm vỉa hè? Việc kiểm tra thực hiện giấy phép xây dựng, xử lý tình huống có kịp thời không?

Thực tế hiện nay, chất lượng của đồ án quy hoạch, công tác xác định cốt xây dựng chưa được quan tâm đúng mức. Trong đồ án quy hoạch chung xác định các cốt XDKC nhiều khi còn thiếu cơ sở. Trong nhiều bản vẽ quy hoạch chi tiết, quy hoạch chiều cao không được nghiên cứu đúng mức, dẫn đến việc xác định cốt xây dựng chỉ được thể hiện tại một số điểm khống chế mà không cụ thể và chính xác ở nhiều khu vực.

Việc thiết kế đường đô thị nhiều khi chưa tuân thủ các cốt khống chế của đường và nền hai bên theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt, dẫn đến khi thi công giữa đường và nền hai bên có sự chênh lệch nhau. Cốt xây dựng cũng ít khi được thể hiện rõ trong giấy phép xây dựng như quy định của cấp ở thẩm quyền phê duyệt.

Vậy khó khăn nhất trong công tác quản lý cốt nền là gì, thưa ông?

Về công cụ để thực hiện quản lý cốt nền xây dựng là đầy đủ, tuy nhiên cần tăng cường kiểm tra trật tự xây dựng để hướng dẫn uốn nắn kịp thời.

Khó khăn nhất là thực hiện trên thực tế. Do nhiều nguyên nhân mà việc đầu tư xây dựng theo cốt XDKC không đồng bộ trên phạm vi rộng lớn trên địa bàn từng địa phương, dẫn đến hiện tượng ngập úng cục bộ cho các khu vực dân cư đã ổn định lân cận các khu xây dựng mới, hoặc cải tạo. Vì thế, cần tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn chỉnh, vận hành đồng bộ hệ thống thoát nước các đô thị từ hạ lưu đến thượng lưu của từng lưu vực thoát nước đô thị.

Về phía Sở Xây dựng đã có giải pháp giảm thiểu tình trạng trên?

Trước hết, cần nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch đô thị, chú ý nghiên cứu xác định chính xác, chi tiết cốt xây dựng khống chế và cốt xây dựng theo từng đồ án quy hoạch.

Thiết kế công trình, nhất là công trình đường giao thông đô thị phải tuân thủ nghiêm túc các cốt khống chế và cốt xây dựng theo quy hoạch.

Cơ quan cấp phép cần cụ thể nội dung cốt xây dựng trong giấy phép xây dựng, làm cơ sở để chủ đầu tư xây dựng công trình và cơ quan chức năng kiểm tra.

Tăng cường kiểm tra trật tự xây dựng theo giấy phép xây dựng đã cấp cho tổ  chức, cá nhân, để kịp thời hướng dẫn, uốn nắn nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch. Ngoài ra, cần nâng cao ý thức người dân trong thực hiện các quy định liên quan đến cốt xây dựng. Thông qua việc công bố công khai các đồ án, đặc biệt đối với  quy hoạch chi tiết sẽ giúp người dân hiểu hơn về thực hiện đúng cốt xây dựng.

Về phía Sở cũng đang tăng cường năng lực của cơ quan quản lý quy hoạch, xây dựng trong quản lý cốt xây dựng. Đồng thời cũng tập trung kiểm tra các khâu: lập quy hoạch, thiết kế, cấp phép, thi công xây dựng về nội dung liên quan đến cốt xây dựng.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Hoàng Loan (thực hiện)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Sáng 23/4, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Huế và huyện Phong Điền khởi công xây dựng “Nhà đại đoàn kết” cho các hộ khó khăn ở Phong Điền.

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo
Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ

Phong trào đọc sách, báo tại Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được triển khai đa dạng, giúp cán bộ, chiến sĩ học tập, nghiên cứu, tích lũy nhiều kiến thức nhằm phục vụ hiệu quả trong công tác.

Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ
Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”

Công trình doanh trại Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh hiện đang được gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng để sớm đưa vào sử dụng. Từ đó, đảm bảo chỗ làm việc, nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao

Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”
Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Return to top