|
Sản phẩm tinh dầu Công Thành tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương |
Điều dễ nhận thấy rất mới, sạch đẹp, khang trang là hệ thống điện, đường, trường, trạm và đặc biệt là các tuyến đường nối từ Tỉnh lộ 11B vào các thôn đã được bê tông hóa. Càng vui, phấn chấn khi tuyến bê tông dẫn vào thôn Tứ Chánh nay sạch sẽ, bà con qua lại trao đổi hàng hóa thuận tiện, không còn cảnh nắng bụi, mưa lầy như những năm trước. Trẻ em đến trường trên những chiếc xe đạp bon bon thật rộn ràng, nhộn nhịp…
Không riêng hệ thống đường sá giao thông mà Phong Sơn hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới từ các khu dân cư, nhà cửa khang trang, trường học, trạm y tế...
Anh Trịnh Xuân Nhân, Chủ tịch UBND xã Phong Sơn cho biết, từ những ngày đầu bắt tay triển khai xây dựng NTM, Phong Sơn đã xác định nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp ủy, chính quyền, người dân trong xã thống nhất phương châm thực hiện các tiêu chí "dễ làm trước, khó làm sau” để đảm bảo tính bền vững, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.Thế nhưng khi triển khai xây dựng NTM, Phong Sơn đối mặt nhiều khó khăn. Địa phương ở điểm xuất phát thấp, hạ tầng KT-XH còn nhiều hạn chế, hơn 50% tiêu chí đặt ra xây dựng NTM chưa đạt…
Cùng với sự hỗ trợ, đầu tư của các cấp ngành, của tỉnh, huyện, Phong Sơn tập trung làm tốt công tác tuyên truyền về tính quan trọng của việc xây dựng NTM; trong đó chú trọng khơi dậy niềm tin, lòng tự hào của người dân với chương trình đầy ý nghĩa này.
Khi hệ thống chính trị địa phương vào cuộc, hầu hết mọi người dân ủng hộ. Các tiêu chí đưa ra, bà con cùng bàn, cùng làm và cùng thực hiện nên mọi việc cứ thế được tháo gỡ rồi đi đến thành công.
Trước đây, thôn Công Thành, Phe Tư, Hiền Sĩ… vốn gặp khó khăn thì nay diện mạo vùng quê nơi đây đã đổi thay. Nhiều ngôi nhà bê tông, nhà xây kiên cố mới mọc lên; đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, sạch đẹp; kênh mương nội đồng được kiên cố hóa; nhà văn hóa xây dựng khang trang, sạch đẹp… Tại các thôn này đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế như dịch vụ thương mại, trồng hoa cây khiểng; chăn nuôi lợn, gà đàn, trồng sen, trồng lúa sạch, trồng rừng… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó đã hình thành các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt, tại thôn Công Thành có sản phẩm tinh dầu mang thương hiệu “Công Thành” - một sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP đã giải quyết gần 100 lao động ở địa phương…
Ông Hoàng Ngọc Ngân, người dân thôn Công Thành chia sẻ, chủ trương lớn về xây dựng NTM ở Phong Sơn ai cũng mừng. Do đó mọi tiêu chí đề ra dù khó cũng biến thành dễ vì bà con đồng lòng thực hiện. Bằng chứng thấy rõ khi đường sá mở ra, bà con thôn Công Thành đóng góp tiền bạc, công sức; có hộ đã hiến hàng trăm m2 đất khi đường mở rộng qua vườn, nhà của mình. Đường mở rộng không chỉ xóa các nút thắt về KT-XH mà lan tỏa điều hay, ý đẹp toàn xã.
Sau những năm xây dựng NTM, tổng các nguồn vốn huy động ở Phong Sơn đạt trên 174 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp trên 10 tỷ đồng. Đáng kể là hệ thống hạ tầng được quan tâm đầu tư đồng bộ, đến nay 100% đường trục xã, liên xã và thôn, liên thôn, liên xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% kênh mương được kiên cố hóa; 100% số hộ trên địa bàn xã được sử dụng điện thường xuyên an toàn. Nhà văn hóa, khu thể thao xã và các thôn cũng như hệ thống bưu chính viễn thông... được quan tâm đầu tư xây dựng mới khang trang.
Kể thêm vài con số lại càng ấn tượng về Phong Sơn hôm nay, đó là mức thu nhập bình quân đầu người ở đây đạt gần 40 triệu đồng/năm; tỷ lệ nghèo đa chiều còn 2,74%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được củng cố vững chắc. Đó là những dấu ấn, tiền đề vững chắc cho Phong Sơn tiếp tục phát huy, duy trì các tiêu chí NTM đã đạt được, hướng tới xây dựng NTM nâng cao trong những năm đến. Như chia sẻ của anh Trịnh Xuân Nhân, Chủ tịch UBND xã Phong Sơn: “Xây dựng NTM là có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”…