ClockThứ Sáu, 07/07/2017 13:21

Sinh viên Mỹ trải nghiệm văn hóa Việt

TTH - Đến Huế học tiếng Việt và tìm hiểu văn hóa Việt Nam trong dịp hè, các sinh viên Đại học Pitzer (Mỹ) có thật nhiều trải nghiệm thú vị và đáng nhớ.

Sinh viên Đại học Pitzer trải nghiệm nấu các món ăn của Huế

Ấn tượng với văn hóa Việt Nam

Chưa bao giờ đến châu Á nên Anezka Boyle, sinh viên Đại học Pitzer rất hào hứng khi quyết định tham gia Chương trình mùa hè học ngôn ngữ và văn hoá tại Huế trong mùa hè này. “Em rất thích học tiếng Việt. Lần đầu tiên học tiếng Việt rất khó nhưng thú vị lắm! Qua những chuyến tham quan thực tế, em thấy đất nước Việt Nam rất đẹp và con người Việt Nam thật thân thiện”. Anezka vui vẻ nói bằng tiếng Việt.

Nét mặt thông minh và lém lỉnh, Nat Bentley, chàng sinh viên người Mỹ gốc Việt nói tiếng Việt, khá sõi: “Tham gia chương trình này, hàng ngày em được học tiếng Việt và hiểu hơn về văn hóa Việt Nam. Em thích đi tham quan chùa Thiên Mụ, Đại Nội và những thắng cảnh của Huế nhưng thích nhất là được ở cùng gia đình người Việt, cùng đi chơi với họ để hiểu thêm về Việt Nam. Gia đình người Việt, nơi em ở rất tốt. Đó là ấn tượng lớn nhất của em trong chuyến đi này”. Lần đầu tiên đến Huế nhưng Nat bảo, “mình thấy như đã thuộc về nơi đây”. Đó là lý do Nat quyết định ở lại Huế thêm 6 tuần nữa sau khi chương trình kết thúc để có thể tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa và những trải nghiệm thú vị tại đất nước Việt Nam.

Tiến sĩ Michael Ballagh, trợ lý Phó Hiệu trưởng Đại học Pitzer, phụ trách các chương trình quốc tế của trường, người dẫn đoàn sinh viên Đại học Pitzer đến Huế, cởi mở: “Mỗi khi đến Việt Nam tôi thấy như về nhà, cảm giác rất thoải mái và dễ chịu. Tôi yêu Hà Nội nhưng tôi đặc biệt thích Huế. Các thành phố lớn ở Việt Nam thay đổi nhiều nhưng Huế ít thay đổi theo thời gian và tôi thích điều đó”.

Chương trình mùa hè học ngôn ngữ và văn hoá bao gồm khóa học về tiếng Việt chuyên sâu, các hội thảo về văn hóa Việt Nam, quá trình đi thực tế và ở trong các gia đình người Việt. Thông qua chương trình này, những sinh viên Pitzer có thể khám phá về đất nước Việt Nam năng động, tăng cường kỹ năng nói tiếng Việt và thu nhận cho mình những hiểu biết về cuộc sống, văn hóa Việt Nam. Trong khuôn khổ chương trình, đoàn sinh viên Pitzer đã có một chuyến tham quan thực tế đến thủ đô Hà Nội và vịnh Hạ Long để tìm hiểu sâu hơn về miền Bắc Việt Nam.

Đoàn sinh viên Đại học Pitzer tham quan nhà truyền thống Đại học Huế

“Huế là nơi tốt nhất để tìm hiểu văn hóa Việt”

“Hơn 30 năm trước, tôi đã gặp PGS. TS. Huỳnh Đình Chiến (Trung tâm Học liệu Đại học Huế). Lúc đó, chúng tôi đã nói chuyện về dự định hợp tác trao đổi sinh viên, giảng viên giữa Đại học Pitzer và Đại học Huế. Cách đây 2 năm, Đại học Pitzer và Đại học Huế đã ký thỏa thuận hợp tác và mới đây (đầu tháng 6/2017), Hiệu trưởng Đại học Pitzer - GS. Melvin L.Oliver đã đến thăm Đại học Huế. Ông rất vui mừng khi thoả thuận hợp tác về Chương trình mùa hè học ngôn ngữ và văn hoá bắt đầu từ năm 2017 được triển khai rất thành công tại Đại học Huế”, tiến sĩ Michael Ballagh cho hay.

Đại học Pitzer đã có chương trình hợp tác với 6 nước trên thế giới là Costa Rica, Ecuador, Brazil, Nepan, Nam Phi, Botswana và Việt Nam là nước thứ bảy đại học này có thỏa thuận hợp tác. “Chúng tôi chọn Việt Nam và chọn hợp tác với Đại học Huế vì Huế đẹp, môi trường trong lành, các trường đại học rất gần trong thành phố, chỉ mất 10 phút là có thể đạp xe đến trường đại học và quan trọng hơn là ở đây, các sinh viên của chúng tôi có cơ hội để ở cùng với gia đình người Huế, học tiếng Việt và tìm hiểu về văn hóa Việt Nam tốt nhất”, tiến sĩ Michael Ballagh nói.

Tiến sĩ Michael Ballagh cho biết, ở Mỹ có nhiều gia đình người Việt biết nói nhưng không biết viết tiếng Việt và rất muốn học tiếng Việt. “Dù vậy những gia đình người Việt này còn e ngại khi cho con cái mình trở về Việt Nam. Tôi hy vọng những sinh viên tham gia Chương trình mùa hè học ngôn ngữ và văn hoá đầu tiên tại Đại học Huế khi trở về Mỹ sẽ nói với các bạn bè của mình bên đó về Việt Nam hôm nay. Tôi cũng hy vọng những thế hệ trẻ sau này sẽ thay đổi suy nghĩ và trở về Việt Nam học tập. Từng có nhiều năm làm việc ở Việt Nam, tôi thấy Việt Nam đã thay đổi nhiều. Đây là đất nước thanh bình và an toàn cho sinh viên Mỹ đến học và tìm hiểu về văn hóa. Các cán bộ Đại học Huế rất giỏi và đã làm việc hết mình cho thành công của chương trình hợp tác này”.

Tiếp theo thành công của Chương trình mùa hè học ngôn ngữ và văn hoá đầu tiên tại Đại học Huế, Đại học Pitzer sẽ tiếp tục hợp tác với Đại học Huế trong chương trình trao đổi giảng viên và chuyên viên để phát triển năng lực đội ngũ cán bộ; tổ chức các chương trình nghiên cứu chung trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu và các trao đổi học thuật khác. Đại học Pitzer cũng sẽ tài trợ học bổng cho sinh viên Đại học Huế sang học tập tại Đại học Pitzer trong thời gian tới.

Được thành lập từ năm 1963, Đại học Pitzer là một thành viên của Hiệp hội các trường đại học Claremont gồm 5 trường đào tạo cấp cử nhân và 2 trường đào tạo cấp thạc sĩ. Đại học Pitzer là một trường đại học uy tín, xếp thứ 32 trong bảng xếp hạng năm 2017 các trường đại học tổng hợp (Liberal Arts Colleges) của Best Colleges. Trường đứng đầu trên thế giới về số lượng giảng viên và sinh viên được cấp học bổng Fullbright để học tập và nghiên cứu.

Ngọc Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh

Góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, tạo nếp sống văn hóa là thành quả đáng tự hào của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Nam Đông khi triển khai Đề án Ngày Chủ nhật xanh “hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạnh - sáng”.

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh
Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số

Văn hóa đọc không còn như trước đây, không phải cứ cầm sách mới là đọc sách. Trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cho rằng, trong thời đại công nghệ số, độc giả có thể đọc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào chỉ cần có điện thoại, máy tính… kết nối internet.

Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số
Em và ngày hội đọc sách

So với các bạn cùng trang lứa TP. Huế và vùng đồng bằng, các bạn nhỏ ở huyện vùng núi, vùng xa Nam Đông và A Lưới thiệt thòi hơn nhiều về điều kiện để tiếp cận công nghệ thông tin...

Em và ngày hội đọc sách

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top