ClockThứ Bảy, 10/02/2018 08:50

Tăng cường chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới

TTH.VN - Chính phủ vừa có Nghị quyết 139/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, đồng thời tăng cường tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thay đổi hành vi của người dân và các cấp ủy, chính quyền các cấp để tăng cường bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân; tập trung ưu tiên các hoạt động dự phòng gắn với y tế cơ sở như: Chế độ dinh dưỡng hợp lý, sữa học đường, dinh dưỡng học đường; bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng cường luyện tập thể dục thể thao; vận động toàn dân giữ gìn vệ sinh môi trường để mọi người dân được sống trong môi trường trong sạch, không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia; tăng cường công tác y tế học đường; phòng, chống bệnh nghề nghiệp… nhằm góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam; phòng chống các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, béo phì…, giảm biến chứng, giảm tử vong, tăng tuổi thọ, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng đề án đổi mới căn bản về giáo dục thể chất, tâm lý, tăng số môn tập luyện tự chọn trong nhà trường, kết hợp chặt chẽ với tập luyện ngoài nhà trường. Tăng cường và đổi mới công tác y tế học đường trên cơ sở gắn chặt với y tế cơ sở.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiệm vụ phát triển mạnh các phong trào rèn luyện thân thể trong các cơ quan, nhà trường và cộng đồng dân cư. Khai thác hiệu quả các thiết chế thể dục thể thao. Vận động và tạo điều kiện về cơ sở vật chất, không gian để người dân tham gia luyện tập, bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao với nhiều hình thức tổ chức hoạt động.

Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở

Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án bảo đảm an ninh y tế, ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp, đặc biệt là các dịch bệnh mới nổi; triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng cường và nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Xây dựng, trình Chính phủ lộ trình tăng số vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng phù hợp với khả năng ngân sách.

Đồng thời tập trung chỉ đạo, tăng cường triển khai các hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; xây dựng cơ chế, chính sách và tuyên truyền, vận động nhân dân khám sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật; đẩy mạnh việc quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần phối hợp với Bộ Y tế triển khai chính sách bảo hiểm y tế đối với y tế cơ sở nhằm khuyến khích người dân khám, chữa bệnh tại y tế cơ sở, tạo điều kiện để y tế cơ sở phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Bộ Tài chính có trách nhiệm bảo đảm ngân sách trung ương và hướng dẫn các địa phương tăng chi ngân sách cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu và các đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật, người bị ảnh hưởng bởi hậu quả của chiến tranh, các đối tượng ưu tiên. Bảo đảm nguồn lực trong nước để mở rộng các hoạt động nâng cao sức khỏe, cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh sốt rét.

Khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện

Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh các tuyến, đặc biệt là tuyến cơ sở nhằm tăng sự hài lòng của người bệnh; giải quyết căn bản tình trạng quá tải tại một số bệnh viện tuyến cuối vào năm 2020; tiếp tục phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh, tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, luân phiên, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; đẩy mạnh đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức và xây dựng cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường.

Cùng với đó giảm phiền hà, giảm thời gian chờ đợi, tạo thuận lợi cho người bệnh thông qua đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh (bệnh án điện tử, khám, chữa bệnh từ xa, chiếu chụp không cần in phim). Xây dựng cơ chế, chính sách và thực hiện lộ trình thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định. Phát triển mạnh hệ thống cấp cứu tại cộng đồng và trước khi vào bệnh viện.

Phát triển nhân lực và khoa học - công nghệ y tế

Nghị quyết nêu rõ: Bộ Y tế xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy định để đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu của hệ thống y tế và hội nhập được với quốc tế. Phân định và thực hiện đào tạo theo 02 hệ thống năng lực: Nghiên cứu và khám chữa bệnh. Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn của cơ sở đào tạo, nhân lực y tế. Triển khai cơ chế, chính sách để các cơ sở đào tạo lý thuyết gắn chặt với các cơ sở đào tạo thực hành, bảo đảm đạt được các năng lực cơ bản đáp ứng yêu cầu của hệ thống y tế.

Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học công nghệ y tế, dược, sinh học ngang tầm khu vực và quốc tế. Ưu tiên cho nghiên cứu ứng dụng, chú trọng nghiên cứu các chỉ số sức khỏe, các chỉ số y sinh học phù hợp cho người Việt Nam. Phấn đấu để đưa một số sản phẩm thuốc, vắc xin thành sản phẩm quốc gia. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến; đào tạo phát triển đội ngũ cán bộ chuyên ngành thiết bị y tế. Xây dựng và triển khai các chương trình, đề án để ứng dụng, sử dụng có hiệu quả các thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đề xuất các cơ chế, chính sách để bảo đảm nguồn nhân lực cho bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế, đặc biệt là những người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo và trong các lĩnh vực y tế dự phòng, pháp y, tâm thần, lao, phong... Khuyến khích các địa phương xây dựng và thực hiện các chính sách thu hút nhân lực y tế làm việc tại y tế cơ sở thuộc địa bàn quản lý.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ triển khai các nội dung liên quan đến thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ y, dược, sinh học ngang tầm khu vực và quốc tế.

Theo VPCP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường công tác dân vận ở những nơi còn vướng mắc, khó khăn

Đây là thời điểm mà cả hệ thống chính trị trong tỉnh tăng tốc thực hiện công tác dân vận (DV), nhất là “DV khéo” để củng cố, tạo sự đồng thuận cao hơn nữa của người dân, hướng đến mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết (NQ) 54 của Bộ Chính trị.

Tăng cường công tác dân vận ở những nơi còn vướng mắc, khó khăn
Học Bác về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân

Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, coi nghề y là nghề đặc biệt. Đây là vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề cập. Tư tưởng đó phản ánh chiều sâu nhân văn của chế độ XHCN, dễ hiểu, dễ làm theo.

Học Bác về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top