ClockThứ Tư, 04/07/2018 14:17

Tăng cường sức mạnh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc

Với 7 Chương, 40 Điều, Luật Quốc phòng (sửa đổi) có nhiều quy định mới, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Luật đã được Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.

Phát huy tính lưỡng dụng khi kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội

Quốc hội thông qua toàn văn Luật Quốc phòng (sửa đổi). Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Điều 15, Luật Quốc phòng (sửa đổi) quy định: Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng là sự gắn kết mọi hoạt động quốc phòng với các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội có sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước để góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội.

Quy định này là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến khi thảo luận về dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi). Các đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao về vấn đề này và cho rằng Luật đã quy định nguyên tắc, chính sách lớn về sự kết hợp hai chiều giữa quốc phòng và kinh tế - xã hội thể hiện sự gắn kết giữa hai lĩnh vực này, có thống nhất quản lý điều hành của nhà nước, góp phần củng cố, tăng cường nguồn lực nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc ta.

Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang phân tích, quân đội làm kinh tế là thực hiện ba chức năng: Đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất; là sự cụ thể hóa hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dẫn chứng các đoàn kinh tế quốc phòng ở khu vực biên giới đã không quản khó khăn, gian khổ, luôn gắn bó với nhân dân, góp phần bảo vệ biên giới đất nước; những đơn vị công binh xây dựng công trình phục vụ phát triển kinh tế đất nước…, đại biểu Tô Ái Vang khẳng định, quân đội ta làm kinh tế không phải là ý muốn chủ quan mà là quy định của điều kiện lịch sử và bản chất truyền thống, chức năng của quân đội cách mạng, quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã được lịch sử hơn 70 năm xây dựng, phát triển, chiến đấu của quân đội ta khẳng định; là nhu cầu thực tế của xã hội, yêu cầu nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho quân đội.

Luật quy định đầy đủ, toàn diện về trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Quốc phòng trong việc cho ý kiến, tham gia thẩm định đối với việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án của các bộ, ngành, địa phương phù hợp với Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan (điểm d khoản 2 Điều 15). Đồng thời, Luật cũng nêu rõ một số dự án đầu tư xây dựng ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng phải có tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng (điểm e khoản 2 Điều 15) để thể chế Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Quốc phòng Việt Nam; Kết luận số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Quân sự Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đánh giá, quy định này phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời là giải pháp để giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu của quốc phòng và khả năng kinh tế của đất nước. Nếu thực hiện và phát huy được tính lưỡng dụng sẽ mang lại hiệu quả cao trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc

Điểm mới đáng chú ý của Luật Quốc phòng (sửa đổi) là đã bổ sung quy định về phòng thủ quân khu (Điều 8) để phù hợp với Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới, tạo hành lang pháp lý, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong xây dựng, hoạt động phòng thủ quân khu thời gian qua, phù hợp với thực tiễn xây dựng và lịch sử phát triển trên 70 năm của các quân khu.

Mặc dù quân khu không phải là cấp hành chính, song có vị trí, vai trò chiến lược trong phòng thủ đất nước để bảo vệ từng vùng, miền, hướng chiến lược. Quân khu có chức năng, nhiệm vụ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ; giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý Nhà nước về quốc phòng trên địa bàn. Khi có chiến sự, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh quân khu lãnh đạo, chỉ đạo và chỉ huy thống nhất lực lượng vũ trang chiến đấu bảo vệ địa phương; đồng thời, quân khu mới có đủ lực lượng, phương tiện để thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng mà cấp tỉnh, cấp huyện không giải quyết được. Thực tế cho thấy, các quân khu đóng góp quan trọng vào các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, quân khu là hình thức tổ chức quân sự theo lãnh thổ, Việt Nam đã rất thành công với hình thức tổ chức này. “Phòng thủ quân khu có vai trò rất quan trọng, không thể thiếu trong phòng thủ quốc gia. Lần sửa đổi này bổ sung thêm nội dung phòng thủ quân khu nhằm tạo hành lang pháp lý chính thức cho xây dựng và hoạt động phòng thủ quân khu, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trên các hướng chiến lược”, đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá.

Ngoài ra, Luật Quốc phòng (sửa đổi) quy định đối ngoại là một trong những tiềm lực trong khu vực phòng thủ (điểm b khoản 2 Điều 9). Đây là sự phát triển mới, nhằm thể chế quan điểm của Đảng bảo vệ Tổ quốc từ xa và từ sớm. Bên cạnh đó, Luật bổ sung quy định khu vực phòng thủ Thủ đô Hà Nội là bộ phận hợp thành phòng thủ đất nước (tại khoản 3 Điều 9), để phù hợp với tính chất nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô Hà Nội và Luật Thủ đô.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã dần thu hẹp.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Tăng cường công tác dân vận ở những nơi còn vướng mắc, khó khăn

Đây là thời điểm mà cả hệ thống chính trị trong tỉnh tăng tốc thực hiện công tác dân vận (DV), nhất là “DV khéo” để củng cố, tạo sự đồng thuận cao hơn nữa của người dân, hướng đến mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết (NQ) 54 của Bộ Chính trị.

Tăng cường công tác dân vận ở những nơi còn vướng mắc, khó khăn
Return to top