ClockThứ Bảy, 18/06/2016 14:01

Thầm lặng.

TTH - Để có môi trường sạch sẽ, giúp người bệnh phần nào thoải mái khi điều trị, những hộ lý ở bệnh viện (BV) đã miệt mài với công việc dù rất bình thường nhưng không kém phần cao cả.

Chị Hoàng Thị Mỹ thu xếp chăn gối, đồ dùng sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân khi đến điều trị ở BV Phong Điền

Việc “không tên”

Với 12 năm làm việc ở BV Phú Vang, chị Trương Thị Thanh Nhàn được đồng nghiệp đánh giá là hộ lý nhiệt tình. Hiện, mỗi ngày chị Nhàn được nhóm trưởng phân công vệ sinh ở Khoa Khám bệnh, khu nhà tiếp đón bệnh nhân của BV. Với công việc ấy, đòi hỏi chị thường đến sớm hơn đồng nghiệp để dọn dẹp, lau chùi các phòng khám, trước khi bắt đầu ngày làm việc mới của các y, bác sĩ. Sau khi hoàn tất vệ sinh phòng, chị lau chùi các hành lang, làm sạch nền nhà và kiểm tra các công tắc điện, nước, thu gom rác ở khu nhà vệ sinh. Công việc không vất vả lắm nhưng chị Nhàn ít khi được ngơi tay.

12 năm gắn bó với nghề, chị Nhàn có nhiều kỷ niệm buồn, vui, nhưng vượt lên tất cả là tình yêu nghề, biết đồng cảm và chia sẻ.  Chị trải lòng: “Yêu cầu của BV là phải luôn giữ môi trường sạch sẽ, khu vực nào càng nhiều người qua lại càng phải được dọn dẹp, vệ sinh kỹ. Cực nhất vẫn là khâu dọn dẹp nhà vệ sinh, nhiều khi chứng kiến nhiều người thiếu ý thức xả rác xuống bồn nhưng nhắc nhở họ lại có những lời lẽ xúc phạm. Tủi lắm nhưng phải bấm bụng để vượt qua”.

Cũng như chị Nhàn, hộ lý Võ Thị Sim được lãnh đạo đơn vị đánh giá cao về công việc đang làm ở Khoa Sản nhi, BV Phú Vang. Trước đây, chị Sim làm việc ở Phòng khám Đa khoa Diên Đại (Phú Vang), năm 2006 được chuyển công tác đến BV Phú Vang nhờ đức tính chăm làm ham việc.. Công việc của chị Sim một ngày quay đều, từ quét dọn, vệ sinh, lau chùi ở các phòng, khoa; thu gom phân loại rác thải từ bông băng, kim tiêm, chai lọ... chuyển đi xử lý. Chị Sim chia sẻ: “Công việc dọn vệ sinh ở Khoa Sản nếu không kiên nhẫn sẽ khó làm được. Ngày nào cũng tiếp xúc với môi trường sinh nở, máu mủ; hoặc trường hợp mổ xẻ, phẫu thuật, nhân viên ở khoa rất vất vả. Nhiều ca mổ xong, đồ bảo hộ, dụng cụ bết máu, nếu ai không quen dễ bị buồn nôn, khó thở vì mùi đặc trưng khó chịu”.

“Không tên” nhưng không thể thiếu

Hàng ngày, những hộ lý âm thầm hoàn thành công việc ở BV rồi lặng lẽ ra về. Mọi người đến khám, điều trị ở BV ít ai lưu tâm đến công việc của các nhân viên hộ lý. Âm thầm là thế, nhưng nhìn những hành lang sạch sẽ, những phòng bệnh không vết bẩn mới thấy được sự đóng góp của nhân viên hộ lý thật đáng trân trọng. Tranh thủ lúc dừng việc lau chùi ở khu hành lang, chị Sim trải lòng: “Có nhiều lúc người nhà vào khoa để thăm bệnh đông, nền vừa lau xong có nhiều người đi lại, giày dép làm sàn bẩn, ố rất khó chịu. Có người còn nhìn mình với ánh mắt không mấy thiện cảm. Những khi đó, tôi thầm nghĩ vì bệnh nhân mà vui vẻ, cố làm tốt để không thẹn với lương tâm, với đồng nghiệp, đơn vị”.

Tại BV Phong Điền, lượng bệnh nhân đến thăm khám điều trị bình quân mỗi ngày từ 200-250 lượt. Ngoài vai trò của đội ngũ y, bác sĩ, công việc của các nhân viên hộ lý ở đây cũng luôn tất bật. Từ việc vệ sinh sạch sẽ khuôn viên sân vườn, đến lau chùi, dọn dẹp ngăn nắp các khoa, phòng; thu gom rác thải, thay chăn màn nệm gối cho bệnh nhân... Cứ sáng sớm, trước khi các y, bác sĩ làm việc, nhân viên hộ lý trong trang phục của mình đã thoắt ẩn, thoắt hiện theo nhiệm vụ phân công.

Chị Hoàng Thị Mỹ, nhân viên hộ lý có tuổi nghề lớn nhất ở BV Phong Điền, được ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng phòng Điều dưỡng đánh giá là người tận tụy với công việc. Trao đổi với chúng tôi, chị Mỹ cho rằng, nghề gì cũng có vui, buồn nhưng cái để nhớ, đi vào kỷ niệm rất ít được chia sẻ. Hơn 30 năm theo nghề, đến giờ chị có thể đúc kết rằng, làm hộ lý là một công việc thầm lặng. Công việc ấy dẫu không gọi thành tên nhưng rất quan trọng. Đằng sau sự thành công của đội ngũ y, bác sĩ, tạo thương hiệu cho BV có sự đóng góp rất lớn của nhân viên hộ lý...

“Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ trong BV là một trong những yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân mau bình phục. Vì vậy, công việc của hộ lý trong BV tuy thầm lặng, nhưng không thể thiếu, dù chỉ một ngày. Mỗi bộ phận trong BV giống như một thành phần tạo ra cỗ máy và cỗ máy muốn chạy tốt thì không thể thiếu đi sự đóng góp của bất kỳ một thành phần nào dù là rất nhỏ”- bác sĩ CK II, Nguyễn Hữu Lợi, Giám đốc BV Phong Điền nói.

MINH VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chương trình hộ lý, điều dưỡng làm việc tại Nhật Bản:
Giải pháp việc làm hiệu quả cho thanh niên

Nếu bạn có khát khao lớn để thành công, mong muốn giúp đỡ bố mẹ và người thân…, bạn có thể nắm bắt cơ hội xuất khẩu lao động tại Nhật Bản theo ngành hộ lý và điều dưỡng. Đó là thông điệp được Công ty Daystar truyền cảm hứng cho thanh niên tại hội thảo “Chương trình hộ lý, điều dưỡng làm việc tại Nhật Bản - Giải pháp việc làm hiệu quả cho thanh niên” diễn ra chiều 21/11.

Giải pháp việc làm hiệu quả cho thanh niên
Return to top