ClockChủ Nhật, 12/08/2018 14:15

Tìm về vốn cổ

TTH - Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống Huế một cách thiết thực và hiệu quả là đưa mọi người đến với di sản.

Đưa “âm sắc cung đình” đến gần với công chúng“Văn hiến kinh kỳ” sẽ được đưa vào nhà hát

Khảo sát thực địa. Ảnh: Đắc Thái

Miền di sản

Trong xu hướng toàn cầu hóa, thế giới phẳng đã đưa con người khắp nơi xích lại gần nhau hơn, xóa nhòa mọi ranh giới và sự khác biệt. Tuy nhiên cũng từ đó, tất yếu nảy sinh nhu cầu tìm về cội nguồn để nhấn mạnh hệ giá trị bản sắc, tạo nên sự khác biệt đặc trưng. Đó là tinh thần cốt lõi xuyên suốt để tạo nên Hành trình tìm về vốn cổ trong chương trình hợp tác giữa Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế và Khoa Mỹ thuật - Đại học Văn Lang (TP. Hồ Chí Minh), khởi động từ năm 2016.

Huế và cả dải đất miền Trung là nơi dung dưỡng, bao chứa tầng tầng lớp lớp những trầm tích, di sản văn hóa bản địa, hòa trộn với hệ giá trị văn hóa lan tỏa, ảnh hưởng từ phía Nam, phía Bắc. Quá trình xác lập vai trò thủ phủ vùng miền thời Đàng Trong, rồi kinh đô cả nước thời Nguyễn, Huế trở thành xứ sở Thần kinh hội tụ tinh hoa văn hóa cả nước, và cả xứ Thiền kinh của một trung tâm văn hóa Phật giáo. Tất cả được thể hiện rõ nét qua nhiều khía cạnh, từ phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, nếp nghĩ suy, lối sống, cho đến kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật... Chính bởi giá trị đặc trưng nổi bật của một miền di sản văn hóa đó mà chúng tôi tiếp cận Huế với tư cách là một bảo tàng sống động, một môi trường thực nghiệp trong việc nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các giá trị di sản mỹ thuật truyền thống trong đời sống hiện nay.

Tiếp cận

Khởi đầu những năm 2004 - 2005, với một số kết quả trong quá trình khảo sát điền dã khắp mọi miền làng quê, đã gợi mở hướng tiếp cận di sản mỹ thuật cổ ở miền Trung để sau này, dần xuất bản thành công trình Mỹ thuật thời chúa Nguyễn: dẫn liệu từ di sản lăng mộ (Nguyễn Hữu Thông Cb, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 2014) rồi Tượng thờ Hindou giáo: Từ tháp Chăm đến chùa, miếu Việt (Nguyễn Hữu Thông Cb, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 2016). Từ nền tảng này, nhu cầu hợp tác, phát huy thế mạnh trong nghiên cứu và giảng dạy mỹ thuật, lịch sử văn hóa được đặt ra bức thiết giữa Phân viện và Trường đại học Văn Lang.

Trong bối cảnh đó, di sản văn hóa truyền thống ở miền Trung, đặc biệt là ở miền di sản Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế càng được chú trọng cấp thiết. Phương châm làm việc được đặt ra là cần tiếp cận một cách đầy đủ nhất để khảo sát, thu thập, đo vẽ, quay phim, chụp ảnh..., từng bước xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về di sản mỹ thuật truyền thống Huế, được thực hiện công phu, thận trọng trên thực địa và có sự hỗ trợ tối đa của các phương tiện, kỹ thuật số hiện đại. Phân loại, xử lý một cách bài bản khối dữ liệu thu thập được, trở thành một dữ liệu khoa học về mỹ thuật truyền thống. Cơ sở dữ liệu có tính nền tảng này sẽ là công cụ thiết thực, hữu ích trong việc nghiên cứu, giảng dạy, đặc biệt là với ngành mỹ thuật ứng dụng. Tất cả nhằm đưa những dạng thức, hoa văn trang trí truyền thống Việt Nam (tiêu biểu, đậm đặc như ở Huế) vào trong các loại hình sản phẩm phục vụ nhu cầu đời sống tiêu dùng hiện nay, một cách hài hòa, phù hợp và hiệu quả.

Khảo sát đình làng Văn Xá. Ảnh: Đình Hùng

Thời gian qua, Hành trình tìm về vốn cổ đặc biệt chú trọng khảo sát, dữ liệu hóa và khai thác hệ giá trị mỹ thuật truyền thống trong các đối tượng, phạm vi di sản như: Quần thể di tích kiến trúc triều Nguyễn (các công trình trong Kinh Thành, lăng tẩm các hoàng đế triều Nguyễn), di sản kiến trúc mỹ thuật đình làng truyền thống ở Thừa Thiên Huế, di sản kiến trúc mỹ thuật nhà rường, nhà vườn xứ Huế, di sản kiến trúc mỹ thuật bình phong trong văn hóa Huế, di sản nghệ thuật tạo hình trong nghề dệt và sản phẩm zèng của người Tà Ôi ở huyện A Lưới...

Kết quả bước đầu

Trong nội dung hợp tác và trao đổi trong nghiên cứu - giảng dạy, ngoài việc các nghiên cứu viên của Phân viện vào làm việc tại TP. Hồ Chí Minh thì hằng năm, Đại học Văn Lang tổ chức từ 1 đến 3 đợt khảo sát về di sản mỹ thuật truyền thống Huế, với hơn 150 cán bộ giảng viên và sinh viên. Hoạt động khoa học và đào tạo theo phương thức thực nghiệm đã mang lại nhiều hứng khởi, bổ ích cho đội ngũ giảng viên và sinh viên của trường, thực sự đưa họ đến với di sản mỹ thuật truyền thống Huế và từ đó, lan tỏa ảnh hưởng trong xã hội, đến với từng sản phẩm đương đại. Kết quả khảo sát trên thực địa sẽ được dữ liệu hóa nghiêm túc, khoa học, hình thành nên những báo cáo thực tập/ tốt nghiệp và trưng bày triển lãm mỹ thuật, hội thảo theo chuyên đề. Ở mức độ cao hơn, tất cả sẽ là tư liệu thực chứng cho việc biên soạn giáo trình, những công trình chuyên khảo về mỹ thuật như Bình phong trong đời sống văn hóa Huế, Nghệ thuật trang trí đình làng truyền thống Huế, Nghệ thuật trang trí nhà vườn truyền thống Huế, Hoa văn trang trí Zèng của người Tà Ôi (A Lưới)...

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống Huế một cách thiết thực và hiệu quả là đưa mọi người đến với di sản. Từ đó, tiếp tục chuyển tải, đưa tinh hoa di sản truyền thống vào các sản phẩm phục vụ đời sống xã hội. Huế nói riêng và miền Trung nói chung, với cách đặt vấn đề như vậy, thực sự là một bảo tàng sống động, môi trường thực nghiệm lý tưởng cho công tác nghiên cứu và đào tạo về mỹ thuật và rộng hơn là nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa truyền thống. Cho nên, cần cụ thể hóa, thể chế hóa để tạo môi trường và hành lang pháp lý, cho di sản văn hóa truyền thống Huế thực sự được bảo tồn và phát triển bền vững.

TRẦN ĐÌNH HẰNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách: Giá trị văn hóa thời Nguyễn, gồm 23 bài viết với 380 trang. Các bài viết đã nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan, mang tính chất tổng kết nghiên cứu di sản Cố đô Huế, góp phần làm rõ giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa Huế.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn
Đu tiên Phú Gia trở lại

Một ngày cuối tháng Hai vừa qua, người dân làng Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc đã đổ về sân Nhà văn hóa cùng tham gia lễ phục dựng trò chơi Đu Tiên và các trò chơi dân gian. Nhìn những ánh mắt rạng ngời dõi theo những vòng đu quay, mới nhận ra trong lòng họ đang ngập tràn hạnh phúc, bởi sau 25 năm, giờ trò đu tiên mới được phục dựng trên mảnh đất quê hương.

Đu tiên Phú Gia trở lại
KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG BĐBP (3/3/1959-3/3/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY BIÊN PHÒNG TOÀN DÂN (3/3/1989-3/3/2024)
“Chìa khóa” phát huy sức mạnh biên phòng toàn dân

Rộn ràng những niềm vui, rạng rỡ những nụ cười, ấm áp những cái bắt tay thật chặt giữa bộ đội biên phòng (BĐBP) và người dân, đó là “bức tranh” đẹp đẽ trên 33 xã, phường, thị trấn biên giới, trong “Ngày hội Biên phòng toàn dân”.

“Chìa khóa” phát huy sức mạnh biên phòng toàn dân
Return to top