|
Duy trì bữa cơm gia đình là rất quan trọng. Ảnh: Ngọc Hòa |
Ngày nay, khi xã hội phát triển mạnh mẽ, để đáp ứng với yêu cầu phát triển của xã hội, nhiều người trẻ đầu tư hầu hết thời gian cho công việc và ít quan tâm đến nấu nướng bữa cơm cho gia đình. Nhiều gia đình không còn chú trọng đến chức năng tổ chức đời sống gia đình như ngày xưa. Đến bữa ăn, một số người mẹ phát tiền cho con cái, muốn ăn gì thì đi mua về ăn.
Nhiều bạn trẻ khi trưởng thành, bước vào đời nhưng hạn chế về kiến thức nấu ăn, thiếu hiểu biết về văn hóa ẩm thực, mặc dù được sinh ra trên đất Huế - cái nôi của văn hóa ẩm thực. Điều này ảnh hưởng không ít đến cuộc sống của chính các em, nhất là khi các em là người phụ nữ, người chị, người mẹ trong gia đình, người con của quê hương vốn có truyền thống văn hóa ẩm thực đặc sắc. Cũng chính vì vậy mà việc lưu truyền những giá trị trong văn hóa ẩm thực Huế cần được lưu tâm để không bị mai một dần.
Nghệ nhân, chuyên gia ẩm thực Mai Thị Trà cho rằng: “Tính tổ chức của người mẹ trong việc duy trì bữa cơm gia đình là rất quan trọng. Điều này không chỉ bảo đảm sức khỏe thể chất và tinh thần, thể hiện tình yêu thương, sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình mà còn dần tác động lưu truyền cho con cái nét đẹp trong văn hóa của người Huế nói chung và văn hóa ẩm thực Huế nói riêng”.
Nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Phiên chia sẻ rằng: “Khi còn nhỏ mình thấy bà ngoại, mẹ, dì, mợ… nấu ăn những món ăn của Huế rất ngon, thơm và đẹp... Dần dần ăn sâu vào tiềm thức để rồi con, cháu trong gia đình học theo, làm theo và đó cũng là cách để duy trì, tiếp nối, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống trong văn hóa ẩm thực của người Huế”.
Việc nấu ăn là bắt đầu từ gia đình, dạy con cháu truyền thống văn hóa của gia đình, của quê hương cũng bắt đầu từ gia đình. Gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng nhân cách cho con trẻ. Việc giữ được cốt cách con người Huế, giữ gìn, tiếp nối và lan tỏa những giá trị đặc sắc của văn hóa ẩm thực Huế trước tiên cũng bắt nguồn từ mỗi gia đình. Trong đó, việc tổ chức bữa cơm gia đình là cách làm gần gũi nhất.
Theo nghệ nhân, chuyên gia ẩm thực Mai Thị Trà “nếu bữa cơm gia đình không tổ chức thường xuyên được thì chỉ cần một tuần một hoặc hai lần, ví dụ như dịp cuối tuần chẳng hạn để quy tụ gia đình, để các thành viên trong gia đình gặp gỡ, chuyện trò. Qua đó, vừa giáo dục tình cảm, lối sống, cách cư xử cho con cái vừa truyền lại cho thế hệ con cái những nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Huế. Bên cạnh người mẹ, người vợ thì người cha cũng cần hỗ trợ việc tổ chức bữa cơm gia đình được duy trì để con cái học theo”. Có lẽ, đây là cách hiệu quả và gần gũi nhất để nét đẹp trong văn hóa ẩm thực cũng như vẻ đẹp trong truyền thống văn hóa Huế, cốt cách con người Huế được giữ gìn và phát huy.
Nhịp sống hiện đại có thể làm mất đi những thói quen lạc hậu, cổ hủ nhưng những nét đẹp trong văn hóa của người Huế nói chung, văn hóa ẩm thực Huế nói riêng cần giữ gìn và phát huy. Trong đó, vai trò của gia đình với chức năng tổ chức, xây dựng đời sống là rất quan trọng, đặc biệt là việc nấu những bữa cơm cho các thành viên trong gia đình.