ClockChủ Nhật, 23/07/2017 05:56

Trầm Huế

TTH - Từ lâu, dân làm trầm hương ở miền Trung xác định rằng, trầm càng xa vùng đất Huế thì giá trị càng giảm…

 Vũng nước - nơi thờ cúng của người làm trầm ở Huế

Lệ cúng trên vũng nước sông

16 tháng 12 âm lịch hàng năm, trên sông Hương, tại vũng nước phía bên phải điện Huệ Nam (làng Hải Cát, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà) gần cây sung cổ thụ, lại đón những người kinh doanh trầm hương của Huế. Họ đến để thực hiện lễ cúng tạ ơn trên đã ban cho họ một năm làm ăn, một năm gắn với trầm hương. Và đúng 1 tháng sau, họ sẽ trở lại đây để cúng xin mở cửa rừng, hay nói đúng hơn là xin thần linh phù hộ cho nghiệp trầm hương đi thông về suốt.

Ông Lê Văn Trai, Hội chủ trầm hương Huế cho biết: “Cứ đúng định lệ, những người liên quan nghề trầm hương lại cúng lễ ở đây. Thật sự không nhớ từ khi nào có lệ này, bởi vì khi tôi tham gia hội thì những cụ đi trước cũng nói không nhớ bắt đầu từ khi nào”.

Hỏi các hội viên của hội trầm thì cũng không mấy ai biết tại sao lại cúng ở vũng nước bên phải điện Huệ Nam như thế. Đem chuyện trao đổi với các nhà nghiên cứu văn hóa, hầu hết thống nhất rằng, lễ cúng của hội trầm hương Huế ở ngay phía phải của điện Huệ Nam, nơi thờ phụng Thiên Y A Na, mang ý nghĩa người làm nghề trầm hương luôn nhớ về Mẹ xứ sở, người đã ban tặng cho họ một sản vật quý giá.

Theo truyền thuyết, trầm hương là hiện thân của Mẹ xứ sở - Po Inư Nưga của người Chăm mà người Việt gọi là Thiên Y A Na - là biểu tượng thiêng liêng nhất của người Chăm về mẹ. Sự gắn kết một tín điều thiêng liêng nhất với một loại cây cho hương thơm nhất, ấy là sự gắn kết có thể nói là hoàn mỹ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Bảo Đàn (Phân viện Nghiên cứu VHNT quốc gia Việt Nam tại Huế), cho biết: “Các đền, miếu thờ tín ngưỡng Thiên Y A Na ở miền Trung về cơ bản phải có gốc trầm hương, do trầm hương là hiện thân của thánh mẫu. Trầm hương cũng từ đó mà trở thành biểu tượng của một tín ngưỡng dân gian”.

Gạn trầm

Quả vậy, ở điện Huệ Nam, khá nhiều gốc trầm hương nhỏ được thờ phụng. Hiện vật trầm hương được tạo tác và thờ cúng cũng được nhìn thấy ở một số am, điện của tín ngưỡng thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na. Thầy đồng Lê Văn C. người phụ trách nghi lễ của các lễ hội tại điện Huệ Nam, cho biết thêm: “Văn cúng, văn chầu dành cho Mẫu Thiên Y có nói tới sự hóa thân đó của Mẫu vào gốc trầm hương cho nên thờ gốc trầm hương là thờ khởi nguồn của Mẫu…”.

Nghề trầm

Đến một cơ sở trầm hương có tiếng ở đường Lịch Đợi, TP. Huế (xin không nêu tên), ông chủ vui tính liền bưng ra một hũ rượu ngâm trầm hương đã ngả màu xanh vàng và mời: “Uống vô hay lắm”. Không biết cái “hay lắm” nó như thế nào, chỉ biết, hương trầm cứ thoang thoảng từ cuống họng ra mũi.

Hơn 40 năm sống với nghề trầm hương, ông chủ cơ sở ở đường Lịch Đợi thấy mình may mắn vì trầm hương đã mang lại cho ông nhiều thứ. Lớn nhất là sự tôn trọng tuyệt đối giá trị văn hóa tâm linh của vợ chồng ông và của cả con cái. Điều đó đã khiến cho ông giữ lại gần như nguyên vẹn những khối trầm hương được tạo hình từ những ngày đầu mới vào nghề.

Làm nghề trầm hương ở Huế có nhiều dạng, người buôn trầm, người làm hương trầm, người thì đẽo, vạt, xoi trầm… Nhưng gắn bó nhất vẫn là những người buôn trầm, bởi chính họ là những người đã trải qua nhiều giai đoạn của nghề trầm. Có người đi kiếm trầm trên rừng rồi trở thành người buôn trầm. Có người thừa kế nghề buôn trầm của người đi trước.

Tượng phật được chế tác từ trầm

Ngày nay, do khai thác, trầm hương tự nhiên giảm hẳn nên xu hướng kinh doanh trầm hương nhân tạo tăng lên, kéo theo đó là sự hình thành những làng, những vùng dân cư chuyên về nghề trầm hương nhân tạo. Vùng Bằng Lãng (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy) và làng Thanh Phước (xã Hương Phong, thị xã Hương Trà) là hai nơi như thế. Và ngày nay, người làm nghề trầm hương của Huế đã sang các nước Đông Nam Á để mở rộng phạm vi làm nghề của mình.

Ông Phan Hữu Thương, Trưởng thôn Thanh Phước cho biết: “Việc cưa, vạt, đẽo của nam giới. Việc xoi, gạn của phụ nữ trẻ. Việc làm trầm nụ, hương trầm của phụ nữ luống tuổi. Việc xay giác trầm, chuyên chở trầm và phơi hương trầm đa phần của nam giới”.

Người Việt xưa có câu “trầm Nam, quế Bắc”. Ngạn ngữ đó chỉ ra một giá trị, rằng trên dải đất hình chữ S này, rừng núi có 2 sản vật quý là quế và trầm thì trầm phải nói đến vùng đất miền Nam, hay nói chính xác hơn là vùng phía Nam so với Bắc Bộ ngày nay. Và với giới làm nghề trầm hương, ranh giới đèo Hải Vân chia ra hai vùng khác nhau về trầm và kỳ nam. Trầm có giá trị nhất ở vùng Huế và kỳ nam có giá trị nhất ở vùng Khánh Hòa. Từ lâu, dân làm trầm hương ở Huế nói riêng và miền Trung nói chung đã xác định bằng kinh nghiệm của mình về giá trị của trầm theo vùng đất. Trầm càng xa vùng Huế thì giá càng giảm.

Giá trị của trầm Huế được ghi nhận từ rất lâu. Trong các thư tịch cổ của người Nhật cả ngàn năm trước đã cho biết như vậy. Và vào thời kỳ bành trướng Hồi giáo của người Ả Rập, trong các văn bản của họ cũng đã nói đến tương tự. Điều này cho thấy, Huế, cụ thể là phía bắc Hải Vân gần như là thủ phủ của nghề trầm hương, nơi đưa trầm hương thăng hoa và trở thành một giá trị văn hóa.

Bài, ảnh: Đình Đính

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tìm lại vị thế cho vùng đất Huế

Rồng - Giáp Thìn 2024 là “năm bản lề” triển khai thực hiện Nghị quyết 54 – NQ/TW của Bộ Chính trị xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với bản sắc văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường.

Tìm lại vị thế cho vùng đất Huế
Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại khu vực miền Trung

Nhận định về thời tiết trong những ngày tới, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, từ chiều tối 15/11 đến đêm 16/11, khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 200 - 300mm, có nơi trên 500mm.

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại khu vực miền Trung
Sắc diện mới nơi Đình Phú Vĩnh

Thượng tuần tháng 6/2023, “Điểm xanh văn hóa” tại Đình Phú Vĩnh - tổ dân phố 3, phường Phường Đúc đã được khánh thành. Cũng trong dịp ấy, Phường Đúc đã trao quyết định, ra mắt tổ tự quản điểm xanh Đình Phú Vĩnh trong sự hân hoan, vui mừng của mọi người.

Sắc diện mới nơi Đình Phú Vĩnh
Return to top