ClockThứ Năm, 16/11/2023 08:04

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại khu vực miền Trung

Nhận định về thời tiết trong những ngày tới, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, từ chiều tối 15/11 đến đêm 16/11, khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 200 - 300mm, có nơi trên 500mm.
Mưa lớn làm nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố Huế ngập sâu. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN 
Những ngày qua, tình hình mưa lũ nghiêm trọng đã và đang gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại các địa phương khu vực miền Trung. Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, tính đến chiều tối 15/11, mưa lũ đã làm 2 người chết, 3 người mất tích (Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế). Ngập lụt, sạt lở đất tại nhiều tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung Bộ.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, mưa to đến rất to đã làm lũ trên các sông Hương, sông Bồ vượt mức báo động III, gây ngập lụt nhiều khu vực. Các tuyến đường lớn như: Trường Chinh, Phan Chu Trinh, Phan Đình Phùng, Hải Triều, Bến Nghé... (thành phố Huế) bị ngập sâu, nhiều nơi ngập hơn 1m. Đến thời điểm này vẫn còn 8 huyện, thị xã, thành phố bị ngập từ 0,3 - 1,5 m gồm: Thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà, huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Nam Đông, Phú Lộc.

Mưa lớn làm tê liệt tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn Hiền Sỹ - Văn Xá, Văn Xá - Huế, Truồi - Hương Thủy…, có đoạn ngập sâu trên mặt ray 0,5m.

Mưa lớn trên địa bàn xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng làm sạt lở đất từ một quả đồi xuống nhà một hộ dân, khiến hai vợ chồng bị mắc kẹt bên trong. May mắn, sự việc được phát hiện sớm, lực lượng chức năng địa phương và người dân xung quanh đã giải cứu các nạn nhân kịp thời. Mưa lũ cũng làm 6 thôn bản bị chia cắt tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình).

Tại tỉnh Quảng Trị, hơn 1.300 ngôi nhà bị ngập, tập trung ở hai huyện Hải Lăng, Cam Lộ và thành phố Đông Hà. Mưa cũng gây ngập lụt cục bộ một số khu vực và tuyến đường, ngầm tràn làm chia cắt giao thông như ngầm tràn Ba Lòng, cầu tràn A Ngo - A Bung, ngầm tràn Tà Rụt - A Ngo, ngầm tràn A Rồng Trên, ngầm tràn A Đeng... Hiện 3 huyện Đắk Rông, Triệu Phong, Hải Lăng vẫn bị ngập từ 0,2 - 1m. Lũ trên các sông khu vực tỉnh Quảng Trị đang lên, tiềm ẩn nguy cơ ngập úng cục bộ vùng thấp trũng, ven sông suối, các ngầm tràn qua khe suối ở khu vực miền núi, ngập lụt vùng thấp trũng hạ lưu sông Bến Hải, sông Hiếu, sông Thạch Hãn và sông Ô Lâu…

Lực lượng chức năng đưa người dân ở khu vực bị ngập sâu tại Thừa Thiên Huế đến nơi an toàn. Ảnh: TTXVN phát 

Mưa to trong đêm 14 và sáng 15/11 cùng với lượng nước đổ về từ thượng nguồn khiến vùng trũng, thấp thành phố Hội An (Quảng Nam) bị ngập sâu trong nước. Tại tỉnh Khánh Hòa, mưa to và dông khiến tuyến đường Quốc lộ 1 đi qua địa bàn thành phố Cam Ranh bị ngập sâu từ 0,5 - 0,8 m. Mưa lớn khiến một số khu vực như: phường Vĩnh Hòa, Vĩnh Hải và các xã Phước Đồng, Vĩnh Thạnh (thành phố Nha Trang) bị ngập cục bộ...

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Quảng Ngãi, trên tuyến tỉnh lộ DT.626 (từ thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà đi xã Hương Trà, huyện Trà Bồng) đã có 7 điểm sạt lở núi, ta luy, đất đá vùi lấp mặt đường, nặng nhất là tại vị trí Km7+650 (qua tổ dân phố Nước Nia, thị trấn Di Lăng). Mưa lớn làm 1.500 m3 đất đá từ trên đồi cao tràn xuống lòng đường chia cắt tuyến đường này khiến người dân và các phương tiện không thể lưu thông qua khu vực.

Do ảnh hưởng của mưa lớn, nhiều địa phương ở tỉnh Ninh Thuận đã xảy ra tình trạng ngập lụt, đặc biệt là trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Để tiếp tục ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của mưa lũ thực hiện nghiêm Công điện số 1095/CĐ-TTg, ngày 15/11 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại Trung Bộ.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiến cứu nạn, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã thăm hỏi những gia đình có người bị chết, đồng thời chỉ đạo lực lượng chức năng tích cực tìm kiếm những người mất tích, hỗ trợ, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, phục vụ nhân dân tại vùng nguy cơ cô lập, chia cắt dài ngày do ngập sâu, sạt lở đất; bố trí lực lượng kiểm soát, rào chắn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người. Các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận đã cho học sinh nghỉ học. Các đơn vị chức năng đã và đang phối hợp với chính quyền địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ.

Nhận định về thời tiết trong những ngày tới, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, từ chiều tối 15/11 đến đêm 16/11, khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 200 - 300mm, có nơi trên 500mm. Đà Nẵng đến Quảng Ngãi có mưa từ 150 - 250mm, có nơi trên 400mm. Từ Bình Định đến Ninh Thuận có mưa từ 100 - 200mm, có nơi trên 300mm. Từ ngày 17/11, mưa lớn giảm dần.

Từ đêm 15/11 đến chiều 16/11, khu vực từ Nam Nghệ An đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50 - 100mm, có nơi trên 200mm. Chiều tối ngày 15-16/11, khu vực Tây Nguyên có mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20 - 40mm, có nơi trên 70mm. Độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá ở cấp 1. Khu vực Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi có độ rủi ro thiên tai cấp 2.

Ông Nguyễn Văn Hưởng nhận định, thời kỳ này vẫn là giai đoạn chính của mùa mưa tại Trung Bộ. Do vậy, các đợt mưa lớn vẫn tiếp tục xảy ra, cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá trên khu vực. Cùng với đó, hiện tượng dông, lốc và sét có thể kèm theo mưa đá vẫn tiếp tục xuất hiện trên phạm vi toàn quốc.

Theo TTXVN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không để đường sá hư hỏng, chia cắt khi mưa lũ

Đó là phương châm xuyên suốt của ngành giao thông vận tải (GTVT) tỉnh trong thời gian gần đây về phòng, chống lụt bão. Với phương châm đó, ngành GTVT thường xuyên rà soát, bổ sung phương án qua mỗi trận mưa, cơn bão để gia cố, phòng tránh hợp lý, giữ mạch giao thông thông suốt.

Không để đường sá hư hỏng, chia cắt khi mưa lũ
Không để dịch bệnh mùa bão lũ bùng phát

Ngày 7/11, Sở Y tế cho biết vừa ban hành công văn yêu cầu tăng cường phòng chống dịch trước, trong và sau các đợt mưa lũ đối với các đơn vị trực thuộc và 9 trung tâm y tế (TTYT) huyện, thị, thành phố. Tinh thần chỉ đạo chú trọng việc không để dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng.

Không để dịch bệnh mùa bão lũ bùng phát

TIN MỚI

Return to top