ClockThứ Sáu, 03/11/2023 13:10

Sắc diện mới nơi Đình Phú Vĩnh

TTH.VN - Thượng tuần tháng 6/2023, “Điểm xanh văn hóa” tại Đình Phú Vĩnh - tổ dân phố 3, phường Phường Đúc đã được khánh thành. Cũng trong dịp ấy, Phường Đúc đã trao quyết định, ra mắt tổ tự quản điểm xanh Đình Phú Vĩnh trong sự hân hoan, vui mừng của mọi người.

Tham vấn chuyên gia, nhà khoa học về Quy hoạch Quần thể di tích Cố đô Huế​Lễ tế Đàn Âm hồn tưởng nhớ sự kiện Thất thủ kinh đôBản quy ước ứng xử văn hóa đầu tiên của thành phố HuếVăn hóa là điểm tựa để phát triển kinh tế - xã hộiChúa Nguyễn Hoàng, người có công lớn mở rộng bờ cõi về phía Nam

 Đình Đệ Cửu (còn có tên là Đình Phú Vĩnh)

Đình Đệ Cửu (hay còn gọi là Đình Phú Vĩnh) ở xóm Lịch Đợi (nay thuộc Tổ 3, phường Phường Đúc, Tp Huế) mà tôi có dịp ghé thăm cách đây không lâu là một công trình đìu hiu lạnh lẽo và đang trên đà trở thành phế tích.

Tra cứu tài liệu, được biết đây là một trong 9 ngôi đình của 9 phường bên ngoài Kinh thành Huế được lập dưới triều Thành Thái; được trùng tu xây dựng lại vào năm 1937. Chiến tranh và những biến động lịch sử khiến ngôi đình thiếu được chăm nom và dần xuống cấp, hoang phế.

Mãi đến khi khu định cư Bàu Vá giai đoạn 4 triển khai, có tin vị trí đình Phú Vĩnh hoang phế tọa lạc cũng sẽ được san ủi phục vụ quy hoạch, khi ấy người dân nơi đây mới giật mình và có ý kiến đề đạt đến các ngành, các cấp đề nghị bảo tồn ngôi đình- một di sản của tiền nhân gắn chặt với lịch sử, văn hóa vùng đất Huế.

Nguyện vọng ấy đã được lãnh đạo tỉnh lắng nghe và có ý kiến chỉ đạo giữ nguyên hiện trạng để tiến tới trùng tu ngôi đình; giao trách nhiệm cho các đơn vị thực hiện dự án Bàu Vá trồng cây xanh để che chắn, cải thiện cảnh quan … Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn lực, ngôi đình tiếp tục đà xuống cấp nghiêm trọng. 

Cách đây hơn 2 năm, khi lần đầu đặt chân đến đây, trong tôi trào dâng một cảm giác man mác buồn xen lẫn thương cảm. Không một dấu chân người, khuôn viên um tùm cỏ và các bụi cây dại, các công trình hầu hết đều sụp đổ, nứt vỡ, không một cái gì là còn nguyên vẹn. Đình thờ chính không một mảnh ngói, đòn tay, rui mè rơi rụng sạch trơn, chỉ còn chơ vơ mấy bức vách rệu rã đang chực đổ. Ba án thờ được xây bằng gạch thì vôi vữa bong tróc loang lổ. Đồ khí tự chẳng có gì ngoài 3 chiếc bát nhang, trong đó có chiếc phải dùng tạm bằng cốc thủy tinh, 3 quả bồng, 3 cái bình hoa be bé…Nói chung là nhìn rất “thảm cảnh”.

Đình Đệ Cửu (Phú Vĩnh) không chỉ được lập để thờ Thành hoàng mà còn thờ các bậc tiền nhân của các họ, phái có công lập làng; là chỗ chiêm bái, cầu nguyện mỗi dịp sóc vọng, nhị kỳ Xuân Thu của con dân trong làng và bà con bá tánh đến ngụ cư từ nhiều thế hệ … Đứng trước cảnh đổ nát hoang tàn, tôi thầm nghĩ rồi đề đạt trong bài viết “Nốt “lặng” buồn giữa lòng đô thị” (Thừa Thiên Huế Online 8/9/2021) : “Con dân của 7 họ, 4 phái nguyên được thờ trong ngôi đình Phú Vĩnh chắc chắn không hề ít, và hẳn trong số đó sẽ không hiếm những người thành đạt, giàu có. Chủ trương của tỉnh cũng đã rõ ràng. Nếu ban vận động được thành lập và hoạt động công tâm, ráo riết, dù sớm dù muộn, chắc chắn công việc rồi cũng sẽ thành tựu. Nhưng trước hết, vài tấm tôn để che mưa che nắng cho các án thờ để khói nhang mỗi dịp sóc vọng, hẳn không quá khó và là việc nên làm. Về mặt nhân tâm, sẽ làm cho người sống đỡ thấy lạnh lẽo trong lòng. Còn về mặt tâm linh, biết đâu từ chút tâm thành thao thức ấy linh khí sẽ lại tụ về, chứng tri và phù trì để ngôi đình lại sớm quang rạng ấm áp như ngày xưa cũ…”

Vui sao đề đạt ấy hình như đã “ứng nghiệm”, trong lúc chờ một sự đầu tư dài hơi và có tính chiến lược, phường Phường Đúc đã vận động các họ, phái và bà con nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công để tu sửa một phần đình làng, xây dựng tại đây một điểm xanh với diện tích 100m2 và một sân bóng mi ni cho trẻ em; lắp đặt một số dụng cụ thể dục thể thao, ghế đá, trồng hoa hồng cùng các loại hoa xung quanh…Thượng tuần tháng 6/2023, “Điểm xanh văn hóa” tại Đình Phú Vĩnh - tổ dân phố 3, phường Phường Đúc đã được khánh thành. Cũng trong dịp ấy, Phường Đúc đã trao quyết định, ra mắt tổ tự quản điểm xanh Đình Phú Vĩnh trong sự hân hoan, vui mừng của mọi người.

Nội đình nay đã được tu sửa, thờ tự nghiêm trang  
 Nhà bia công đức đã được gia cố tạm thời. Vẫn còn rất nhiều hạng mục đang chờ nguồn lực để tiếp tục sửa sang, nâng cấp.

Trở lại thăm Đình Phú Vĩnh, cảnh quan nơi đây đã khoác lên mình một sắc diện mới, quang rạng và tràn đầy sinh khí. Cây dại được phát dọn, sân vườn được láng nền và trồng thêm hoa kiểng, 2 tòa “tiền tích, hậu đình” được tô quét khang trang, lát nền, lợp mái, lắp cửa; các án thờ được sắm sanh tôn trí bát nhang và đồ tự khí, hương khói nghiêm trang. Ngôi đình tuy mới chỉ lợp bằng mái tôn nhưng cũng đã khiến cho nội điện trở nên ấm cúng rất nhiều

Vô tình khi tôi đến thăm cũng là lúc các ông Lê Long, Lê Văn Chiến ghé đến. Ông Long là Bí thư Chi bộ, còn ông Chiến là Tổ trưởng Tổ dân phố 3, đồng thời cũng là trưởng và phó tổ tự quản Đình Phú Vĩnh. Hai ông cho biết, sau lễ khánh thành, an vị, dịp cuối tháng 9/2023 vừa rồi, lễ Thu tế  đã tổ chức tại Đình sau mấy thập kỷ gián đoạn. Bà con đã rủ nhau tựu về chiêm bái, cầu nguyện rất hoan hỷ. Tính ra phải đến 5-6 trăm người. Một số cuộc họp, hội ý của chi bộ, tổ dân phố, mặt trận cũng được tổ chức tại đây, và sắp tới sẽ là ngày hội đại đoàn kết toàn dân…tất cả dần biến không gian Đình Phú Vĩnh thành một điểm sinh hoạt văn hóa- tâm linh, sinh hoạt cộng đồng …

 Lịch sử, phương danh đóng góp, thu-chi cụ thể...được niêm yết công khai để mọi người đều biết

Sẽ còn cần nhiều nguồn lực nữa để đầu tư, và được biết địa phương cũng với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng sẽ tiến đến lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử văn hóa Đình Phú Vĩnh. Ngay giữa khu đô thị Bàu Vá, “đột khởi” một vùng đất cao ráo, xanh tươi, trên đó tọa lạc một ngôi đình- một di tích trăm tuổi gắn với văn hóa, với lịch sử phát triển của xứ sở sông Hương núi Ngự. Chợt thấy vui và thật thú vị khi nghĩ về cái hình ảnh dễ thương kia, một hình ảnh đang hiện hữu và dần hoàn thiện chứ không còn là viễn cảnh…

Hiền An
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ

Làm gì để giữ gìn văn hóa Huế trong dòng chảy cuộc sống hôm nay? Đó là nỗi trăn trở của những người yêu Huế. Muốn giữ gìn, phát huy, lan tỏa thì phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục đối với mọi tầng lớp nhân dân, trong đó phải kể đến đối tượng học sinh – sinh viên đang học tập, sinh hoạt trong mỗi trường học.

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ
Nỗi thương món Huế

Xứ Huế để lại những ấn tượng sâu đậm trong tâm trí tôi vì nhiều lẽ: Cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng hữu tình, con người duyên dáng và thanh lịch, chất văn hóa ngấm trong từng danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, nếp sống, nếp nghĩ của con người Cố đô... Và, tôi còn vấn vương xứ Huế vì một lẽ khác nữa - những món của Huế!

Nỗi thương món Huế
“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”
Lễ hội góp phần tôn vinh bản sắc giá trị văn hóa Huế

Bên cạnh đẩy mạnh xây dựng nghiên cứu nhằm hoàn thiện hệ thống hồ sơ khoa học về các lễ hội, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục các giá trị của lễ hội, lựa chọn để quảng bá những nét đẹp, hạn chế những lễ hội có những hình ảnh phản cảm.

Lễ hội góp phần tôn vinh bản sắc giá trị văn hóa Huế
Tìm lại vị thế cho vùng đất Huế

Rồng - Giáp Thìn 2024 là “năm bản lề” triển khai thực hiện Nghị quyết 54 – NQ/TW của Bộ Chính trị xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với bản sắc văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường.

Tìm lại vị thế cho vùng đất Huế

TIN MỚI

Return to top