ClockThứ Năm, 10/05/2012 12:49

Tự hào về Tôn Thất Tùng, người con xứ Huế

TTH -  Nhân dân Việt Nam và giới y học tự hào về GS.Tôn Thất Tùng, người con ưu tú xứ Huế, cựu học sinh xuất sắc của Trường Quốc Học về tài năng khoa học xuất chúng, lòng yêu nước nồng nàn và phẩm chất cao quý của người thầy.

Một nhân cách Huế

GS.Tôn Thất Tùng là cháu đời thứ 6 của chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765). Ông nội là cụ Tôn Thất Tư, làm Tổng đốc tỉnh Thanh Hóa, có 3 người con đều làm Tổng đốc Thanh Hóa: Tôn Thất Trường (con trưởng), Tôn Thất Niêm (con thứ 8) và Tôn Thất Thị (con thứ 9). Thân sinh là cụ Tôn Thất Niêm (1856-1914). Cụ Tôn Thất Niêm có 5 bà vợ, sinh được 12 trai, 13 gái. GS. Tôn Thất Tùng là con trai út. Mẹ là bà Hồng Thị Mỹ Lệ (1876-1949), người làng Minh Hương, huyện Hương Trà. Khi chồng mất vào năm 1914, bà đưa cả gia đình về Huế mua ngôi nhà bên hữu ngạn sông Hương, chăm sóc đàn con khôn lớn và ở đó cho đến khi qua đời vào năm 1949.
 

GS Tôn Thất Tùng (người mặc complet trắng bên trái) hướng dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh
thăm Bệnh viện Việt - Đức sau ngày Hà Nội giải phóng (10/10/1954). Ảnh: Internet

 
Năm 1944, Tôn Thất Tùng kết hôn cùng bà Vi Thị Nguyệt Hồ, cháu nội của Tổng đốc Hà Đông - Vi Văn Định. Bà Nguyệt Hồ từng được xem là hoa khôi Hà Thành. Hai tác giả Tôn Nữ Ngọc Trân và Tôn Nữ Hồng Tâm là con của GS. Tôn Thất Tùng cho biết: “Cha mẹ chúng tôi là một đôi, được trời sinh ra cho nhau. Sau giải phóng thủ đô Hà Nội năm 1954, mẹ chúng tôi bắt đầu làm công việc phụ mổ cho ông tại bệnh viện, chia sẻ những vất vả khó khăn cùng ông trong công việc và cuộc sống”.
 
Những ngày tham gia chiến trường Điện Biên Phủ, cùng với tình cảm lớn lao đối với dân tộc, trong tâm hồn của nhà trí thức Tôn Thất Tùng có những tình cảm sâu sắc đối với quê hương. Giáo sư ghi lại nhật ký và được hai tác giả Phạm Hồng Việt, Nguyễn Văn Hoa cho biết: 3/4/1954: bắt đầu mổ cho các thương binh. Nhà ở trong một lán nhỏ xinh xắn, trên bờ suối, nước chảy xung quanh những tảng đá lô nhô; có chỗ như thác, tiếng chảy ào ào cả đêm… Máy bay ném bom rung cả giường. Đã lấy hết đồi A1 chưa? Quang cảnh chỗ ở giống Bạch Mã. 28/4/1954: Một mình ngồi trên một ghế đổ. Chung quanh trơ ra những cột cháy đen… Núi và núi vòng quanh… Xa xa tiếng chim rừng kêu. Xưa, ở Huế, ta gọi nó là chim “Tre già măng mọc”, nay anh em dân công gọi nó là chim động viên: “cố gắng, tích cực”. 5/5/1954… Hôm qua mổ một anh bộ đội, chưa đầy 20 tuổi. Anh, một người đồng hương nói tiếng trọ trẹ: “Anh đừng làm tôi đau mà tội tôi!”.
 
Ngay sau khi đất nước thống nhất, ngày 25/5/1975, GS. Tôn Thất Tùng đã có mặt tại Huế và đến thăm Bệnh viện Trung ương Huế, Trường đại học Y khoa Huế rồi nói chuyện với cán bộ và sinh viên y khoa. Hôm sau, Giáo sư và phu nhân cùng đoàn đã đến thăm ngôi nhà mà Giáo sư đã gắn bó thuở thiếu thời (1914-1930) sau 45 năm xa cách. GS. Đặng Hanh Đệ cho biết, cảm xúc của GS. Tôn Thất Tùng lúc đó: Đứng trên nền nhà trơ trọi, thầy chẳng nói câu nào, lặng lẽ bước đi... Chỉ có cô Hồ nói: “Trong những năm sống ở Hà Nội, Thầy luôn nghĩ về quê hương, nên được tin đất nước thống nhất, Thầy đã nhanh chóng thu xếp để về quê”.
 
Cuối những năm 70, được tin trong Huế cử 2 sinh viên trường y ra Hà Nội học, thầy lộ vẻ vui mừng trông thấy… Biết tôi phụ trách lớp sinh viên này, thầy thường hỏi tôi về tình hình học tập và dặn bác sỹ phụ trách phòng mổ thu xếp cho 2 sinh viên ở ngay trong bệnh viện, để tiện học tập. Dù là điều kiện ăn còn rất khó khăn, cả 2 anh đã nỗ lực học tập và cuối năm là người đỗ đầu khóa. Đó là anh Bùi Đức Phú và anh Lê Lộc bây giờ”. GS. Bùi Đức Phú cũng nhận xét: “Một tháng ngay sau ngày đất nước thống nhất, thầy đã tranh thủ về Huế, đặc biệt quan tâm đến đội ngũ y bác sĩ và sự phát triển của ngành y của Huế. Sau chuyến công tác của thầy, một loạt các bác sĩ và sinh viên năm cuối của Đại học Y Huế được ra Hà Nội thực tập.”
 
Thời gian gắn bó với quê hương không nhiều, nhưng GS Tôn Thất Tùng vẫn giữ được giọng nói Huế, phong cách Huế, luôn quan tâm đến Huế và đã đào tạo được đội ngũ bác sĩ tài năng cho Huế.
 
Xứng danh người thầy thuốc - chiến sĩ
 
Tôn Thất Tùng là một học sinh xuất sắc của Trường Quốc Học Huế. Năm 1935, ông vào học tại Trường Y khoa Hà Nội, bấy giờ, đây là trường y duy nhất của cả Đông Dương. Ông là người duy nhất trúng tuyển xuất sắc trong kỳ thi khóa nội trú đầu tiên của trường và mở ra tiền lệ cho các bác sĩ nội trú người bản xứ từ năm 1938. Tốt nghiệp, ông được tặng Huy chương Bạc của Trường đại học Tổng hợp Paris. Trong thời gian học tại Trường đại học Y Hà Nội, Giáo sư Tôn Thất Tùng luôn tìm tòi những phát hiện mới trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.
 
GS. Daniel Jakeck- Đại học Strasbourg (Pháp) nhận xét: “Đối với chúng tôi, Giáo sư vẫn là một trong những ông tổ nổi tiếng nhất, tiêu biểu nhất trong phẫu thuật hiện đại về gan”. Còn GS. Yves Lecompte, nhân chứng về sự phát triển y học Việt Nam trong thế kỷ qua, người đã cùng GS. Tôn Thất Tùng đưa phẫu thuật tim vào Việt Nam nhận xét : Tôi hiểu rằng, phần đời mà tôi được sống bên anh, sự “cất cánh” của ngành mổ tim, chỉ là một mảng nhỏ trong sự nghiệp y khoa của anh. Anh còn là những nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực giải phẫu gan và những hệ quả rút ra từ đó cho kỹ thuật phân chia mạch máu trong gan. Đây là hai thành tựu vô cùng to lớn của anh; song, đối với tôi, điều đáng ngưỡng mộ hơn cả, đó là anh đã không chỉ hoàn thành được hai kỹ thuật ngoại khoa rất phức tạp này, mà còn liên kết được hai kỹ thuật đó trong điều kiện hết sức khó khăn. GS. Hồ Đắc Di, thuộc về thế hệ đàn anh, nhận xét: “Một con người tốt bụng hết sức. Một nhà bác học có tầm cỡ quốc tế. Thông minh tuyệt vời. Biết mười chỉ để làm một. Trong phẫu thuật thế giới, số người được giải thưởng Lannelongue như anh ấy còn quá hiếm, hiếm hơn cả số nhà vật lý được giải thưởng Nobel hay số nhà toán học được giải thưởng Fields”.
 
Là người kế tục ngành ngoại khoa xuất sắc của GS. Tôn Thất Tùng, GS. Bùi Đức Phú cho rằng: “Giáo sư Tùng là người đầu tiên đặt nền móng xây dựng ngành ngoại khoa Việt Nam. Dưới sự dạy dỗ, dìu dắt của thầy, một thế hệ đầu đàn của các chuyên ngành ngoại khoa đã trưởng thành”. Cuộc đời hoạt động khoa học và đào tạo của Giáo sư Tôn Thất Tùng được thể hiện qua một luận điểm nổi tiếng của giáo sư mà nhiều thế hệ học trò lấy đó làm phương châm: “Quan trọng thay cách làm việc của tuổi trẻ, lúc vỏ não chưa bị sách vở hay các ông thầy nhồi sọ bằng lý luận không sát mà người ta cứ tưởng như chân lý vĩnh viễn. Nếu không bám sát vào thực tế hàng ngày như vậy, thì lúc trưởng thành lên, làm sao không rơi vào con đường bảo thủ và giáo điều, cho mình biết hết mọi việc và tưởng rằng mọi vấn đề đã được giải quyết cả rồi’’ .
 
GS. Tôn Thất Tùng có gần nửa thế kỷ đồng hành với cách mạng Việt Nam, là chiến sĩ kiên cường, mưu trí cứu chữa hàng ngàn thương binh trên mặt trận Điện Biên Phủ, là bác sĩ đặc biệt chăm sóc sức khoẻ cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước cùng nhiều chiến sĩ, đồng bào trong hai cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm. TS. Ngô Vương Anh cho biết: “Chín năm kháng chiến thành công, GS. Tôn Thất Tùng lại cùng những học trò của mình xây dựng lại bệnh viện Việt- Đức, trung tâm ngoại khoa lớn nhất miền Bắc”. GS. Đặng Hanh Đệ cho biết, trong những ngày miền Bắc bị bom B52 của Mỹ đánh phá ác liệt, cán bộ trẻ trong bộ môn đồng lòng đề nghị thầy đi sơ tán để giữ gìn vốn quý của cả nước. Như bị xúc phạm, Giáo sư đã dằn giọng: “Các anh bảo tôi đảo ngũ à? ”. Thế rồi suốt 12 ngày đêm bắn phá bằng B52, mỗi đêm, họ đã mổ khoảng 100 nạn nhân bị thương. Thầy Tùng cùng cô Hồ luôn luôn bên cạnh.
 
GS. Tôn Thất Tùng là một trong những nhà khoa học sớm nhìn thấy nỗi đau da cam sau chiến tranh và sớm triển khai nghiên cứu việc khắc phục hậu quả của nó. Nhà báo Trịnh Tú, có 12 năm làm trợ lý GS. Tôn Thất Tùng (1970-1982), cho biết: “ Bằng sự nhạy bén của một nhà khoa học lớn, có tầm nhìn rộng, ông đã phát hiện ra tác hại khôn lường của chất độc này …Ủy ban 10/80 nghiên cứu về tác hại của chất độc da cam của Việt Nam được thành lập và ông là Chủ tịch điều hành”.        
 
GS. Tôn Thất Tùng còn là nhà hoạt động xã hội và hoạt động chính trị xuất chúng. Giáo sư từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế 15 năm, Đại biểu Quốc hội liên tục 6 khoá liền và giữ chức vụ Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Niên biểu đó đã xa chúng ta 30 năm nhưng phản ánh về sự cống hiến bền bỉ, xuất sắc của một trí thức nhiệt thành yêu nước. Người con xứ Huế - GS.Tôn Thất Tùng đã để lại cho hậu thế một di sản khoa học vô giá với nhiều thế hệ học trò xuất sắc, một phẩm chất yêu nước tuyệt vời, một tấm gương lao động kính nể.
 
PGS.TS Đỗ Bang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển

TIN MỚI

Return to top