ClockThứ Ba, 16/08/2016 13:46

Xử lý xuống cấp trụ sở UBND phường Phú Hòa: Vừa sửa chữa, vừa bảo tồn

TTH - Tại buổi tọa đàm lấy ý kiến về việc xử lý xuống cấp trụ sở UBND phường Phú Hòa, do UBND TP. Huế tổ chức mới đây, đa số các ý kiến đều thống nhất cần nâng cấp, sửa chữa trụ sở, song vẫn bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc vốn có.

Xuống cấp

Nguyên Bí thư Thành ủy Huế Nguyễn Văn Quang cho biết, trụ sở UBND phường Phú Hòa trước đây là địa điểm sinh hoạt của Hội Quảng Tri, được hình thành từ năm 1905. Nơi đây từng ghi dấu ấn hoạt động cách mạng của các nhà yêu nước như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Hải Triều…, cũng là nơi tổ chức nhiều buổi sinh hoạt văn hóa, biểu diễn văn nghệ, văn công của các đoàn văn hóa, nghệ thuật.

Trụ sở UBND phường Phú Hòa vốn là địa điểm sinh hoạt trước đây của Hội Quảng Tri

Nhiều năm gắn bó và sinh hoạt tại Hội Quảng Tri, với trách nhiệm của mình, lúc đó đang là lãnh đạo UBND phường Phú Hòa, ông Quang đề nghị đưa trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND phường Phú Hòa đến sinh hoạt tại đây để giữ địa điểm này. Tuy nhiên, hiện nay công trình đã xuống cấp, ông cũng như những người từng gắn bó với địa điểm sinh hoạt Hội Quảng Tri khá lo lắng.

Trực tiếp quản lý sử dụng công trình, ông Tôn Thất Thái, Chủ tịch UBND phường Phú Hòa thông tin, một số hạng mục công trình đã xuống cấp, trong đó đáng chú ý là hội trường đã trên 65 năm sử dụng, cơ quan chuyên môn đánh giá hiện trạng không thể tiếp tục sử dụng thêm và buộc phải đóng cửa để tránh ảnh hưởng đến tính mạng con người. Các hạng mục khác cũng có dấu hiệu xuống cấp.

Do phải đóng cửa hội trường nên phường Phú Hòa khá vất vả trong việc thuê, mượn địa điểm tổ chức các buổi họp, sinh hoạt Đảng, đoàn thể… Từ thực tế đó, UBND phường Phú Hòa đề xuất cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới trụ sở.

Cải tạo nhưng đảm bảo tính hài hòa

Tại buổi tọa đàm, có hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Đa số các nhà nghiên cứu Huế dù đồng tình ủng hộ việc cải tạo, nâng cấp, song vẫn đảm bảo gìn giữ những giá trị về mặt di tích, lịch sử, kiến trúc vốn có. Một số ý kiến khác cho rằng, nên di chuyển trụ sở phường Phú Hòa đi nơi khác, giữ nguyên hiện trạng địa điểm Hội Quảng Tri để làm công tác bảo tồn.

Theo ý kiến từ các nhà quản lý, thì diện tích sử dụng khá lớn, nếu không sử dụng sẽ lãng phí. Hơn nữa, phường Phú Hòa hiện thiếu quỹ đất, việc di chuyển trụ sở và xây mới chỗ khác không phải dễ. Do đó, họ đề nghị nên cải tạo, sửa chữa những hạng mục hư hỏng, xuống cấp và tiếp tục sử dụng.

Dưới góc nhìn của nhà quản lý, ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh đề nghị, TP. Huế nên sửa chữa, cải tạo công trình để tiếp tục phát huy giá trị sử dụng. “Di tích phải mở cửa, di tích mà đóng cửa là di tích chết.”, ông Hùng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm đó, ông Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, việc tìm địa điểm mới để quy hoạch xây dựng trụ sở phường Phú Hòa hiện nay là bất khả thi, do thiếu quỹ đất và cả kinh phí. Quan điểm của Sở Xây dựng là xây dựng công trình ở địa điểm cũ, với tính chất sinh hoạt hành chính, sinh hoạt Đảng là phù hợp. Ông Thắng cũng lưu ý về việc xuống cấp ở hội trường được đánh giá mức độ nguy hiểm cấp C, là cấp cực kỳ nguy hiểm và cần có giải pháp tức thời.

Kết luận tại buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Thành cảm ơn và ghi nhận ý kiến của đại biểu, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu Huế và cho hay, TP. Huế sẽ lựa chọn và cân nhắc phương án phù hợp nhất, trên tinh thần gìn giữ những giá trị tinh túy cốt lõi của địa điểm sinh hoạt Hội Quảng Tri. Việc cải tạo, sửa chữa dựa trên nguyên tắc đảm bảo tính hài hòa giữa giá trị lịch sử và công năng sử dụng.

Địa điểm sinh hoạt Hội Quảng Tri, mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa., song, đến nay vẫn chưa được công nhận và xếp hạng di tích. Các nhà nghiên cứu Huế mong muốn, TP. Huế sớm có các văn bản đề nghị công nhận, xếp hạng di tích và đặt bảng giới thiệu phía trước để Nhân dân và du khách biết.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã

Ngày 7/4, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) phối hợp với Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) tổ chức buổi tọa đàm: Sinh viên với hành động vì động vật hoang dã.

Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã
Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi

Sau 5 năm triển khai, Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh dù đạt nhiều thành quả nhưng vẫn đối mặt rất nhiều khó khăn. Trong đó phải kể đến môi trường diễn xướng cho loại hình di sản này vẫn chưa nhiều và có nhiều thay đổi theo chiều hướng hiện đại, chương trình quảng bá chưa rộng rãi nên chưa thu hút người tham gia…

Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi
Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống

Là địa phương có khá nhiều nghề, nghề truyền thống (NTT) và làng nghề truyền thống (LNTT) nên để khôi phục, bảo tồn và phát triển, TP. Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.

Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống

TIN MỚI

Return to top