ClockThứ Ba, 15/09/2015 17:11

“Ba đôi chân” không mỏi

TTH - Có 3 người mà những cán bộ ở Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh gọi đùa là "3 đôi chân" không mỏi. Họ là những đồng đẳng viên hoạt động trên phố, đi nhiều, thường xuyên gặp gỡ, đưa ra những vấn đề giúp thanh thiếu niên đường phố, đối tượng có nguy cơ cao không dính vào ma túy, HIV/AIDS.

Các đồng đẳng viên nhận hàng để hỗ trợ cung cấp cho đối tượng nghiện chích ma túy trên phố

Mong các em đừng sa ngã

“Mình không thích đề cập tới công việc đang làm”, đó là câu mở đầu khi tôi tiếp cận với anh T, một đồng đẳng viên do Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh giới thiệu. Sau những lời thuyết phục, anh T vào chuyện chân tình và không quên “khuyến cáo”: “Nói khéo cả khách hàng của mình chạy mất”.
Vốn từng có cuộc sống yên ổn với nghề cơ khí, nhưng do một phút nông nổi, anh T sa vào con đường nghiện hút. Khi Chương trình can thiệp giảm tác hại và phòng chống lây nhiễm HIV do Dự án DIFID (Na Uy) tài trợ được triển khai ở TP Huế, anh T tích cực tham gia với tư cách của một đồng đẳng viên hoạt động trên đường phố. Bất kể thời gian, thời tiết, hễ nghe thông tin, anh T tìm đến tiếp cận với những đối tượng nghiện ma túy, những người giống như anh một thời lầm lỗi để vận động, tuyên truyền về cách phòng chống HIV/AIDS. Tiêu chí đầu tiên về công việc anh T thực hiện là chia sẻ, nhẹ nhàng trong giao tiếp. Nếu không mềm mỏng, đối tượng quay lưng, bỏ đi. Đơn giản vì phần lớn đối tượng nghiện không muốn “dính” đến người xa lạ, nhất là càng “dị ứng” khi nghe đến nhóm này, tổ chức kia.
 Anh T kể: “Khi bắt đầu tham gia chương trình, mình cũng chưa quen. Sau một thời gian, mình thấy đây là công tác xã hội rất thiết thực, nhất là trước đây mình từng trải qua những ngày tháng đau khổ nên cố gắng hỗ trợ, giúp các em đừng sa ngã, xây dựng cuộc sống ý nghĩa hơn”.
Từ một thanh niên tử tế nhưng nghe lời bạn bè, anh K đã trải qua những tháng ngày ê chề với “nàng tiên nâu, tiên trắng”. Rũ bỏ tất cả, làm lại từ đầu, anh K được người thân giới thiệu trở thành đồng đẳng viên hoạt động trên đường phố hơn 3 năm nay. Bí quyết của anh K. là khi thấy nhóm thanh niên tụ tập ở đâu đó là dừng xe hỏi bâng quơ. Câu trả lời nhận được thường là những cái lắc đầu. Theo anh K, đó là cái cớ để “kết nối” với đối tượng. Khi thân quen, anh K trải lòng, mời các bạn về “quán nước”- địa chỉ tạo kế sinh nhai của gia đình để trao đổi, chia sẻ, động viên, hỗ trợ hướng dẫn sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm nhằm hạn chế bệnh lây lan ra cộng đồng.
Chế độ quá thấp
Còn anh P. một trong “3 đôi chân” đi nhiều, biết nhiều và trở thành một đồng đẳng viên “có hạng” ở TP Huế đầy ắp kỷ niệm vui, buồn có thể viết thành truyện dài tập. Để “trụ” được với công việc đến hôm nay, anh P phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức từ gia đình, xã hội. Hơn 10 năm theo “nghề”, anh P kinh nghiệm, hầu hết người nghiện ma túy, đặc biệt các bạn trẻ khi “đói thuốc” đều bất chấp tất cả và sẵn sàng làm liều, dùng chung bơm kim tiêm nếu không có sẵn. Khi họ lên cơn nghiện, mọi lời nói trở nên vô nghĩa, đồng đẳng viên lúc đó giống như “kỳ đà cản mũi”, dễ khiến đối tượng phát khùng. Thế nhưng vì “duyên nghiệp”, anh P đã khéo léo vượt qua.
Theo anh P, tiêu chí Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đề ra, bình quân trong tháng, một đồng đẳng viên thường tiếp cận khoảng 40-50 trường hợp nghiện chích ma túy, có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS cao; trong đó, có 3 đối tượng mới. Những đồng đẳng viên đến với “khách hàng” thể hiện mối quan hệ như anh em, người thân nhằm trao đổi chuyện, truyền đạt những kiến thức mà thành viên nhóm được hiểu thông qua các buổi tập huấn từ trung tâm để chia sẻ những mối nguy hiểm của cuộc sống đường phố, tác hại của ma túy; đồng thời hỗ trợ bơm kim tiêm sạch, bao cao su... Khi “khách hàng” nhận thức rõ ý nghĩa của việc phòng, tránh tệ nạn, đồng đẳng viên tiếp tục động viên, nhờ họ giới thiệu thêm bạn bè, những đối tượng có nguy cơ cao. Chính sự bắt cầu ấy, thời gian qua có hàng nghìn đối tượng trở thành “khách hàng” của nhóm đồng đẳng viên trên phố.
Bác sĩ Đoàn Chí Hiền, Trưởng phòng Truyền thông, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, nhóm đồng đẳng viên ở TP Huế thành lập năm 2004 với hàng chục thành viên hoạt động nhờ vào sự hỗ trợ của các tổ chức phòng chống HIV/AIDS trong và ngoài nước. Gần đây, nhóm chỉ còn lại 3 người làm việc trên tinh thần tự nguyện (mỗi tháng được hỗ trợ 500 nghìn đồng của trung tâm). Bác sĩ Hiền khẳng định, thời gian qua, các đồng đẳng viên trên phố đã góp phần quan trọng làm hạn chế nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Tuy nhiên hiện nay, với chế độ hỗ trợ như vậy còn quá thấp trong khi đồng đẳng viên phải hoạt động trong môi trường công việc phức tạp, nhạy cảm, không dễ nói, dễ nhận sự cảm thông. Đây cũng là điều trăn trở lớn của ngành trong cuộc chiến đầy cam go để ngăn chặn, đẩy lùi nạn hút chích ma túy trên địa bàn.
Bài, ảnh: Minh Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bé gái 7 tuổi bị chó dữ tấn công, vết thương sâu chạm xương cẳng tay

Ngày 5/5, BVTW Huế cho biết đang theo dõi, điều trị một bệnh nhi bị chó cắn nghiêm trọng. Đó là bé gái 7 tuổi ở khu vực 3 phường An Hòa, TP. Huế bị chó cắn với nhiều vết thương sâu phức tạp ở vùng cánh tay. Trong đó có vết thương nghiêm trọng chạm đến xương cẳng tay phải.

Bé gái 7 tuổi bị chó dữ tấn công, vết thương sâu chạm xương cẳng tay
​Hình thành trung tâm điều hành y tế thông minh

Đây là một trong các định hướng được đặt ra tại cuộc họp đánh giá triển khai thí điểm Hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSKĐT) theo các mô hình thuộc Đề án 06 do Sở Y tế tổ chức chiều 4/5.

​Hình thành trung tâm điều hành y tế thông minh
Khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân khu vực biên giới

Ngày 4/5, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp Bệnh viện Trung ương Huế; Bệnh viện Quân y 268 Quân khu 4, tổ chức chương trình kết hợp Quân dân y năm 2024, khám, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho Nhân dân khu vực biên giới xã Vinh Hiền (Phú Lộc).

Khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân khu vực biên giới
Return to top