ClockChủ Nhật, 29/01/2017 07:44

Bất thực lương quán kê...

TTH - Bất thực Lương Quán kê (Không ăn thịt gà làng Lương Quán). Câu kệ đó đã thôi thúc tôi ngược dòng sông Hương đến với ngôi làng vốn nổi tiếng về hoa thơm trái ngọt và nhiều di tích lịch sử nhưng cũng rất bí ẩn này.

Địa danh Bảy Vọt và phiến đá cho rằng, ngài khai canh làng ôm nhảy còn được dân làng chôn thờ cẩn thận

Cách trung tâm TP. Huế 7km về phía tây, làng Lương Quán có diện tích 149 mẫu 3 sào, thuộc phường Thủy Biều (TP. Huế). Địa thế của làng như một bán đảo chồm mình giữa sông Hương, khiến 3 mặt của làng đều được sông Hương bao bọc. Cũng chính vị trí độc đáo này mà nơi đây từng được vua chúa, hoàng tộc nhà Nguyễn chọn xây dựng nhiều công trình quốc phòng, kinh tế, dân sinh như: Cục đúc tiền Lương Quán, thời chúa Nguyễn Phúc Khoát; căn cứ thủy quân, thời vua Gia Long, với nhiều bến cảng, thủy đạo, khê cứ vững chắc. Đây còn là căn cứ của tượng quân, với nhiều địa danh Bãi Voi, Bến Ngà, Bến Tượng được dân làng quen gọi đến hôm nay. Lương Quán còn là vùng đất được nhiều hoàng thất nhà Nguyễn chọn an cư, hiện còn lưu tồn dòng họ Tôn Thất, Nguyễn Phúc chính hệ và phủ Lương Quán của Nguyễn Phúc Thể, hoàng tử thứ 9 của chúa Nguyễn Phúc Chu.

Truyền thuyết

Dân làng Lương Quán luôn tự hào với bề dày lịch sử. Minh chứng rõ nhất có cây thị ở xóm Nam Hạ thân to lớn đến 6 người nối vòng tay mới ôm hết, trái to chín hương tỏa khắp làng; khi gãy, cây nằm ngang đường, dân làng phải dùng 2 cái thang bắc hai bên để qua. Trong làng có ngôi mộ cổ, tương truyền là mộ công chúa Mỹ Ê thời Lý, trên đường rước vào nhập cung vua Chiêm thành, đến đoạn sông Lý Nhân chảy qua làng, công chúa đã gieo mình tự vẫn; thương tiếc, nhà vua cho an táng, xây lăng trì kiên cố bên bờ sông. Khoảng những năm 70, khu mộ bị đào trộm. Người dân ở đây cho biết, những người tham gia đào mộ hôm ấy nay vẫn còn sống nhưng phần lớn đều tan gia bại sản...

Con sông Lý Nhân chảy qua làng nay đã bị bồi lấp, chỉ còn một cái vệt, làm ranh giới giữa làng Lương Quán và làng Nguyệt Biều, nên có câu: “Nguyệt Biều Lương Quán bao xa/ Cách nhau cái hói sinh ra hai làng”. Tuy nhiên, đoạn trước Am Ông, nơi thờ ngài khai canh làng vẫn tụ lại thành một cái hồ; khi chưa bị trận lũ lịch sử năm 1999 lấp cạn, hồ sâu đến 9 mét, có nhiều con cá to có trọng lượng lên đến hàng chục cân.

Ngài khai canh làng tên Đặng Quý, là con thứ ba của ngài Đặng Đình Dực, em ruột Quốc công Đặng Tất, chú ruột của Tể tướng Đặng Dung. Ngài từng giữ chức quan tri phủ Bố Chánh. Khi Đặng Tất bị hãm hại, ngài phải ẩn tích, chọn bãi Lương Quán làm nghề đánh cá. Truyền thuyết kể rằng, ngài có nuôi một con gà có tiếng gáy lạ, vang xa, mỗi khi cất tiếng gáy, dân làng các vùng lân cận đều tỉnh giấc dậy lo cho ngày mới. Bãi Lương Quán ngày đó chỉ là cồn đất nhỏ nổi lên giữa sông Hương và sông Lý Nhân, cây cối um tùm; ngài đã mang con gà đó đi lễ làng Nguyệt Biều đổi bãi cát ven sông Lý Nhân để có chỗ neo thuyền, phơi lưới. Làng Nguyệt Biều đồng ý nhưng chỉ cho ngài ôm phiến đá nặng nhảy bảy bước, được chừng nào lấy chừng đó đất. Bãi cát về sau bồi đắp thành làng Lương Quán và đã quần tụ thêm nhiều dòng họ khác. Dân làng ghi nhớ công ơn đã không ăn thịt gà trong làng; cho rằng, gà của ngài, ăn phải tội. Có lẽ, câu kệ: “Bất thực Lương Quán kê” cũng xuất phát từ đây.

Ông Võ Đăng Xà, một trong những bậc cao niên trong làng cho rằng, “Bất thực Lương Quán kê” là dị bản của một câu trong bài kệ của vua Tự Đức. Nguyên văn của nó là “Bất thực Cư Chánh kê”. Cư Chánh là một làng nằm cách làng Lương Quán không xa; gà ở đây ăn toàn trái thông và sỏi nên thịt không béo, không ngon. Sở dĩ dân gian mượn câu kệ đó đổi Cư Chánh thành Lương Quán, nhằm ám chỉ việc ăn một con gà mà mất quá nhiều đất, tuy đất ấy từ quá trình bồi thêm mà có.

Đình làng Lương Quán

Thanh bình ngày mới

Do được bồi đắp nên bãi cát tiền khai canh thời đó giờ nằm lọt sâu trong làng, với địa danh Bảy Vọt (bảy bước nhảy); phiến đá cho rằng ngài ôm để nhảy cũng được dân làng kính cẩn chôn thờ gần bên. Đây còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của làng. Vào dịp Tết đều diễn ra hội đu tiên và các trò chơi dân gian sôi nổi.

Lương Quán hôm nay thanh bình với những tuyến đường bê tông dài hun hút, hai bên với nhiều ngôi nhà mới khang trang xen lẫn những ngôi nhà cổ; giữa những vườn thanh trà xanh tươi, hun hút vườn nối tiếp vườn. -Đây thực sự đã trở thành điểm đến của nhiều du khách”, ông Tôn Thất Đào, Bí thư Đảng phường Thủy Biều khẳng định.

Ông Đặng Văn Kế, xóm Nam Hạ cho biết, năm qua, thanh trà trong vườn ông bán trên 100 triệu đồng. Khách không chỉ ghé ở quầy trong ngày hội thanh trà mà còn lên tận vườn để mua. Khả năng vụ tới đây, thanh trà sẽ tiếp tục được mùa; bởi theo kinh nghiệm, năm nào tháng 10 tháng 11 âm lịch có mưa lạnh như thế này thì qua tháng chạp, thanh trà sẽ ra hoa, bói quả, kịp thu hoạch vào tháng 7, tháng 8 âm lịch. Còn nếu giai đoạn này trời nắng ấm thì qua tháng giêng, tháng hai thanh trà mới ra hoa, qua tháng 9 tháng 10 mới cho quả thì dễ gặp mưa gió, thất thu...

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Biều thông tin: “Nhờ khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh mà thu nhập, đời sống dân làng Lương Quán khá cao. Có rất nhiều hộ thu nhập trên 200 triệu đồng/năm từ kinh tế vườn, mua cả ô tô để đi lại”.

Vườn ở đây không chỉ độc canh thanh trà mà còn xen canh nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác để đi chợ hàng ngày, tăng thêm thu nhập; trong đó, có nuôi gà thả vườn. Có hộ nuôi gà đàn lên đến cả 100 con như hộ anh Hồ Hữu Long, đã cho thu nhập cao. Gà ở đây chất lượng thịt rất tốt. Trong các bữa cơm phục vụ theo hình thức du lịch cộng đồng, món thịt gà vẫn luôn được khách ưa thích, không có chuyện “bất thực Lương Quán kê”, ông Đặng Văn Kế cười.

Trong năm Đinh Dậu này, tuyến đường ven sông Hương nối từ đường Bùi Thị Xuân lên tận đình làng Lương Quán sẽ được đầu tư 4 tỷ đồng để mở rộng, nâng cấp. Khách du lịch sẽ thuận tiện hơn khi đến với làng quê nhiều hoa thơm trái ngọt và cũng mang đậm nhiều dấu ấn lịch sử này.

Bài, ảnh: Đặng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Các sản phẩm thay thế thịt, sữa có thể làm giảm 1/3 lượng khí thải từ hệ thống thực phẩm

Theo một nghiên cứu mới được công bố, việc thay thế một nửa tổng số lượng sữa động vật và các sản phẩm thịt lợn, thịt gà, thịt bò mà con người hiện đang tiêu thụ bằng các sản phẩm thay thế có nguồn gốc thực vật có thể làm giảm gần 1/3 lượng khí thải nhà kính từ nông nghiệp và các hoạt động sử dụng đất liên quan, đồng thời có thể góp phần ngăn chặn tình trạng mất rừng.

Các sản phẩm thay thế thịt, sữa có thể làm giảm 1 3 lượng khí thải từ hệ thống thực phẩm
“Thẻ xanh” cho rừng

Nghị viện châu Âu vừa thông qua dự luật cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất làm giảm diện tích rừng.

“Thẻ xanh” cho rừng
Lợi ích kép

Phong trào sản xuất sạch đang được nhân rộng trong hoạt động sản xuất ở nhiều vùng nông thôn hiện nay.

Lợi ích kép
Giá trị cho cao tốc

Công trình cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã cơ bản về đích và đang được kiểm tra, nghiệm thu để đưa vào vận hành cuối tháng 12 này.

Giá trị cho cao tốc
Hòa chung vùng trái ngọt

Lô bưởi da xanh của tỉnh Bến Tre và là lô bưởi đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Mỹ cuối tháng qua...

Hòa chung vùng trái ngọt
Return to top