|
Nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật có giá trị dinh dưỡng tương đương với thịt lợn, thịt bò, thịt gà và sữa nhưng ít gây hại cho môi trường hơn. Ảnh minh hoạ: Getty Image |
Thực tế, sự gia tăng dân số và thu nhập ngày càng cao hơn đang trên đà làm tăng nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm động vật quan trọng nói trên, và điều này có thể gây ra những hậu quả tai hại cho môi trường.
Rừng bị chặt phá để nhường chỗ cho việc chăn thả gia súc và trồng các loại ngũ cốc cần thiết để nuôi chúng, trong khi bò thải ra khí metan, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh, có khả năng hấp thụ nhiệt và tác động đến hiện tượng nóng lên toàn cầu cao gấp 80 lần so với khí CO2.
Được công bố trên tạp chí Nature Communications, nghiên cứu đã sử dụng mô hình để phân tích tác động của sự chuyển đổi chế độ ăn uống trên toàn thế giới sang các lựa chọn có nguồn gốc thực vật để thay thế cho thịt lợn, thịt bò, thịt gà và sữa với cùng giá trị dinh dưỡng.
Báo cáo cho rằng lượng phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp và các hoạt động sử dụng đất liên quan có thể giảm 31% vào năm 2050 so với mức năm 2020 nếu mức tiêu thụ các loại thịt và sữa này giảm 50%.
Với kịch bản đó, lượng đất dành cho mục đích nông nghiệp sẽ giảm 12% thay vì tiếp tục mở rộng như những năm qua, trong khi diện tích rừng và diện tích đất tự nhiên khác sẽ vẫn giữ nguyên như năm 2020, do đất dành cho chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ được giữ nguyên thay vì bị đốt hoặc phát quang. Đồng thời, việc sử dụng nitơ trong nông nghiệp sẽ chỉ tăng gần bằng 1/2 so với xu hướng dự kiến, và lượng nước sử dụng có thể giảm 10%.
Cơ hội quan trọng
Các nhà nghiên cứu cho biết, sự chuyển đổi lớn sang thực phẩm có nguồn gốc thực vật cũng sẽ cải thiện an ninh lương thực toàn cầu, với số người suy dinh dưỡng sẽ giảm 31 triệu người vào năm 2050.
Ngoài ra, sự chuyển đổi này sẽ thúc đẩy đa dạng sinh học. Diện tích đất được khôi phục có thể đóng góp từ 13% - 25% lượng đất phục hồi ước tính cần thiết vào năm 2030 theo mục tiêu đặt ra trong một hiệp ước toàn cầu được ký kết vào cuối năm 2022.
Nghiên cứu cũng cho thấy với việc tăng cường chuyển đổi sang thực phẩm có nguồn gốc thực vật, sự suy giảm của các hệ sinh thái quan trọng theo quỹ đạo hiện tại sẽ giảm hơn một nửa vào năm 2050.
“Các loại thịt có nguồn gốc thực vật không chỉ là một sản phẩm thực phẩm mới mà còn là cơ hội quan trọng để đạt được các mục tiêu về an ninh lương thực và khí hậu, đồng thời đạt được các mục tiêu về sức khỏe và đa dạng sinh học trên toàn thế giới”, bà Eva Wollenberg - đồng tác giả của nghiên cứu, nhấn mạnh.
Khi đó, khu vực châu Phi cận Sahara, Trung Quốc và Đông Nam Á sẽ chứng kiến mức giảm tổn thất đa dạng sinh học lớn nhất, trong khi mức độ hấp thụ carbon sẽ được cải thiện nhiều nhất ở khu vực châu Phi cận Sahara và Nam Mỹ, đặc biệt là Brazil.
Việc giải phóng đất trồng trọt sẽ có vai trò rất quan trọng với Trung Quốc - nước tiêu thụ thịt lợn và thịt gà hàng đầu thế giới.
Đáng chú ý, chỉ riêng việc thay thế thịt bò bằng thực phẩm có nguồn gốc thực vật sẽ chiếm khoảng một nửa trong tổng lượng giảm phát thải đạt được thông qua việc giảm tiêu thụ cả sữa và 3 loại thịt nói trên.
Tuy nhiên, những thay đổi này cần tính đến tầm quan trọng của chăn nuôi ở một số nền văn hóa và đối với những người nông dân quy mô nhỏ. Dù vậy, các nhà nghiên cứu vẫn nhấn mạnh biến đổi khí hậu luôn là một rủi ro lớn đối với mọi nông dân.
Cũng theo nghiên cứu, việc định giá các sản phẩm có nguồn gốc thực vật sẽ mang tính quyết định rất lớn đến diễn biến của thị trường, trong khi tốc độ của việc chuyển đổi sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách công.