ClockThứ Năm, 28/02/2019 06:30
“LỚP CHỌN” TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG:

Cần đồng thuận, tránh phân biệt

TTH - Không được thành lập các lớp chọn trong trường học theo quy định, nên mỗi trường có cách làm riêng để vừa duy trì những “hạt giống” tham dự các kỳ thi; vừa đảm bảo các lớp học có chất lượng đồng đều.

Được và mất khi theo đuổi trường chuyên, lớp chọnVào lớp 10, cần lựa chọn sáng suốt

Học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế trong giờ chào cờ (ảnh minh họa)

Đua nhau vào “lớp chọn”

“Lớp chọn”, hiểu nôm na là những lớp tập hợp học sinh top đầu, giỏi về học lực và hạnh kiểm tốt của từng khối lớp. Các trường duy trì mô hình lớp chọn là để “luyện gà”, tham gia các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp, hay đỗ điểm cao vào các trường đại học. Thực tế xảy ra ở không ít trường phổ thông là việc lựa học sinh vào lớp chọn khá gắt gao. Thường vào cuối năm học hằng năm, sẽ có một đợt “thanh lọc”, những em học sinh giỏi và xuất sắc của các lớp sẽ gom vào lớp chọn.

Mỗi khi con em được đưa vào “lớp chọn”, phụ huynh cảm thấy phấn khởi và tự hào. Không ít em chưa đủ tiêu chuẩn, phụ huynh lại tìm cách nhờ vả… Họ cho rằng, lớp chọn là môi trường tốt nhất để con em mình thi thố, cạnh tranh nhau trong học tập. Học sinh nào được tuyển vào lớp chọn đều có cơ hội học tập tốt hơn vì được rèn luyện trong một môi trường tốt. Các em tự ý thức và tự nhìn nhau để điều chỉnh hành vi tiến bộ của bản thân. Ở những “lớp chọn”, giáo viên chủ yếu hướng dẫn học sinh cách tự học và đào sâu kiến thức.

Không phủ nhận, nhiều em đã thích nghi và phát huy tốt khả năng học tập của mình ở môi trường “lớp chọn”. Song thực tế cũng có không ít em bị đuối sức, chịu áp lực, căng thẳng khi suốt ngày chỉ có học, thi với tâm thế cạnh tranh, ganh đua nhau quyết liệt. Áp lực ấy xuất phát từ sự kỳ vọng của mọi người xung quanh, từ khối lượng bài vở và kiến thức phải dung nạp và từ sự cạnh tranh thứ hạng trong cùng một lớp.

Nguyễn Văn T., học sinh ở Trường N, tâm sự: “Khi được vào “lớp chọn”, em bị áp lực khi xung quanh em toàn là học sinh giỏi. Có khi em rất căng thẳng, nhìn đâu cũng thấy toàn là đối thủ. Thế nên, sau một năm học ở “lớp chọn”, em đã xin chuyển qua các lớp học đại trà”.

Nhiều ý kiến cho rằng, các trường không chuyên mà xếp “lớp chọn” là không phù hợp. Khi có các “lớp chọn”, những lớp khác sẽ không có hạt nhân làm nòng cốt, để các em khác phấn đấu và thi đua với nhau. Hình thức “đôi bạn cùng tiến” trong các lớp sẽ hạn chế. Hệ lụy dễ thấy nhất là, môi trường giáo dục trong một lớp không đa dạng, mất cân đối. Học sinh giỏi lại càng giỏi thêm, học sinh trung bình học tập trong môi trường không ai hơn ai nên mất đi tính cầu tiến. Tất nhiên, cần phải có phân loại học sinh trong nhà trường, nhất là bậc trung học phổ thông, nhưng phân loại với mức độ vừa phải, hợp lý và cân đối, không gom học sinh giỏi vào một lớp, học sinh trung bình, yếu vào lớp riêng…

Những năm gần đây, hình thức lớp chọn ở nhiều trường phổ thông giảm nhiệt. Nhiều trường tiến hành phân đều tỉ lệ học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu về các lớp ngang nhau nhằm tạo môi trường học tập tốt hơn. Đây là một hoạt động nhằm hướng vào học sinh, giúp các em có lực học chưa tốt vươn lên với phương châm “học thầy không tày học bạn”.

Phát huy mặt tích cực

Thầy giáo Nguyễn Trọng Hướng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP. Huế), cho hay: “Khi các em vào lớp 10, nhà trường phát phiếu để các em đăng ký chọn lớp theo các khối A, B, C. Toàn trường có 9 lớp 10 thì có 4 lớp được chọn theo nguyện vọng các em, số học sinh còn lại học đại trà. Theo khảo sát của trường, ở các lớp đại trà vẫn có nhiều em có thành tích nổi bật chứ không hẳn chỉ có học sinh ở các khối mới học tốt.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều nhà giáo cho biết, lập “lớp chọn” trong trường phổ thông tuy là trái quy định nhưng nếu duy trì tốt, đúng hướng sẽ là những lớp mũi nhọn của nhà trường. Quan trọng là làm sao tạo thế cân bằng trong môi trường giáo dục, không để người giỏi càng giỏi thêm mà người có sức học trung bình, yếu ngày càng sa sút. Vấn đề, cần có sự đồng thuận, không gây nên sự phân biệt trong nhà trường, nhất là giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Không thể phủ nhận mặt tích cực của lớp chọn trong trường phổ thông, đặc biệt HS những trường chuyên, lớp chọn thời gian qua đã góp công sức không nhỏ vào thành công trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế… Nếu trường làm được việc phân loại học sinh chính xác và tiến hành phân công giáo viên có năng lực, tâm huyết để phụ trách sẽ phát huy vai trò của các lớp. Từ đó, nhà trường chủ động đầu tư để các em hướng đến mục tiêu vào đại học, cao đẳng hay học nghề.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho học sinh

Ngày 4/5, Đồn Biên phòng Vinh Hiền phối hợp với Trường tiểu học Vinh Hiền (Phú Lộc) tổ chức tuyên truyền phòng chống đuối nước cho học sinh. Dịp này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn hàng hải khu vực 2, tặng 50 áo phao cho nhà trường.

Tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho học sinh
Tận dụng kỳ nghỉ lễ để ôn thi

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhiều học sinh cuối cấp đã gác lại kế hoạch nghỉ ngơi, vui chơi để tập trung ôn tập kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới. Đây cũng là dịp phụ huynh có thời gian rảnh để đồng hành cùng con.

Tận dụng kỳ nghỉ lễ để ôn thi
Đầu tư cho học sinh đi thi quốc tế

Để ươm mầm cho học sinh đi thi và đoạt giải quốc tế, Trường THPT chuyên Quốc Học – Huế xây dựng lộ trình bồi dưỡng bài bản. Đằng sau những tấm huy chương là không ít mồ hôi, công sức của thầy và trò.

Đầu tư cho học sinh đi thi quốc tế
Return to top