ClockChủ Nhật, 05/05/2024 06:40

Một mảnh trời trong veo

Khi cơn mưa ngang quaTà áo bay trên quê hương yêu thươngRau đồng

Những lần về quê, khi ráng chiều buông dài trên xóm nhỏ, tôi thường len lỏi dưới những tán cây quanh nhà, nâng niu hái từng chiếc lá sả, lá chanh. Có sẵn thì thêm vài lát vỏ bưởi, vỏ quýt, rửa sạch tất cả rồi nấu một nồi nước tắm thơm lừng. Tôi chọn hái những chiếc lá đã già nhưng vẫn căng tràn diệp lục, để lại đám lá non đầu cành cho chúng được tiếp tục đắm mình trong khí trời, phiêu diêu cùng nắng gió. Khi những hòn than trong lò đã hừng lên đỏ đượm, tôi đặt nồi nước lá lên, đợi nước sôi sẽ gặp lại một mùi hương cố cựu nồng ấm. Mùi hương từ những chiếc lá thảo thơm vườn nhà, đan vào sợi gió lùa qua gian bếp của mẹ, len thật sâu giữa lòng người gợi thức những xa xôi…

 

Được khỏa lên người làn nước ấm cùng mùi hương bềnh bồng, những nỗi buồn lưu cữu như được gột rửa, khiến tôi thổn thức nhớ. Trong miền nhớ nghiêng nghiêng bóng mẹ gội đầu bên vành giếng cũ, từng giọt nước theo nhau réo rắt nhỏ xuống chiếc thau đồng. Với tôi, một trong những hình ảnh đẹp nhất của người phụ nữ quê chính là lúc họ gội đầu, bên vành giếng bàng bạc dấu rêu xanh. Đó là thuở mái đầu của mẹ chưa liêu xiêu nhuốm màu mây trắng, và những sợi tóc còn dày dẫu đã ngấm nhiều gió sương. Làn nước giếng loang loáng soi khuôn mặt của mẹ thảnh thơi, bình lặng, bao vướng bận dường như đã tan hết vào mùi hương dịu đằm từ hoa lá. Chỉ còn tiếng chim thánh thót như kết thành chuỗi dài buông xuống gốc xoài già cạnh giếng. Và đôi khi tiếng hát bất chợt ngân nga, nhỏ nhẹ của mẹ hòa vào những tà gió thơm cuối ngày.

Những người bà, người mẹ tảo tần, ai cũng từng đi qua một thời con gái. Có phải lúc họ gội đầu cũng là lúc những riêng tư thương nhớ hóa thành dòng chảy thao thiết xuôi về, gặp miền ký ức của ngày son trẻ. Bao niềm vui cũ bỗng hóa thành giọt nắng ngân ngấn trên mắt mẹ, và những sợi tóc như đang thì thầm kể lại một quãng đời thiếu nữ trong xanh. Có phải mẹ đang quay về những buổi chiều xưa giặt áo nơi bến sông hoa rơi lất phất, những đêm trăng mười sáu bổi hổi khúc ca dao? Lúc gội đầu, bao dãi dầu thương khó một đời tựa hồ đã lùi sau lưng mẹ, bàn tay mẹ dịu dàng luồn trong mái tóc xõa dài - mái tóc quý giá của đời người phụ nữ. Mùi hương nhẹ bẫng như níu bóng chiều buông xuống chầm chậm, và vẫn còn bịn rịn trên tóc mẹ mấy ngày sau đó. Vạt khói lam chòng chành bay lên từ mái bếp nhà bên, trôi mải miết về phía mảnh trăng cong neo ở lưng trời.

Năm rộng tháng dài, không ai đứng ngoài chiếc bóng vô tận của thời gian. Những ngày nắng ấm, gió dìu dặt thoáng đãng, dưới mái hiên sau, mẹ cũng thường gội đầu cho ngoại. Tôi nhớ ngoại hay mặc áo nâu sòng, nhìn xa xôi ra khu vườn um tùm những vạt lá chuối. Mẹ ngồi phía sau, từng cử chỉ ân cần, chăm chú giữa màn hơi nước la đà. Tôi không biết mẹ và ngoại đã nghĩ gì trong những khoảnh khắc lặng im như thế, chỉ nhận ra một niềm ấm áp chân phương khẽ len lỏi vào tâm hồn tôi, và tất cả như đang an trú dưới mảnh trời của tình thương sâu đậm. Ngay lúc ấy, trái tim tôi dường như cất tiếng, rằng tổ ấm của tôi là đây, nơi tôi mãi thuộc về là đây.

Những lần gói ghém quay về, khỏa làn nước mát rửa hết bụi đường lấm vương, tôi nhớ vành giếng trước nhà giờ đã không còn nữa. Chỉ còn cái ảng nước sóng sánh ánh trăng, vào những đêm thanh bình làn gió bay ngang chở đầy mùi ổi chín. Cái ảng nước dường như luôn cất giữ bao điều bí mật, và đâu đó tôi nhận ra mùi thơm nguyên sơ của nước lắng sâu từ mạch nguồn đất mẹ, cây cỏ. Những mùi hương của giọt mưa đầu mùa, của lá khô mục ải, mùi khói củi thanh lành, trái đu đủ chín vàng bên chái bếp, tất thảy chỉ được tìm thấy khi bàn chân đang đứng giữa quê nhà. Cúi đầu bên ảng nước, cánh hoa níu gió rơi xuống thật khẽ, làm xao động một mảnh trời quê trong veo.

Và mùi tóc mẹ như đang man mác tỏa ra từ tâm tưởng…

Sa Lam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
“Liều thuốc bổ” của mạ

Dù một năm về quê rất nhiều lần, nhưng mỗi lần gói ghém đồ đạc để về nhà mẹ con tôi đều bồi hồi, nôn nao khó tả. Chẳng cần gọi như “hò đò” vào mỗi buổi sáng, mới hơn 5 giờ sáng, tôi đang cựa mình để xem giờ thì lanh lảnh bên tai giọng con trai tỉnh rót, chẳng có chút gì ngái ngủ của một đứa trẻ 5 tuổi khi thức dậy sớm. Mấy giờ rồi mẹ, sáng chưa, để con dậy đi về ngoại… Những câu hỏi cứ dồn dập, cùng với hành động bật dậy dứt khoát, đi thẳng vào nhà vệ sinh để đánh răng, rửa mặt của cu cậu càng khiến niềm vui, sự háo hức khi chuẩn bị về quê của tôi được nhân lên.

“Liều thuốc bổ” của mạ
Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương

Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), chiều 25/3 tại nghĩa trang liệt sĩ huyện, Huyện ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN huyện Phú Vang đã tổ chức đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.

Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương
Về nhà

Nắng đã lên cao. Nhìn qua camera, tôi lại thấy tấm thân gầy gò quen thuộc của ngoại lọt thỏm trên chiếc ghế gỗ xếp sát ban công nhìn ra sân xóm. Qua mấy tiềng rồ rồ của hệ thống thu âm, tôi vẫn nghe ngoại hỏi nhiều lần trong vô thức ở cái tuổi 93 quên nhiều hơn nhớ, rằng mấy đứa đã về rồi hay chưa…

Về nhà
Nguyễn Thanh Hiếu - Người anh hùng thầm lặng - Bài 2: Để lại quê hương dáng hình “tạc vào thế kỷ”

Nguyễn Thanh Hiếu, sinh năm 1938, quê ở vùng ven biển Cảnh Dương thuộc thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, thoát ly năm 1960. Trước khi lên chiến khu, ông mang tên: Nguyễn Văn Chiến. Giải thích lý do ông Nguyễn Thanh Hiếu xâu lỗ tai, ông Nguyễn Thanh Thảo cho biết, cha mẹ tôi sinh 6 người con. Do 4 người con đầu toàn gái, sợ khó nuôi nên khi sinh anh Chiến (tức Hiếu), mạ tôi cho bấm lỗ tai.

Nguyễn Thanh Hiếu - Người anh hùng thầm lặng - Bài 2 Để lại quê hương dáng hình “tạc vào thế kỷ”
Return to top