ClockThứ Sáu, 01/01/2016 11:05

“Cát Tường Viên” bên Đàn Nam Giao

TTH - Trước thềm Xuân mới 2016, một sáng nắng đẹp hiếm hoi sau những ngày mưa dầm dề, tình cờ, tôi gặp Tạ Thị Ngọc Thảo, không phải nơi Tịnh cư Cát Tường Quân - một địa chỉ du lịch tâm linh bên đồi Thiên An, mà trước Đàn Nam Giao. Ở đây, vào đúng ngày đầu Xuân mới 2016, sẽ khánh thành “Cát Tường Viên”, một công trình góp phần tôn tạo cảnh quan Đàn Nam Giao.

Trưng bày cây, hoa phục vụ khách

Với Tịnh cư Cát Tường Quân, tôi là người đến muộn, rất muộn. Có lẽ vì nó… quá nổi tiếng, đã lên phim, lên báo nhiều, thì yên chí nó sẽ còn đó mãi cho những ai đến muộn chiêm ngưỡng. Hôm tôi lên thăm Tịnh cư Cát Tường Quân vào cuối tháng 11 vừa qua, chị Tạ Thị Ngọc Thảo vừa đi chỉ đạo đào hồ sen ở “Cát Tường Viên” về. Chị nói:

- Tôi thấy Đàn Nam Giao là nơi thờ cúng Đất Trời thiêng liêng nhất của Huế nên muốn thay thế khu đất buôn bán hỗn tạp phía trước bằng một công viên làm đẹp thêm cho Nam Giao và cho Huế…

Ý tưởng tốt đẹp đó liền được chính quyền địa phương ủng hộ và chị lập tức triển khai để có thể sẽ hoàn thành kịp đón Xuân mới. Hơn một tháng qua, thỉnh thoảng có dịp qua Đàn Nam Giao, tôi không khỏi hồi hộp lo cho kế hoạch “Cát Tường Viên”, vì hết đợt gió mùa này tiếp đến đợt khác, liên tục trút mưa khiến các khối đất đào lên thành bùn, việc đúc bê tông, trát vữa luôn gặp trở ngại...

Vậy mà hôm nay, khu đất ngổn ngang vật liệu xây dựng ấy đã thành một công viên đủ loại hoa và cây cảnh thi nhau khoe sắc dưới ánh mặt trời ấm áp. Hồ sen mới đào tháng trước, nay ăm ắp nước, hoa súng đã vươn lên xòe cánh tím chờ sen hồng mùa hạ tới. Huế không thiếu những vườn cây cảnh đẹp, hai bờ sông Hương cũng một công viên đặc sắc; tuy vậy, với một doanh nhân không ngừng tìm kiếm, xây dựng các công trình có tính độc đáo với thương hiệu “Tạ Thị Ngọc Thảo”, tôi nghĩ “Cát Tường Viên” vẫn sẽ là một địa chỉ văn hoá mới của Huế có sức mời gọi bạn bè gần xa, chứ không chỉ góp phần tôn tạo cảnh quan Đàn Nam Giao.

Đến với “Cát Tường Viên”, du khách không chỉ được thưởng ngoạn “miễn phí” những hàng cây, những loài hoa đẹp sắp đặt có nghệ thuật mà còn có thể “tham gia” nhiều hoạt động khác tùy nhu cầu của mình. Về dịch vụ, có thiền yoga, quà lưu niệm, hướng dẫn thực hành trà đạo. “Cát Tường Viên” còn tư vấn thiện nguyện với 4 nội dung: tài chính, marketing, khởi nghiệp và chiến lược kinh doanh. Và tất nhiên, “Cát Tường Viên” cũng kinh doanh, bạn có thể chọn mua nhiều loại cây cảnh: Cây hoa kiểng, bonsai, cây ăn trái, cây công trình, cây xanh văn phòng. “Cát Tường Viên” còn giúp thiết kế lập vườn, chăm sóc vườn và đặc biệt: thiết kế lập vườn thiền.

Hướng dẫn tôi xem các hàng cây, các nơi bày bán hoa vừa được mang từ Đà Lạt, Hà Nội và nhiều nơi khác về, nghe tôi nhắc đến tin trên “mạng” có “đại gia” bỏ tiền tỷ mua cây mai “độc” mấy trăm năm, chủ nhân “Cát Tường Viên” nhỏ nhẹ đáp trong nụ cười tươi tắn…

- “Cát Tường Viên” không nhằm đối tượng đó. Tôi làm công trình này không vì tiền, nhưng đã kinh doanh mà không có lời thì đáng xẩu hổ. Anh biết không, chưa khánh thành nhưng tôi đã bán được cả trăm cây hoa mộc cho các chùa. Mỗi cây giá vài trăm ngàn, nhưng các bình hoa để bàn giá chỉ dăm chục, hợp túi tiền nhiều người…

“Cát Tường Viên” đang khẩn trương hoàn thiện những công việc cuối cùng trước lễ khánh thành: Thợ điện bắt thêm đèn chiếu sáng, một xe tải vừa chở hàng đến, quầy hàng lưu niệm chưa xong... Vậy nhưng Tạ Thị Ngọc Thảo xem ra vẫn thư thái và vui vẻ bước lên một tảng đá ở “Vườn Thiền” tĩnh tọa cho tôi chụp một “pô” ảnh để có thể… đăng báo. Nghe tôi bảo vậy, chị nói, rất nhỏ:

- Anh là nhà báo đến sớm nhất đó!

 Giọng chị như một hơi thở nhẹ và cười - đúng như một “tuyên ngôn” chị đã viết trong tác phẩm “Thư chủ gửi tớ” vừa xuất bản: “Tôi về Huế chỉ để thở và mỉm cười.” Học theo chị, tôi cũng nhẹ giọng, vui vẻ đáp lại:

- Thì để bù cho lỗi đến “Tịnh cư Cát Tường Quân” muộn màng!

Nói cho vui vậy thôi, chứ “sớm” hay “muộn” cũng như việc “Cát Tường Viên” được “chào đời” vào một ngày Xuân mới, như Tạ Thị Ngọc Thảo hay nói, là còn “tùy duyên”…

Hy vọng ngày đầu năm mới, nhiều người có “duyên” đi qua Đàn Nam Giao để ghé thăm “Cát Tường Viên” - một công trình mới toanh, góp phần làm đẹp thêm vùng đất thiêng của Huế…; cũng là dịp để “thở và mỉm cười” với ngàn hoa lá tươi xanh trong bầu không khí trong lành nhờ được thanh lọc qua một tâm hồn có “duyên” với Huế…

Bài, ảnh: NGUYỄN KHẮC PHÊ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tìm dấu tích đàn Nam Giao thời Tây Sơn

Sau hai đợt khai quật khảo cổ học Di tích quốc gia núi Bân (phường An Tây, TP. Huế) các chuyên gia đã phát hiện một số dấu tích, di vật góp phần khẳng định đây xưa kia là đàn Nam Giao - nơi Nguyễn Huệ lập đàn tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế. Cũng từ những thông tin khảo cổ mới nhất, các chuyên gia kiến nghị tiến hành xây dựng di tích này trở thành Di tích quốc gia đặc biệt.

Tìm dấu tích đàn Nam Giao thời Tây Sơn
Thiếu Lâm Tự ở Huế

Lâu nay nghe Thiếu Lâm là người ta lập tức nghĩ đến ngôi cổ tự nổi tiếng bên xứ Trung Hoa, còn ở Huế thì... À, cũng có “Thiếu Lâm Tự” đấy, nhưng mà đó là từ nói vui của dân hay lai rai buổi chiều để chỉ cái quán nhậu bình dân nơi góc chùa trên đường Hùng Vương gần chợ An Cựu. Tôi cũng từng ỷ y như vậy, nhưng hóa ra có một ngôi chùa mang tên “Thiếu Lâm Tự” luôn hiện hữu ngay trên đất Huế từ hơn trăm năm nay mà không nhiều người biết.

Thiếu Lâm Tự ở Huế
Bảo tồn, tu bổ di tích Đàn Nam Giao

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán để hoàn thiện các bước chuẩn bị cho quá trình trùng tu di tích đàn Nam Giao.

Bảo tồn, tu bổ di tích Đàn Nam Giao
Nấm tràm đắt giá, người mua vẫn “hốt sạch”

Những trận mưa ngắn ngày sau đợt nắng nóng kéo dài không chỉ giúp tiết trời dịu mát, mà với nhiều người sống ở gần những cánh rừng tràm ở khu vực đồi núi thì đó là tín hiệu báo rằng nấm tràm đã xuất hiện. Mùa nấm tràm năm nay dù chưa được xem là bội thu nhưng rất được giá nên người “săn” nấm rất vui.

Nấm tràm đắt giá, người mua vẫn “hốt sạch”
An nhiên nơi chùa xưa Đông Thuyền

Một ngày đầu năm Tân Sửu, tôi đến thăm chùa Đông Thuyền, tọa lạc ở một vị trí cách trung tâm thành phố khoảng 5km về phía nam. Đến đàn Nam Giao, rẽ phải lên đường Lê Ngô Cát, bạn sẽ thấy một chiếc bảng hiệu chỉ đường với dòng chữ màu đỏ đã bạc màu, leo một con dốc thoai thoải là đến chùa. Tuy nằm trong phố thị, nhưng nhờ địa thế cao ráo, chùa Đông Thuyền vẫn giữ được vẻ tĩnh mịch và an yên.

An nhiên nơi chùa xưa Đông Thuyền
Return to top