ClockChủ Nhật, 06/11/2016 13:51
PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ TỪ KHU DI SẢN HUẾ:

Chờ một mô hình lý tưởng

TTH - Cho đến nay, Trung tâm BTDTCĐ Huế vẫn được UNESCO và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá là đơn vị hàng đầu trong nước về công tác trùng tu bảo tồn di tích. Tuy nhiên, để Trung tâm phát triển dịch vụ Di tích Huế thực sự trở thành một đơn vị “có đủ năng lực”, thỏa mãn những yêu cầu mà lãnh đạo tỉnh đang cần, thì còn phải đi trên con đường rất dài...

Ca trù trên Lầu Tứ Phương Vô Sự. Ảnh: Bảo Minh

Chưa có sản phẩm “riêng Huế”

Cố đô Huế là địa phương đầu tiên của Việt Nam có di sản văn hóa (DSVH) thế giới, cũng là địa phương đi đầu cả nước về bảo tồn DSVH và sử dụng lợi thế về DSVH để phát triển kinh tế dịch vụ du lịch. Từ năm 2012, UBND tỉnh phê duyệt đề án tổng thể về quy hoạch và phát triển hoạt động dịch vụ đến năm 2020. Trong đó, 11 cụm di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế được kết nối, tạo thành một bản đồ dịch vụ sống động của khu di sản Huế, từ khu vực Hoàng Thành - Tử Cấm Thành, vào hồ Tịnh Tâm, ra Thượng Thành, lên Võ - Văn Miếu, lên lăng vua Tự Đức - đồi Vọng Cảnh, qua lăng vua Thiệu Trị - điện Hòn Chén - lăng vua Minh Mạng, xuống lăng vua Khải Định, về lại Đàn Nam Giao, Cung An Định… Phấn đấu đến năm 2020, khu di sản Huế trở thành điểm đến tham quan, mua sắm hấp dẫn, tiện ích trong chuỗi di sản thế giới của khu vực miền Trung và của cả nước.

Năm 2013, UBND tỉnh thành lập Trung tâm phát triển dịch vụ di tích Huế - đơn vị trực thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế. Một số hoạt động dịch vụ mới tại nhà lưu niệm Bà Từ Cung, không gian văn hóa Lục Bộ, không gian dịch vụ văn hóa tại Cung Trường Sanh… được tổ chức, tạo thêm điểm đến hấp dẫn, mang bản sắc văn hóa cung đình Huế. Và trong lộ trình từ nay đến năm 2020, nhiều sản phẩm mới cũng sẽ được triển khai, như: Dịch vụ ở Phủ Nội vụ, mở tuyến tham quan Thượng Thành và các sản phẩm về đêm, trong đó có dự án mở cửa đón khách tham quan Đại Nội về đêm…

Tại khu di sản Huế, doanh thu trực tiếp từ năm 1996 đến năm 2015 đạt 1.300 tỷ đồng; trong đó, lãi ròng từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 75 tỷ đồng, riêng năm 2016, dự kiến doanh thu từ vé tham quan di tích đạt 255-260 tỷ đồng. Đây là số liệu khẳng định các hoạt động dịch vụ được khai thác tại khu di sản Huế đang tích cực góp phần phát triển kinh tế, tạo nguồn lợi trong việc tái đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản, bảo tồn di tích. Mặt khác, cũng không thể phủ nhận, các hoạt động dịch vụ du lịch tại khu di sản Huế hiện vẫn chưa được đầu tư tương xứng với giá trị vốn có. Một trong những lợi thế lớn nhất của Thừa Thiên Huế mà không địa phương nào có được là còn giữ lại một bộ phận di sản cung đình tương đối nguyên vẹn của Việt Nam. Tuy nhiên, trong những sản phẩm dịch vụ liên quan đến văn hóa cung đình, Thừa Thiên Huế chưa có sản phẩm dịch vụ nào thuộc hàng “phải đến Cố đô Huế mới có được”.

Nhiều năm gắn bó với khu di sản Huế, đạo diễn Lê Quý Dương tiếc nuối: “Giấc mơ của tôi là muốn cả Đại Nội thành “Đêm Hoàng cung” vào tất cả các đêm và du khách trên khắp thế giới phải tìm về Huế để xem đêm Hoàng cung này. Giống như người ta nháo nhác đến Trung Quốc xem các chương trình của đạo diễn Trương Nghệ Mưu vậy. Đại Nội có không gian, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng tốt hơn nhiều so với những nơi đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã làm, nhưng chúng ta mới chỉ khai thác khoảng 10% trữ lượng văn hóa Huế, phần còn lại vẫn chưa được đánh thức”.

Không gian văn hóa Lục Bộ đang có một số dịch vụ mới Ảnh: Nguyễn Phước

Chờ một mô hình lý tưởng

Để “biến” những tiềm năng thành khả năng phát triển du lịch từ DSVH, Trung ương đã đồng ý để Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án phát triển đặc thù cho di sản Huế; trong đó, có nội dung đồng ý nguyên tắc xây dựng đề án công - tư trong việc phát triển bảo tồn di sản Huế.

Đến thời điểm này, cả 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của Việt Nam đều chưa thống nhất về một mô hình quản lý cũng như con đường để phát huy di sản ấy một cách hiệu quả, đảm bảo vừa gìn giữ được giá trị di sản cho mai sau, vừa tăng nguồn thu đáng kể từ các hoạt động phát triển dịch vụ du lịch. Với Thừa Thừa Thiên Huế, mô hình quản lý khu di sản Huế mới mà lãnh đạo tỉnh hướng tới là tách nhiệm vụ quản lý ra khỏi nhiệm vụ khai thác, phát huy giá trị khu di sản qua các hoạt động dịch vụ, nhằm quản lý di sản chuyên nghiệp và hiệu quả hơn; đồng thời, tạo điều kiện để khai thác giá trị phong phú của khu di sản Huế một cách toàn diện, hiệu quả, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tuy nhiên, đây là việc không đơn giản và cần tiến hành thận trọng.

Ông Trần Đại Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Thừa Thiên Huế cho rằng: “Chúng ta trăn trở rất nhiều để có giải pháp tăng nguồn thu từ khu di sản Cố đô Huế, nhưng làm những gì và làm như thế nào thì cần có sự lựa chọn. Để tạo được nguồn thu từ di tích mà việc bảo vệ khu di sản không bị phản tác dụng, cần có một đề án thận trọng và chín muồi, nhằm tạo sự đồng thuận trong Nhân dân”.

ThưởngTrà cung đình tại Cung Trường Sanh. Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin lại nhấn mạnh: “Bất kể là mô hình nào thì vấn đề quan trọng nhất là giải quyết được mối quan hệ giữa cơ quan quản lý bảo tồn và cơ quan phát triển dịch vụ. Nếu mô hình mới tách riêng lĩnh vực phát triển dịch vụ cho một đơn vị độc lập thì hai nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa và phát huy giá trị của di sản qua các hoạt động dịch vụ thiếu sự phối hợp, dễ dẫn đến vấp váp”.

Cho đến nay, Trung tâm BTDTCĐ Huế vẫn được UNESCO và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá là đơn vị hàng đầu trong nước về công tác trùng tu bảo tồn di tích. Tuy nhiên, để Trung tâm phát triển dịch vụ Di tích Huế thực sự trở thành một đơn vị “có đủ năng lực”, thỏa mãn những yêu cầu mà lãnh đạo tỉnh đang cần, thì còn phải đi trên con đường rất dài mà đích đến là khả năng định hình những sản phẩm dịch vụ du lịch đột phá, riêng có của Huế; có chiến lược hoạt động bài bản, hoàn toàn độc lập, có bộ máy vận hành hiện đại, gọn nhẹ và quan trọng là “hiểu” được “tâm tính” đặc trưng của kho tàng DSVH Huế để tôn vinh.

"Trong xu hướng xã hội hóa việc bảo tồn và phát huy di sản thế giới, cũng như tạo ra sự đa dạng về các sản phẩm và dịch vụ du lịch, rất cần thiết có cơ chế mở để thu hút nguồn lực ngoài công lập theo hướng hợp tác công/tư. Tuy nhiên, các nguồn đầu tư tạo ra sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch không nên triển khai trong các khu vực bảo vệ di sản, nhất là việc khoán cho tư nhân làm dịch vụ và khai thác di sản qua hình thức bán vé, thu phí vào thăm di sản. Như thế vô tình chúng ta lại hạn chế khả năng tự chủ, tự quản của các đơn vị quản lý di sản văn hóa thế giới. Quản lý Nhà nước về di sản là không làm thay cho cộng đồng nhưng đồng thời không thể khoán trắng cho cộng đồng"

PGS. TS Đặng Văn Bài (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam)

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều mô hình hay

Bằng những cách làm sáng tạo trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quảng Điền đã huy động được sự vào cuộc, tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân xây dựng nhiều mô hình, chương trình hỗ trợ, đỡ đầu cho trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh yếu thế trong xã hội.

Nhiều mô hình hay
Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị ở Quảng Điền đã cụ thể hóa mô hình “Dân vận khéo” bằng nhiều mô hình, các hoạt động sôi nổi, rộng khắp, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân. Qua đó, khơi dậy nội lực, huy động sức dân tạo nguồn lực để chung tay xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”
Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập

Những năm qua, các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và đối với người khuyết tật (NKT) nói riêng trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt, tạo điều kiện cho NKT vượt qua khó khăn, trở ngại để vươn lên sống độc lập, hoà nhập với cộng đồng.

Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập
Return to top